”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.
Léonard De Vinci.
Cho tới thời gian gần đây, tranh khắc bản được coi là một phương tiện sao lại các họa phẩm hay hình vẽ và để minh họa sách hơn là một hình thức nghệ thuật riêng biệt. Cho tới cuối thế kỷ 19, một họa sĩ, hoặc người thợ khắc của anh ta, hễ bá được bao nhiêu bản tranh thì cứ in chừng ấy bản. Ngày nay thì không như vậy nữa: những bản tranh in, mà từ đây người ta gọi là ”bản sao” của tranh gốc, cũng được sưu tập như các tác phẩm nghệ thuật vì giá trị của chính nó. Số lượng tranh in ra có hạn, được đánh số và có chữ ký của họa sĩ, sau đó bản vẽ được hủy đi để bảo đảm gía trị thương mại của những bản đã được in ra.
Người ta phân biệt ba loại bản khắc chính: bản khắc nổi, bản khắc lõm và bản khắc phẳng. Trong bản khắc nổi trên gỗ hay trên vải nhựa, các phần được chừa lại được bôi mực bằng một trục lăn. Ngược lại, trong bản khắc lõm thì các rãnh khắc trên bề mặt kim loại hay bị axit ăn mòn sẽ giữ mực. Trong bản in phẳng như in thạch bản, độc bản hay in lụa, hình vẽ được thực hiện bằng khuôn trổ. Mỗi phương pháp có những đặc tính về hình vẽ và kết cấu, và những khả năng diễn đạt riêng. Những kỹ thuật của tranh in cũng như của tranh vẽ, trong những thời kỳ nhất định được các nghệ sĩ độc lập làm sống lại và làm định hướng lại theo những đường hướng mới.
Những họa sĩ châu Âu đầu tiên thực hành việc in tranh thường giao phó việc khắc bản theo một bức tranh gốc cho các nghệ nhân. Nhưng một số các danh sư xưa tự mình cáng đáng công việc đó và chọn trong các phương pháp cái nào thích hợp nhất để thể hiện một số tính đặc trưng nhất định trong tác phẩm của họ. Vì vậy, những tính chất chính xác trong đường nét có sắc độ nổi bật rõ ràng trong các bức tranh của Durer, Mantegna và Pollaiuolo còn đươc nhấn mạnh thêm nhờ những đường cứng mạnh và sắc bén và những đường gạch nhỏ nét trên các bản khắc kim loại của họ. Rembrandt và Goya có thể thể hiện một cách tuyệt diệu bầu trong tranh khắc axit mà trạng thái độc sắc của chúng càng làm nổi bật tính chất xúc động. Còn các họa sĩ biểu tượng Đức thì khai thác thớ gỗ để thể hiện tính gây hấn trong bút pháp của họ bằng những đường khắc sâu.
Kỹ thuật in thạch bản cho phép sao lại gần như bất cứ thể loại tranh nào và thể hiện được những kết cấu đa dạng nhất. Đặc biệt, Daumier thăm dò những khả năng của kỹ thuật mới này. Trong các tranh khắc bản của ông người ta thấy lại những tính chất đồ họa và ấn tượng tương phản mạnh mẽ của những bức sơn dầu và màu nước gần như độc sắc cũng của ông. Tranh thạch bản của các họa sĩ biểu tượng trừu tượng như De Kooning và Motherwell cũng giữ được tất cả tính cách dữ dội, mãnh liệt trong tranh sơn của họ. Với một bút pháp khác hẳn, tranh in lụa của Vasarely hay của Bridget Riley tiếp nối truyền thống Nghệ thuật Đại chúng.
Các họa sĩ thường dùng tranh khắc bản để rèn luyện kỹ thuật hội họa của mình, vì những gò bó do phương pháp này đặt ra đôi khi mở ra những con đường mới. Tranh độc bản, tranh khắc phẳng nhằm in một bản duy nhất, đặc biệt đã được dùng làm khởi điểm cho những bức tranh sơn. Thí dụ, William Blake đã vẽ bằng màu thủy noãn lên bản khắc để được những tranh độc bản bề mặt có vân mà ông vẽ thêm bằng mực và màu nước. Nhiều họa sĩ khác đã dùng kỹ thuật tranh độc bản để thí nghiệm màu và toàn sắc trên bức khảo họa lồng dưới kính trong suốt; các lược đồ khác nhau có được như vậy sau đó được in ra và sửa chữa bằng sơn. Degas tô điểm tranh độc ba3ncu3a mình bằng sơn dầu và màu bột, nhưng cũng giữ vài bản không sửa chữa.
Nếu những bức tranh khắc đầu tiên ở châu Âu phản ánh khá rõ phong cách hội họa của thời đại đó thì khuynh hướng hiện nay dường như đảo ngược, và chính nghệ thuật hội họa tới lượt nó đang chịu ảnh hưởng của kỹ thuật tranh khắc. Trước đây tranh mộc bản Nhật đã có tiếng vang quan trọng trong tranh của một số họa sĩ ấn tượng như Degas, Whistler và Monet, trong tranh minh họa của Greenaway, trong bích chương của Toulouse – Lautrec, Bonnard, Vuillard, Steilen và anh em Beggarstaff. Về phần các họa sĩ hiện đại, họ say mê cách dùng song song các phương tiện khác nhau, họ phối hợp trong một bức tranh những kỹ thuật khắc họa khác nhau mà họ còn thêm vào đó cả thuật nhiếp ảnh nữa.
Tranh Vườn mai, 1857
Tác giả: Hiroshige, nhà hình họa – thơ khắc và họa sĩ Nhật
Phần lớn những phẩm chất làm cho tranh khắc của Nhật Bản có ảnh hưởng tới hội họa châu Âu cuối thế kỷ 18 đều được minh họa ở đây: hình thể đều màu, mảng màu rộng, và cách tiếp cận không gian trống mới mẻ.