Ngôn ngữ hội họa: Sự trừu tượng hóa

‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.

                                                                                     Light Enstein

Đáp lại những lời phê phán mà nghệ thuật trừu tượng đã làm dấy lên lúc nó mới ra đời, những người theo trường phái nầy đã khiến người ta chú ý rất đúng, rằng người ta không đòi hỏi âm nhạc phải dựa vào một điều gì đó. Không gian, hình thể, đường nét, toàn sắc và họa ý hay màu gây ra cảm xúc hay suy nghĩ y như một giai điệu âm nhạc, độc lập với mọi biểu tượng.

Thiếu tiêu chuẩn trung thành với cái thực cho phép phân biệt một tác phẩm biểu hình tài năng với một bức tranh vẽ một cách vụng về, có vẻ như khó mà giải thích tại sao một bức tranh trừu tượng làm ta say mê trong khi một bức khác khiến ta dửng dưng hoặc ta thấy là tồi. Nhưng người ta có thể bắt bẻ rằng bức tranh lấy những qui tắc phối cảnh chặt chẽ làm cơ sở sẽ thể hiện không chính xác và hạn hẹp cái thực tại, điều đó sẽ hiển nhiên là tước mất của tiêu chuẩn đã nói rất nhiều sức mạnh.

Dù lập luận nầy thích đáng thế nào đi nữa thì cuộc tranh luận vẫn còn nguyên vẹn trong chừng mực mà hội họa phi biểu hình tượng trưng cho cả cái mất lẫn cái được. Vả sự tự do cũng không loại trừ các truyền thống và trào lưu, mặc dầu có vẻ vô giới hạn. Sự tương phản gây ấn tượng ngay tức khắc giữa những tác phẩm có tính xung động được thực hiện nhay một mạch và những tác phẩm do kết quả những tính toán tỉ mỉ. Trong trường hợp đầu, đó là chiến thắng của trực giác, của cái bất chợt, với kết cấu phong phú và đường viền mờ nhạt; trong trường hợp sau, đó là kết quả của sự suy nghĩ chín chắn, các bức tranh được hoàn tất cẩn thận, đường viền rõ nét.

Nhất thiết phải bắt đầu phân tích tổng quát hai trào lưu lớn đó với Kandinsky vì, về mặt lịch sử, cách thức biểu hiện hình thể và màu sắc bằng cảm xúc đó là mẫu hình trừu tượng hóa đầu tiên và vì nó mở đường cho tất cả khuynh hướng biểu tượng hiện đại, nhất là của trường phái New York trong những năm 40. Kandinsky cũng là khởi điểm của một ngôn ngữ hội họa có kiểm soát hơn, gồm những hình thể được xác định rõ nhưng không phải lúc nào cũng đoán nhận được, bồng bềnh trong một không gian trừu tượng. Sơ đồ này được nhiều họa sĩ siêu thực sử dụng lại. Họ tiến tới sự trừu tượng hóa; trong số họ có Miro, mặc dầu hệ hình ảnh của ông được khai thác nhiều từ thế giới thực tại.

Sự trừu tượng hóa có suy tính có thể được chia ra hai loại: chủ nghĩa tối thượng, chủ yếu do Malévitch khai triển (xem tranh Bố cục của ông ở chương Tỷ lệ và không gian). Malévitch cũng thể hiện cùng một sự tìm tòi bằng hình thức hội họa những cái tương đương với những trạng thái tâm lý như sự tìm tòi của Kandinsky, nhưng ông sử dụng những hình thức điều độ và có tính hình học hơn, chúng không còn chút liên hệ nào với thực tại. Mục đích của ông là nhằm đạt tới cái cốt yếu, và ảnh hưởng của ông đã khiến cho chính Kandinsky cũng hướng tới sự hình học hóa hình thể nhiều hơn. Cần như đồng thời, Mondrian cũng đạt tới sự trừu tượng hình học bằng sự rút gọn có tính phân tích những hình thể tự nhiên, như trong bức Cây táo trổ hoa nổi tiếng của ông. Vì đối với Mondrian và nhóm De Stijl, sự tìm kiếm ”nghệ thuật tạo hình thuần túy” có một âm hưởng siêu hình nên sự bất đồng với chủ nghĩa biểu tượng tất phải có: vật đặt cược là sự biểu thị những nguyên lý cơ bản thuộc về trật tự và thống nhất của vũ trụ đối lập với cảm xúc của cá nhân. Loại trừu tượng hóa nầy dẫn tới nền nghệ thuật hoàn toàn không có cá tính của các họa sĩ thuộc phái tối thiểu.

Loại trừu tượng hóa có suy tính thứ hai thì hỗn tạp hơn. Loại nầy bao hàm những cuộc thí nghiệm hình học, toán học, quang học và các lý thuyết về màu sắc, tỷ lệ và sự tri giác, mà Lohse minh họa bằng bức tranh 30 sắc thái thẳng đứng với các đường chéo đỏ. Tuy vậy loại trừu tượng hóa nầy không loại trừ mục đích cuối cùng là cảm xúc: thí dụ như trong nghệ thuật thị giác, các hiện tượng thị giác không phải hoàn toàn vô căn cứ, chúng có khuynh hướng gây cho người xem một trạng thái tinh thần gần như trạng thái mà các đồ hình yantra trong nghệ thuật Tân quy (một chi phái Phật giáo) phải tạo ra bằng cách tập trung các năng lực của vũ trụ. Sự phân rẽ giữa cái xung động và cái tính toán không vì thế mà kém đi, và nói chung thì vẫn tương ứng với sự phân biệt giữa tính ”hình thể” và tính ”đường nét”, giữa lãng mạn và cổ điển. Vì thế mà đối với một vài biệt lệ và thể loại hỗn hợp, ta có thể phân chia nghệ thuật trừu tượng của thế kỷ 20 thành hai phái: một đàng là phái lãng mạn/ hình thể/ biểu tượng, và một đàng là phái cổ điển/ đường nét/ hình học. Mỗi phái có những tiềm năng riêng và truyền thống nghệ thuật riêng, có thể có lợi hơn một chút trong các trào lưu đối nghịch của nghệ thuật hiện đại.

Tranh 30 Sắc thái thẳng đứng với những đường chéo đỏ

Tác giả: Richard Lohse

Bức tranh nầy gợi ra sự so sánh giữa nghệ thuật trừu tượng có cấu trúc và âm nhạc, với các phối hợp và hoán vị trong lòng một nhịp độ bình thường. Người ta có thể ”nghe nó” như nghe một điệu nhạc, một loạt hòa âm, một nhịp lệch, … bằng nhiều cách khác nhau. Sự phức tạp của cấu trức khiến ta nghĩ tới cầu trúc của một khúc fu-ga, và tác dụng chung của bức tranh thì vừa có tính thẩm mỹ vừa kích thích tinh thần.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!