‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.
Light Enstein
Đối với số lớn họa sĩ trừu tượng của thế kỷ XX, màu đã trở hành yếu tố cốt yếu của hội họa; đó không chỉ là một phương tiện làm tôn giá trị cho hình vẽ nét nữa nhưng là để tạo ra không gian, tể khối và chuyển động, để biểu thị, và thậm chí để qui kết các trạng thái tâm hồn. Màu được định nghĩa chủ yếu theo bốn dạng thức: hợp sắc như nó được phân biệt trên quang phổ mặt trời, cường độ hay độ bảo hòa, nghĩa là mức độ tinh khiết của nó, giá trị tức là mức độ bóng hay ánh sáng, và nhiệt độ, tức sức nóng hay sức lạnh tương đối. Nhưng một số những biến số khác cũng nhập cuộc khi các màu ở kề nhau trong một không gian hạn chế như một bức tranh. Như các họa sĩ nghiệp dư có thể đã nhận xét, chỉ cần thêm một chút màu cũng đủ làm sự cân bằng của toàn thể thay đổi tận gốc rễ mà không thể thấy trước được hậu quả, và ta có thể nói rằng một bức tranh đẹp là kết quả kỳ diệu của những tính toán may rủi hơn là làm được theo ý muốn.
Có ba màu cơ bản (hay nguyên thủy): đỏ, vàng và lam. Đối với họa sĩ đó là cơ sở cho tất cả những màu khác và vô số sắc thái có được khi pha trộn hai trong ba màu cơ bản theo tỷ lệ khác nhau. Khi các hợp sắc ”tinh khiết” tới phiên chúng được thêm màu đen hay màu trắng vào, hay được phủ những lớp mỏng màu khác lên, thì số sắc thái có được sẽ vô cùng tận. Tương tác của chúng, cách mà chúng hòa hợp với nhau, còn tùy thuộc một biến số khác, khuôn khổ của bề mặt được tô màu. Gauguin đã nói rằng một nét màu lục xanh hơn một xăng-ti-mét, … Ngược lại, một điểm đỏ trong một trường màu lục có thể tạo ra một hiệu ứng không cân xứng với kích thước của nó. Vì vậy, khi tạo tác dụng bằng cách đặt các màu kề nhau, họa sĩ tạo ra được mọi thứ ảo ảnh: Delacroix đã nói: ”Cứ đưa bùn cho tôi, tôi sẽ làm thành một tấm thân Vénus, nếu anh để tôi tự ý phủ lên xung quanh cái gì tôi thích”.
Màu thoát khỏi mọi toan tính đánh giá cứng nhắc, bánh xe màu trình bày dưới đây không có tham vọng nào khác hơn là lập sẵn các mẫu lựa chọn cơ bản cho họa sĩ. Một bức tranh trong đó những màu đối, tức là màu bổ túc, nhất là nếu chúng tinh khiết, được đặt kề nhau, sẽ tạo một ấn tượng thị giác mạnh, thậm chí làm rối loạn nữa, vì chúng gây mức độ hấp dẫn như nhau: các dao động quang học được giảm khi các tương phản không được nhấn mạnh lắm, điều nầy kích thích ta chiêm ngưỡng hơn. Giữa các thái cực đó, có thể có cả một phổ màu rộng.
Nếu màu vàng/ đỏ gợi ý cái nóng của lửa và màu lam/ lục là cái lạnh của băng, các hiện tượng tâm lý đó chỉ có giá trị tương đối vì những màu lạnh cũng có thể có vẻ nóng bên cạnh những màu khác. Phương diện không gian của màu cũng tinh tế. Những hợp sắc tinh khiết và đều ép sát với nhau trong lòng một bức tranh có khuynh hướng làm cho bức tranh có vẻ bẹt; hiệu ứng quang học nầy được các họa sĩ điều sắc hiện đại khai thác rộng rãi, những người coi thường chiều sâu. Ngược lại, ảo ảnh chiều sâu và thể khối có thể được tạo ra bằng sự khác biệt của giá trị sắc độ và ”nhiệt độ”, vì những màu nóng ”ti61n tới”, còn màu lạnh ”thối lui” hơn. Cézanne khéo sử dụng hiệu ứng nầy để kiến tạo chiều thứ ba. Còn Matisse và các họa sĩ phái Dã thú gạt bỏ hết mọi sự chuyển sắc và chỉ thể hiện hình thể bằng đường nét và màu mạnh.
Bánh xe màu
Màu phân biệt với nhau không chỉ bằng hợp sắc với nghĩa sát nhất (đỏ, cam) mà cũng còn bằng giá trị (sáng hay sẫm). Hợp sắc xám giảm độ được làm nổi bật trên bánh xe cho thấy rằng màu vàng về cơ bản thì sáng hơn màu tím chẳng hạn, và nói chung thì các màu lam là màu sẫm. Mỗi sắc thái đó có thể được làm cho sáng hơn hay sẫm hơn theo như cách để có màu vàng sẫm hay màu tím nhạt. Nhưng cường độ hay độ tinh khiết của màu sẽ vì thế mà yếu đi. Giữa ba màu cơ bản là vàng, đỏ và lam, có ba sắc thái trung gian được trình bày. Những màu gọi là bổ túc nằm đối diện trên bánh xe và tương phản nhau một cách mạnh mẽ, thí dụ như đỏ và lục, lam và cam; ngược lại, những màu tương cận thì hòa hợp với nhau. Màu cũng có ”nhiệt độ”: màu đỏ và vàng cho cảm giác nóng, lục và lam cho cảm giác lạnh.
Tranh Xưởng vẽ đỏ, năm 1911
Tác giả: Henri Matisse
Matisse biểu hiện một cách mạnh dạn sự gắn bó của ông với cường độ của màu sắc tinh khiết trong bưc tranh nầy, nó có vẻ thách thức công khai một truyền thống hội họa vốn dành cho nền một tính cách trung lập. Toàn thể bức tranh bị chi phối bởi cái nền rộng đỏ nóng làm bẹp không gian mà không triệt tiêu sự tri giác nhờ nét vẽ phi thường và các góc mà bức tranh tạo ra với bức tường. Bức tranh cũng là bản kiểm kê các tác phẩm của ông, bức tranh bên phải thể hiện thời kỳ dã thú của tác giả, với màu sắc đặc biệt tương phản vẽ theo kỹ thuật sắc đều.
Tranh Chân dung tự họa, năm 1940
Tác giả: Pierre Bonnard, họa sĩ Pháp
Khác với Poussin, Bonard giảm tác dụng bóng và ánh sáng tới mức tối thiểu và dùng một phổ màu khá hạn chế để nhấn mạnh hơn sự khuếch tán của ánh nắng phản chiếu. Cái đầu không có bóng tối như ở Cézanne, nhưng toàn thể bức tranh toát ra sức nóng.