Chất liệu và kỹ thuật hội họa: Sự tiến hóa của hội họa ở thế kỷ 20

”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.

Léonard De Vinci.

Chính màu đặc, khi kết hợp với những chất liệu khác cũng như hình thể của mặt nền, đã trở thành những yếu tố hợp thành của cấu trúc của nhiều bức tranh hiện đại; trong một số tranh, chúng là chủ đề thật sự của tác phẩm. Sự loại bỏ ảo ảnh không gian khỏi truyền thống hội họa Tây phương, được Duchamp và các họa sĩ trường phái Dada khác thúc đẩy, đi song song với ý chí thử nghiệm những kỹ thuật hội họa mới phối hợp những chất pha màu khác nhau. Braque và Klee thích tưởng tượng ra những công thức mới; gần đây hơn, Dubuffet, Tapiés và nhiều người khác nữa đã tìm cách trộn màu với tất cả mọi thứ vật liệu như nhựa đường, sỏi đá, cát và bùn.

Bản thân công việc vẽ bằng bút lông cũng được những họa sĩ như Ernst đặt lại thành vấn đề. Để tạo hình thể và kết cấu, Ernst đã dùng những phương pháp mới: cao và chà xát mặt vải, phương pháp in chuyển màu bằng cách áp vật được sơn màu lên vải khô hay các vật liệu khác lên bề mặt thấm nước, và như vậy tạo được hình ảnh hay họa tiết phần nào ngẫu nhiên. Nhiều người khác còn đi tới chỗ cắt mặt vải và phun các thành phần thành hình nổi để tái tạo không gian thực và bóng ngả trong một nền nghệ thuật cho tới lúc đó chủ yếu được coi là có hai chiều. Các họa sĩ cũng muốn giải phóng bức tranh bị giam hãm trong cái khung hẹp bằng cách dùng những tấm vải chỉ quây xung quanh bằng một cái que trần làm nổi bật sự bằng phẳng của bức tranh hoặc có khi cho ta có cảm giác rằng hình ảnh đó không phải hoàn toàn bị cầm giữ bên trong bề mặt vẽ.

Công việc làm nhanh và có tính thử nghiệm của các họa sĩ hiện đại được những tiến bộ kỹ thuật làm cho dễ dàng hơn, nhất là sự chỉnh những thứ sơn acrylic và vinylic, những chất pha màu mới kể từ năm thế kỷ nay và đã mang lại một cuộc cách mạng thật sự trong nghệ thuật hội họa. Đó là những hình thức tinh luyện của sơn màu công nghiệp; các sắc tố được kết dính với chất nhựa tổng hợp có công dụng rất linh hoạt. Chúng khô rất hanh và cho phép tạo nên một màng mỏng không thấm nước, vừa cứng vừa đàn hồi. Màu sắc đậm đà và có vẻ sáng đặc trưng với cả một phổ màu huỳnh quang và kim loại; người ta cho rằng chúng không vàng đi khi cũ như sơn dầu. Tran vẽ bằng màu carylic rửa rất dễ dàng và nhạy cảm với hơi nóng và hơi ẩm ít hơn sơn dầu hay màu thủy noãn.

Mọi bề mặt đều thích hợp với chất pha màu mới nầy mà người ta có thể vẽ bằng nhiều cách: bút lông, bọt biển, giẻ, máy phun, hay bằng cách rất đơn giản là đổ sơn lên mặt vải; nó cũng có thể được dùng ở dạng lỏng hay đặc sệt. Tính khô nhanh của nó cho phép vẽ nhiều lớp liên tiếp mà không sợ lợn cợn hay đổi sắc độ. Ngược lại, để các màu tan hòa vào nhau, chỉ cần thêm nhựa cây để cho nó khô chậm. Tác dụng của kết cấu cũng giống như sơn dầu, và sự lựa chọn chất pha màu cho các tác phẩm hiện đại trên hết là một vấn đề sở thích cá nhân.

Tranh Agbatana 3, hoàn thành 1968

Tác giả: Frank Stella

Stella muốn rằng tranh của ông cốt yếu phải có vẻ như những đồ vật có màu. Sự tôn trọng hình thể thuần túy và sự loại bỏ ảo ảnh và sắc thái tế vi được biểu hiện đầy đủ trong sự nghiêm nhặt của hình vẽ hình học, độ sáng của màu acrylic và vẻ sáng huỳnh quang của màu trùng hợp mà ông tự chế tạo.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!