Raffaello Sanzio – Vị thánh hội họa

”Khi đang vẽ, con người ta không nghĩ ngợi”. Raffaello Sanzio.

Cùng với Leonardo da Vinci và Mechelangelo, Raffaello Sanzio trở thành những đại biểu xuất sắc nhất của mỹ thuật Phục Hưng Italia đỉnh cao. Trong đó, nếu Leonardo da Vinci là thiên tài hội họa với nhiều kiếm tìm khám phá,xây dựng nhiều qui tắc và phát minh như phép phối cảnh trong hội họa; Michelaneglo là tác giả của một khối lượng khổng lồ những tác phẩm nghệ thuật của cái bi thương nhưng hùng tráng, thì Raffaello là người có tài tinh lọc những gì là tốt đẹp nhất trong mỹ thuật của các bậc tiền bối.

Raffaello Sanzio là họa sĩ có tài kết hợp cả những điều khó kết hợp nhất: rất xưa mà nay, huyền thoại với đời thường, thiêng liêng thánh thiện với trần gian gần gũi, … để làm nên những tác phẩm bất hủ với bố cục hoành tráng mang tính tổng hợp của các phong cách Phục Hưng.

Nội dung trong các tuyệt tác của Raffaello Sanzio thường là tông giáo và lịch sử. Ngoài chuyên môn họa sĩ, Raffaello Sanzio còn là một kiến trúc sư lỗi lạc. Bằng chứng là việc thiết kế Nhà thờ St. Pie tại Vatican ở Rome, Raffaello Sanzio cũng đã có những đóng góp quan trọng trong quy hoạch tổng thể Nhà thờ lớn và đồng thời còn là người phụ trách công việc thi công công trình này.

Với những cống hiến to lớn của mình, danh hiệu Thánh hội họa của thời kỳ văn hóa Phục Hưng thực sự xứng đáng dành cho Raffaello Sanzio.

Một người Urbino nhân từ

Ngày 6/4/1483, cậu bé Raffaello Sanzio cất tiếng khóc chào đời ở thành phố Urbino, miền Đông Italia thuộc vùng Marche.

Một ngôi sao mới sáng lấp lánh trên bầu trời hội họa thời Phục Hưng vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Raffaello Sanzio thường được biết đến với tên gọi Raphael, hít thở bầu không khí nghệ thuật ngay từ người cha vốn là một họa sĩ nổi tiếng và sống trong môi trường hội họa xung quanh bởi những người thầy giỏi giang.

Raffaello Sanzio góp thêm hương hoa trong khu vườn hội họa Phục Hưng vốn đã ngập tràn sắc màu. Raphael bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách theo học nghề với một họa sĩ đã nổi tiếng, và mỗi người đều theo cùng một con đường bằng cách chấp nhận tất cả rồi vươn lên khỏi ảnh hưởng của người thầy đầu tiên.

Raffaello Sanzio có gương mặt thánh thiện, thoáng chút u uẩn và nhân cách đơn giản. Giorgio Vasari từng cho rằng ”Raphael là một người hòa nhã và nhân từ đến cả thú vật cũng mến thương”.

Song, tuổi thơ của Raphael kh6ong phải êm đềm như mặt hồ không gợn sóng. Lúc Raphael lên 8, mẹ của ông qua đời. Ba năm sau, cha của Raphael đi bước nữa; năm ông 11 tuổi thì cha mất ông sống với người mẹ kế. Bức chân dung tự họa được Raphael vẽ lúc còn ở tuổi hoa niên đã hiển lộ được tài năng xuất chúng của cậu bé. Cùng với mẹ kế, Raphael đã cầm trịch xưởng vẽ ngay từ lúc còn bé thơ. Ở xứ Rubino, Raphael có cơ hội tiếp xúc với các danh họa như Paolo Uccello và Luca Signorelli.

Theo Vasari, cha Raphael đã đưa cậu đến với xưởng vẽ của danh họa Pietro Perugino để học việc từ lúc còn nhỏ dù mẹ cậu phản đối. Giả thuyết này vấp phải nhiều sự nghi hoặc bởi 8 tuổi thì hãy còn quá sớm để bắt đầu học việc, nhất là những công việc liên quan đến sáng tạo nghệ thuật. Hầu hết các sử gia đều thống nhất rằng, Raphael ít nhiều được danh họa Perugino truyền dạy khoảng năm 1500. Những ảnh hưởng của Perugino lên tác phẩm đầu tay của Raphael là rất rõ ràng: ”Có lẽ không có một tiểu sinh thiên tài nào hấp thụ được nhiều lời truyền giảng của ông thầy mình như Raphael”. Nhưng trong khi Leobardo da Vinci và Michelangelo vượt qua thầy mình một cách nhanh chóng và không chịu ảnh hưởng gì của họ thì tài năng của Raphael đồng hóa rất tự nhiên mọi ảnh hưởng của thầy. Chàng trai xứ Urbino chiếm lấy tất cả những gì mình nhìn thấy và nuôi dưỡng tài năng bằng tất cả những cái người khác truyền dạy.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!