”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.
Léonard De Vinci.
Các kỹ thuật dán và ghép những vật liệu tự nhiên hay biến chế đã phá bỏ ranh giới hiện có giữa các hình thức nghệ thuật khác nhau và những ranh giới ngăn cách sự thể hiện bằng hình thức hội họa với cái thực tế. Người ta thấy trong nền mỹ thuật cổ những tác phẩm được tạo thành từ nhiều thứ vật liệu, nhưng trên hết đó là những đồ tế tự được mạ vàng, bằng kim loại hay đá quý. Nguồn cung cấp những món ráp ghép của thế kỷ 20 có lẽ lại là các vỉa hè thành phố, các siêu thị và bãi rác. Quả là các nghệ sĩ đương thời đã khám phá ra rằng người ta có thể khôi phục lại các yếu tố của hình thể là đường, hình dạng, màu và kết cấu, từ bất cứ thứ gì, hay gần như vậy. Cái tài tình cần thiết để tổ chức được các ”thành tố” hỗn tạp đó thành những hình ảnh đủ biểu cảm từ nay không còn phụ thuộc một kỹ thuật gian khó là thứ không thể thiếu đối với các họa sĩ biểu hình theo truyền thống; ngược lại, sự dễ dàng khi tạo thành và phá bỏ những tác phẩm ráp ghép hiện đại là điều hoàn toàn khác hẳn với cái kỹ thuật trong nghệ thuật vẫn là quy luật cho tới lúc đó. Dù là một nhà hình họa xuất sắc, Matisse cũng không úp mở tán thành sự tự do lựa chọn các phương tiện khi nói rằng bố cục là nghệ thuật sắp xếp theo cách trang trí những yếu tố khác nhau mà họa sĩ có trong tay để diễn đạt cảm xúc của mình.
Vật liệu để dán được gắn chặt lên mặt nền bằng keo, thường là dán sắt, phẳng. Người ta thấy một thí dụ cổ xưa của kỹ thuật thủ công nầy trong truyền thống hội họa Trung Quốc. Nhưng kỹ thuật dán chỉ trở thành một nghệ thuật thật sự ở châu Âu với Picasso và Braque mà các tác phẩm lập thể của họ, khi hợp nhất những vật liệu tự nhiên với bề mặt được vẽ làm cho thêm màu sắc và kết cấu đa dạng, với sự dựa vào các vật có thật ngày càng nhiều. Trong tranh của các họa sĩ phái Dada, chiều thứ ba bắt đầu chen vào không gian hội họa với việc dùng giấy báo, vải the, quân bài, giấy in họa tiết, vải và vỏ cây. Cũng không phải là chuyện hiếm khi tìm thấy trong các tổ chim thật sự đó, tức là tác phẩm của Kurt Schwitters, nào dây sắt, nhợ đinh, bấc, kim loại gỉ sét, mảnh gỗ vụn và giẻ cũ.
Nếu sự kết hợp các yếu tố của một tác phẩm dán thường có những nghĩa rộng thiên về cảm xúc, hài hước, chính trị, thì đôi khi nó chỉ là ngẫu nhiên và hình thức thuần túy. Đó là trường hợp ”trừu tượng nhạc điệu” của Sonia Delaunay: bà cắt những hình thể hình học bằng giấy màu rồi vẽ lại bằng phấn và màu nước. Những tác phẩm dán theo phái Dada của Arp đặt dưới quy luật ngẫu nhiên vì họa tiết thành hình theo các hình thể trên giấy.
Tác phẩm chắp nối, một biến thể của dán bao gồm hình khắc hay ảnh chụp là một kỹ thuật rất được các họa sĩ siêu thực ưa chuộng vì nó cho phép người ta tưởng tượng nhiều trong lãnh vực phu lý hay thi ca; nhất là ảnh chụp đóng một vai trò quan trọng trong nền nghệ thuật đại chúng (Pop Art). Đưa gương hay những vật liệu phản chiếu khác vào tác phẩm dán là một phát minh khác của các họa sĩ siêu thực, gần đây lại được các họa sĩ khác dùng lại, những người này đôi khi kết hợp các bề mặt nhẵn bóng bằng thép hay nhôm với tranh vẽ hay tranh dán. Kết cấu của tranh cũng được làm phong phú lên về mặt thị giác bằng hệ hình ảnh các từ trong tranh của các họa sĩ lập thể tổng hợp, và bằng ký hiệu in của họa sĩ Pop Art như Robert Indiana.
Người ta gọi tranh ghép là một kiểu dán trong đó toàn bộ hay một phần bức tranh ”hiện diện” theo ba chiều. Rauschenberg, cũng như Schwitters, ”ghép” các bức tranh của mình, mời người xem ”đi lông bông không chủ định”. Những bảng chỉ đường sụt lỡ, những tấm kim loại méo mó, bóng đèn điện cháy tim, những con chim nhồi rơm, máy thu thanh hay đồng hồ báo thức đang chạy, trộn lẫn với hình chụp các trận bóng đá hay phi thuyền đáp xuống mặt trăng, mẩu quảng cáo và chân dung những người nổi tiếng. Bằng những nhát bút nhằm tách riêng hay nhập chung các yếu tố rời rạc đó, Rauschenberg giữ sự liêc lạc với quan niệm truyền thống về hội họa, nhưng khuynh hướng chung ngày nay là vứt bỏ những giới hạn của không gian và thời gian và tháo gỡ những hàng rào được dựng lên giữa hội họa, điêu khắc, kiến trúc, kịch nghệ và chính cuộc sống.
Tranh Marilyn của tôi, hoàn thành năm 1965
Tác giả: Richard Hamilton
Tấm bảng dán ảnh cụp Marilyn Monroe, mà một số đã bị chính nàng gạch bỏ, được Hamilton dùng làm cơ sở cho một bức tranh chắp nối. Ông ”dậm vá” các hình ảnh gốc để chứng minh một cách hiển nhiên cái ”nghệ thuật xóa mờ thực tại”.