Chất liệu và kỹ thuật hội họa: Màu nước

”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.

Léonard De Vinci.

Tính mềm dẻo và đơn giản của màu nước đã quyến rũ nhiều họa sĩ chuyên vẽ sơn dầu. Sắc tố dạng bột được kết dính trong một dung dịch keo Ả Rập; màu pha nước được tô lên mặt nền bằng giấy hay giấy bồi với một bút lông nhỏ, đầu bút vuông góc, bằng lông sóc hay lông chồn. Màu nước vẽ với những độ trong suốt, dành khoảng trắng của giấy cho tác dụng ánh sáng, do đó nó có vẻ sáng đặc trưng.

Durer có lẽ là một trong những người đầu tiên khai thác tính mềm dẻo của phương tiện nầy trong các khảo họa không khí trên hồ và trên núi mà ông vẽ trong các cuộc du lịch sang Ý. Nhưng trong ba thế kỷ thiếp theo, màu nước chỉ được dùng để làm nổi hình khắc, bản minh họa thực vật hay bản vẽ kiến trúc. Ở thế kỷ 18, phương pháp hội họa nầy phần nào được các họa sĩ phong cảnh thực địa phục hồi vì họ thích nó mau khô và dễ mang theo các cuộc hành trình. Phẩm chất giấy có vai trò quan trọng trong sự phát triển của kỹ thuật được các họa sĩ Anh khởi xướng ở cuối thế kỷ 18 nầy: thật vậy, tốt hơn hết nên dùng giấy làm bằng giẻ rách khá dầy, chắc và ít hút nước. Để phòng giấy vênh lên, ta có thể dán nó lên giấy bồi hoặc thấm nước rồi trải lên một tấm bảng hay một cái khung.

Để thể hiện sự mờ dần của màu và của ánh sáng trong một phong cảnh và giữ sự tươi mát của màu nước, phải vẽ nhanh và chắc tay; vì vậy công việc chuẩn bị thật quan trọng, phải làm sao tránh dậm vá và sửa chữa. Người ta bắt đầu vẽ từ màu nhạt nhất tới màu sậm nhất: tời giấy trước hết được thấm nước và trải đều các toàn sắc nhạt trên toàn bộ bề mặt giấy bằng những nét bút lớn; rồi người ta phác họa đường viền của phong cảnh với bút lông nhỏ hơn. Người ta chừa phần trắng của giấy cho ánh phản chiếu và các hình thể trắng. Màu có thể được thể hiện đậm đà hơn hay sẫm hơn bằng nhiều lớp liên tiếp; người ta cũng dùng cách đó cho những chỗ màu nhạt dần thay vì trộn màu trước trên bảng pha màu. Những màu chỗ giảm sắc độ đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế để làm cho màu loãng dần. Bề mặt sù sì của giấy to hạt cho phép thể hiện ấn tượng kết cấu vì nó giữ các hạt sắc tố lơ lửng, ấn tượng đó cũng có được khi trải màu trên giấy với bút lông bản rộng nhúng màu khô hơn. Các chi tiết có thể được thêm vào hoặc trau chuốt lại khi bức tranh khô. Những người xuất sắc nhất trong cách vẽ trực tiếp gần như thuộc phái ấn tượng nầy là John Robert Cozens, Thomas Girtin và Richard Parkes Bonington. Kỹ thuật kém thuần túy hơn, Turner cũng khai thác rộng rãi phương tiện nầy: ông vẽ những bức khảo họa màu nước tí xíu vài xăng ti mét cho tới những bức tranh lớn để treo cạnh những bức sơn dầu.

Những bức tranh màu nước của Anh ở thế kỷ 19 nhanh chóng trở thành những bài tập bút pháp đơn thuần, nhưng ở Mỹ tì trào lưu tranh màu nước có địa vị vững vàng với Thomas Eakins và Winslow Homer, rồi về sau là hai họa sĩ tha hương, James Whistler và John Singer Sargent, tất cả đều chuyên vẽ cảnh biển. Gần đây hơn, dinh thự và nội thất, với tất cả ý nghĩa cảm xúc tiềm tàng, đã thành chủ đề ưu tiên của các họa sĩ màu nước Mỹ: những con phố sầu thảm với tiếng gió rú mà Charles Burchfield vẽ với những nét bút gây ảo giác, hay những căn phòng tối tăm và các tủ bày hàng đóng kín của Edward Hopper. Dầu phần lớn các họa sĩ châu Âu thích màu bột hơn, màu nước cũng được các họa sĩ ở thế kỷ 20 như Kandinsky, Klee, Dufy, Picasso và Nolde sử dụng một cách điêu luyện.

Màu nước phối hợp một cách thành công với các phương tiện khác như mực tàu, chì, màu bột, phấn màu và than. Thí dụ như Cézanne đã kết hợp chì và màu nước để sáng tạo hình thể và hình khối, như ông làm thế bằng sơn dầu, mà vẫn gợi lên được ấn tượng lung linh của ánh sáng.

Tranh Mặt trời lặn trên núi Jura, hoàn thành năm 1841

Tác giả: Joseph Mallord William Turner, họa sĩ Anh

Các tranh màu nước đầu tiên của Turner gợi hình ảnh một bức vẽ nét được tô màu hơn, như kiểu của các họa sĩ thực địa của thế kỷ trước. Trong các tác phẩm về sau, ông đi xa hơn các kỹ thuật được các họa sĩ màu nước đương thời sử dụng: để tạo ra cái không khí có một không hai đẫm trong thứ ánh sáng sáng lờ mờ và những luồng phản ứng chiếu linh động lướt qua, ông cạo màu bằng móng tay hay bằng dao và điểm những vệt màu trắng đục ở chỗ nầy chỗ nọ. Sau khi ông mất, nhà phê bình Ruskin, người ủng hộ rất có ảnh hưởng của ông, đã giữ gìn cẩn thận 36 thỏi màu nước của ông để lại.

Tranh Hoa mùa hạ, hoàn thành 1930

Tác giả: Emil Nolde

Nolde làm việc theo ngẫu hứng hơn là chuẩn bị trước: trên nền giấy ướt, ông bố trí các họa tiết màu và đạt được các sắc độ tăng giảm bằng cách rút nước trên các họa tiết đó với đầu bút lông đẫm sơn đậm hơn.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!