”Một bức tranh đẹp tương đồng với một điều thiện”. Vincent Van Gogh.
Luôn phải sống trong nghèo túng, lại bịnh tật, hầu như không ai biết đến, cả đời họa sĩ Vincent Van Gogh chỉ bán được một bức tranh duy nhứt. Đó là bức Cánh đồng nho đỏ với giá khoảng 80 đô la. Và chỉ có một bài báo đề cập tới Van Gogh. Vậy mà sau khi qua đời hơn nủa thế kỷ sau đó, nhiều bức tranh của danh họa người Hà Lan này liên tục phá kỷ lục thế giới về giá bán, luôn là niềm ao ước của những tay chơi họa lắm tiền nhiều của nhưng có lòng đam mê nghệ thuật, luôn là tầm ngắm của những kẻ trộm tranh lắm mưu nhiều mẹo. Năm 1990, bức họa Bác sĩ Gachet bán được với giá 82,5 triệu đô la Mỹ ở New York. Nhiều bức tranh khác cũng được bán với giá cao ngất ngưỡng, như bức Hoa hướng dương với giá 40 triệu ở London năm 1987; bức Hoa dien vỹ bán 54 triệu ở New York vào năm 1987; bức Chân dung một nghệ sĩ không râu bán 71 triệu cũng tại New York.
Tên tuổi của Van Gogh giờ đã trở nên gần gũi trong văn hóa đương đại. Năm 1934, nhà văn Irving Stone cho ra đời tiểu thuyết Lust for Life kể về cuộc đời của Vincent Van Gogh. Cuốn tiểu thuyết này vào năm 1956 đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do Vincente Minnelli và George Cukor đạo diễn. Người vào vai Van Gogh là ngôi sao điện ảnh Kirk Douglas, còn vai Paul Gauguin được giao cho Anthony Quinn. Với vai diễn này, Quinn đã giành Giải Oscar – Nam diễn diễn phụ xuất sắc nhất. Năm 1971, nhạc sĩ và ca sĩ Don McLean đã sáng tác bài hát nổi tiếng Vincent để tưởng nhớ đến Van Gogh, câu mở đầu của bài hát ”starry Starry Night” được lấy cảm hứng từ bức tranh nổi tiếng Đêm đầy sao (The Starry Night) của họa sĩ. Năm 1990, câu chuyện về tình anh em giữa Vincent Van Gogh và Théo Van Gogh được đạo diễn Robert Altman đưa vào bộ phim Vincent & Théo, trong đó vaiVincent và Théo lần lượt do Tim Roth và Paul Rhys thủ vai.
Hàng năm, ở Paris, New York hay những thành phố hoa lệ trên thế giới đều có những cuộc triển lãm tranh của danh họa Vincent Van Gogh. Hàng ngàn hàng vạ người lũ lượt rồng rắn kéo nhau đến xem. Dường như ai cũng được mãn nhãn sau khi mục sở thị những tuyệt tác qua bàn tay ma mị của Vincent Van Gogh; dường như ai cũng muốn sở hữu một bức để được thỏa lòng thèm khát. Họ như bị thôi miên vào những bức họa đầy cảm xúc và tâm cảm. Họ chỉ được ngắm nhìn những tuyệt tác đắt đỏ mà giá trị của nó không thể đo đếm bằng tiền, rồi họ lại tặc lưỡi ca thán, ngưỡng mộ vì những nhát bút táo bạo, mạnh mẽ. Nhưng liệu có ai trong số những người khách tham quan, chiêm ngưỡng có thấu triệt được cuộc đời của Vincent Van Gogh, một hiện thân của cơn quằn quại dai dẳng, của một kiếp nhân sinh trôi nổi, của một đời người sóng gió, phiêu bạt?
”Chúa là một nghệ sĩ lỗi lạc nhất”
Vincent Willem Van Gogh, thường được biết đến với tên Vincent Van Gogh, sinh ngày 30/03/1853 tại Groot Zundert, một ngôi làng nhỏ gần thành phố Breda thuộc tỉnh Bắc Brabant, phía nam Hà Lan. Van Gogh là con trai của bà Anna Cornelia Carbentus và ông Theodorus Van Gogh, một giáo sĩ của Giáo hội cải cách Hà Lan.
Khi Van Gogh lên 4 thì người em trai Théo ra đời ngày 1/05/1857. Van Gogh còn có một người em trai khác là Cor và 3 người em gái là Elizabeth, Anna và Wil. Thuở bé, Van Gogh là một đứa trẻ trầm tính, ít nói và sâu sắc. Năm 1860, Van Gogh theo học trường làng Zundert đến năm 1861 thì bắt đầu học ở nhà cùng em gái Anna dưới sự hướng dẫn của một nữ gia sư. Năm 1864, Van Gogh lên Zevenbergen để vào học ở một ngôi trường nội trú, Van Gogh cảm thấy rất đau khổ vì phải xa gia đình và nỗi buồn này vẫn còn cho đến khi đã trưởng thành.