‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.
Light Enstein
Tại sao họa sĩ này hay trường phái nọ thường ưu tiên sử dụng yếu tố này thay vì yếu tố kia và trong chừng mực nào sự lụa chọn đó phản ánh một tính cách, một xã hội hay một trào lưu mỹ thuật. Chúng ta sẽ xem xét những công dụng đặc trưng nhất của màu sắc, nhưng chúng ta cũng còn phải phân biệt thêm màu cục bộ và màu bối cảnh.
Khái niệm màu cục bộ biểu thị sự kiện là trong một bức tranh, một cái áo đỏ chẳng hạn, có màu đỏ đều hay gần như vậy. Trái lại, khi ta nói tới màu bối cảnh thì cái áo đỏ, nếu nó còn được nhận ra như vậy, sẽ không còn màu đỏ đều nữa mà màu sắc đã khác đi vì tia phản chiếu của những hợp sắc xung quanh, một vài phần của nó ngả sang àu tím, màu nâu hay màu xám chẳng hạn. Rõ ràng là màu cục bộ thường tương ứng với một khái niệm nhiều hơn, với một ý tưởng của ta về một vật, và màu bối cảnh tương ứng với sự quan sát trực tiếp một vật vào một thời điểm nào đó. Để đánh giá sự khác biệt, chỉ cần so sánh bức tranh Tổng thiên thần Michel với bức Phong cảnh biển của Seurat.
Tính đồng đều và sự thiếu hình nổi là đặc tính của màu cục bộ. Hai cánh của thiên thần và cái nền vàng óng của bức thánh tượng có v3 phẳng hoàn toàn. Theo định nghĩa, màu bối cảnh là màu ở trong tình trạng chuyển sắc; các sắc thái nối tiếp nhau trong một không gian rất hạn chế và sự vận dụng các giá trị (của màu) cũng quan trọng.
Phân biệt như vậy rồi, chúng ta có thể nói về các công dụng có ý nghĩa nhất của màu. Trước hết chúng ta sẽ xem xét tranh huy hiệu hay tượng trưng được qui định chặt chẽ theo những ước lệ lâu đời về phong cách. Loại tranh nầy đáp ứng một chức năng cụ thể, thường có tính cách nghi thức; màu sắc được lựa chọn theo giá trị tượng trưng: màu lam cho áo của Đức mẹ Đồng trinh trong nghệ thuật phương Tây hoặc màu da của Krishna trong nghệ thuật Ấn Độ. Đường viền thì rõ nét và màu thì có tính cục bộ.
Màu cũng có thể được dùng cho những mục đích thuần túy trang trí; đó là khi vẽ những cảnh sinh hoạt thường ngày trên một cái nền tươi vui hay làm tôn giá trị người đặt vẽ bức tranh. Đó có thể là trường hợp để trang trí cái lên của một tù trưởng châu Phi hay để tôn vinh một vị chúa tể như trong bức tranh Đám cưới Barberousse của Tiepolo. Lúc đó màu sắc được chọn lựa theo giá trị phong cách của chúng hay theo ấn tượng trong sáng mà chúng làm toát ra. Màu được tô theo kỹ thuật sắc đều và theo cách cục bộ hơn là cách bối cảnh.
Khi bức tranh có tính chất tài liệu, như những bức tranh cỡ nhỏ trong các phòng khách và học viện ở thế kỷ 19, thì màu có tính hiện thực tả chân thich hợp cho những cảnh sinh hoạt và do đó vẫn còn tính cục bộ (xem tranh Cuộc khiêu vũ trên tàu của Tissot).
Trong trường phái Ấn tượng và Điểm màu, màu được phân tích theo tác dụng của ánh sáng, họa sĩ cố công thể hiện thế giới hữu hình trong lớp không khí bao bọc nó. Những chấm màu nguyên chất nho nhỏ, thường là màu bổ túc, được đặt kể nhau để tạo một hiệu ứng dao động quang học. Các màu được dùng là màu trong phỏ ánh sáng mặt trời; màu đen và màu xám bị loại bỏ, trừ khi hai màu nầy sinh ra do việc đặt cạnh nhau các hợp sắc triệt tiêu lẫn nhau. Phương pháp nầy được dùng rộng rãi cho những mục tiêu cấu trúc để xây dựng không gian hội họa và gợi ý ánh sáng theo kiểu Seurat, hoặc để làm nổi các khối và mảng như Cézanne đã làm.
Trong trường phái tượng trưng, màu không có gì là hiện thực nữa; vì mục đích của họa sĩ là trước hết biểu thị một thông điệp, màu sắc phải chưa hết mọi cảm xúc, trạng thái tâm hồn và tư tưởng của anh ta. Các bức Dạ khúc của Whistler và thời kỳ ”lam” của Picasso tiêu biểu cho nhiệm vụ tượng trưng đó của màu. Và thường thì một màu duy nhất tương ứng với một trạng thái tâm hồn, như trong bức tranh Người đàn ông và người đàn bà nhìn trăng của Friedrich. Chủ nghĩa biểu tượng, sự biểu hiện thái quá của chủ nghĩa tượng trưng, còn xóa bỏ chủ nghĩa hiện thực nhiều hơn nữa và sử dụng sự bảo hòa màu nhiều hơn.
Cuối cùng, họa sĩ trừu tượng, không bận tâm tới cái vỏ bề ngoài, sử dụng màu vì khả năng gợi ý chuyển động, không gian của nó, khả năng cấu trúc hình thể hay hòa hợp với một thứ ”giai điệu trong tranh” mà anh ta tưởng tượng ra, như trong bức tranh Broadway Boogie Woogie của Mondrian. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng các công dụng khác nhau đó không phải lúc nào cũng loại trừ lẫn nhau. Thí dụ, Tissot là họa sĩ hiện thực không chối cãi được, nhưng chức năng trang trí của bức tranh cũng rõ ràng. Bức Lễ rửa tội cho Chúa của Piero della Francesca đồng thời cho thấy những đặc trưng của màu sắc huy hiệu, trang trí và tượng trưng và có lẽ cả ấn tượng đầu của chủ nghĩa ấn tượng nữa. Tuy nhiên, cách dùng màu đặc trưng của một họa sĩ là yếu tố phát hiện nhân cách và tác phẩm của anh ta.
Tranh Đám cưới của Barberousse, năm 1753
Tác giả: Tiepolo, Giovanni Battista, họa sĩ Ý
Bút pháp phóng túng thanh bai của họa sĩ không ngăn ông chăm chút chi tiết hiện thực: thí dụ, kết cấu của cái đuôi áo của Béatrice được thể hiện bằng các chuyển sắc của màu lam. Những màu cục bộ sáng chứng tỏ quyết định dứt khoát dùng để trang trí.
Tranh Port – en – Bessin, ngõ vào cảng ngoài
Tác giả: George Seurat, họa sĩ Pháp
Deurat dùng những rung động lung linh của kỹ thuật điểm màu để mô tả và ca tụng cái mà theo Auden ”ánh sáng rung rinh vạch ra như ý muốn của chúng ta”. Ông hoàn toàn hiểu rằng cái cốt yếu và cái đặc thù thể hiện bằng phương tiện quang học và ngắn ngủi. Nhưng ông cũng dùng màu bối cảnh cho mục đích cấu trúc; các khối đơn giản của ông được chọn lựa phân bố và kỹ trên mặt tranh để thể hiện chiều sâu của không gian.