Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.
Ông Hai Khị (Bạc Liêu)
Nếu phải kể công đầu, đáng làm hậu tổ cải lương nữa thì sao lại không kể ông Hai Khị ở Bạc Liêu? Nghe đâu ông sống lối năm 1915, đến vài chục năm sau, ông bạn Thuần Phong từng biết mặt.
Ông Hai Khị đau cổ xạ, ngón tay có rút và ngo ngoe rất khó. Thế mà ông có tài riêng, không ai chước được. Ai muốn thử tài cứ đến nhà, ban đầu ông giở mùng cho cho xem, chỉ thấy trống, kèn, chụp chõa trơ trơ ở trong ấy, thế rồi khách ra ngồi salon, ông Khị chun vô mùng, một ”mình ên”, rồi bỗng nghe trọn bộ cổ nhạc khua động có tiết tấu nhịp nhàng y như có cả bốn năm người hòa tấu: trống xổ, kèn thồi, đờn kéo ò-e, chụp chõa lùng tùng xòa, các việc đều do một mình ông Nhạc Khị (Nhạc sanh Khị) điều khiển. Không ai biết ông làm cách nào mà được như vậy, có người làm tàng nói rằng ông Khị đánh trống bằng ngón chơn kẹp lại, nhưng còn tay nào đờn, miệng nào thổi kèn, rồi phèng la, chụp chõa không phải tự nhiên nó khua một lượt được? Quả là diệu thuật, và dốt biết ngồi nghe lại ít ai cười hơn.
Trở lại Trần Văn Nhiều ở Rạch Gầm (Mỹ Tho)
Tánh tôi không chịu nói cái gì nói một lần và ưa trở đi trở lại. Có người trách như vậy là lẩm cẩm, nhưng trách thì tôi chịu, duy tôi thấy nói làm vậy mà nhiều người nhớ, nên tật lớn tôi vẫn không chừa. Tôi đã được đến viếng tại chỗ, mộ ông Bảy triều, trên mộ chí để rõ ràng ”Trần Văn Chiều, sanh năm 1897, mất ngày 10-7-1931”, tuổi cừa 34. Sao ông Trời sớm cướp thiên tài? Con ông là Trần Văn Khê, nếu không có chiến tranh, ắt ở bên nầy, mai một danh tài. Nay ông ở Pháp, đỗ tiến sĩ văn chương với luận án khảo về âm nhạc cổ điển Việt Nam (la musique vietnamienne traditionnelle, les Presses Universitaires de France) và từng lưu diễn và làm thơm danh Việt Nam ở khắp trời Âu. Chỗ xứng đáng của ông là quân thủ trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông có người em là Trần Văn Trạch lại chịu chôn vùi tài hay trong xứ và nếu chịu xuất dương ca hát, tôi dám chắc, cũng như ai, ít nữa khỏi nghèo.
Trần Ngọc Viện
Tôi xin góp chút tài liệu về gia đình nhà tài tử vắn số Bảy Triều. Bà Trần Ngọc Viện là chị, nay mộ chôn ở giữa hai mộ vợ chồng em trai Bảy Triều tại làng Bĩnh Kim. Bà tạ thế ngày 25-8-1944, thọ 60 tuổi. Bà từng lập gánh Nữ Đồng Ban ở Mỹ Tho. Bà biết ca và sử dụng cây thập lục tươi mướt. Bà từng làm cách mạng, không sợ vào khám, và đã có nếm cơm tù nhiều lần. Đứng về giới mỹ thuật và văn hóa, bà có công đào tạo một mớ đào cải lương và người lỗi lạc để tiếng nhắc đời không ai khác hơn là cô Năm Phỉ.
Nguyễn Tri Khương
Ca65u của Khê và Trạch, người nầy cách nay trên bốn mươi năm vẫn đãi tôi và kể tôi như em út, ấy là ông xã trưởng cựu, Năm Khương, Nguyễn Tri Khương, từ trần ngày 6-10-1962, thọ 78 tuổi. Các tài liệu về chữ đề trên mộ chí, tôi đã đọc và chép buổi đi Rạch Gầm ngày 4-4-1965. Ông Khương đờn cây cò tuyệt diệu và thổi tiêu rất hay. Lúc sanh tiền, ông có đặt bài ca ”Tây chay chi-noa”, tôi có chép bên phần tập II, nhưng tập nầy chưa ắt in ra sách. Ông cũng thường xung phong vào những buổi hòa tấu nghĩa hiệp. Tại Rạch Gầm tôi còn biết và từng nghe cô Năm Chung là đào hát bội xuất sắc đồng thời với ông Diệp Văn Cương và vua Thành Thái. Cùng với bà Tư Bổn, cô Năm Chung là hai cô đào tiền bối ngành hát bội, cũng như cô Năm Nhỏ gánh nà Ba Ngoạn, cho đến nay cưa có ai thay thế và sánh tài bằng.
Năm Chung, Tư Bốn, Sáu Sển, Năm Nhỏ, Ba Quyên là những đào hát bội sanh ra có một lớp đó rồi khi tàn, không ai thay thế. Để chứng minh lớp sau muốn nối đuôi lớp trước, tôi xin cửa vài tỷ dụ: như cô Kim Cúc ga1nh Năm Châu là để nhớ cô Cúc, vợ Bảy Thông gánh thầy Thuận; và tệ nội, Năm Sa Đéc, tộc danh Kim Chung, là để nhắc cô Năm Chung xứ Rạch Gầm.
Phan Hiển Đạo, Tôn Thọ Tường
Nhắc lại, Tư Triều, cô Ba Trần Ngọc Viện, ông Nguyễn Tri Khương đều có công lớn trong bước đầu ngành cải lương xứ Mỹ Tho. Noo1i chi đáng, Rạch Gầm giỏi về nghiệp cầm ca, cũng dễ hiểu, vì xét ra đây là quê hương nhau rún ông Phan Hiển Đạo. Trong bộ “Điếu cổ hạ kim thi tập” của Nguyễn Liên Phong (nhà in de l’Union Sài Gòn xuất bản năm 1915), tr.39-40 có viết: “Ông Phan Hiển Đạo, người tỉnh Mỹ Tho, thi đậu tấn sĩ, hình trạng thanh lịch, tán nết thiệp liệp thông minh, lúc ngài ra Huế học cử nghiệp, thì có học đặng điệu đờn Huế cũng nhiều, đến khi thi đậu rồi, vua ban cờ, biển, áo mão cho về vinh qui, đặng ít lâu, quyền ngôi Đốc học chánh tại tỉnh Mỹ, tác thành môn đệ đông người, lúc nhà nước lại thâu thủ Nam kỳ, ngài với ông Tôn Thọ Tường toan bề ra giúp việc nước với Langsa, hai ông cùng nhau trò chuyện lấy làm tương đắc, rồi thì ngài riêng nghĩ phận mình làm sao không biết, ngài trở về làng Vĩnh Kim Đông tục danh là Chợ Giữa, ngài bèn tự tử, còn một mình ông Tường giúp việc nhà nước làm tới đốc phủ sứ. Lớp sau ông Phan Thanh Giản, duy ngài với ông Tường là văn học phẩm hạnh có tiếng, thân hào trong sáu tỉnh có đặt bốn câu hát rằng:
Lớp sau Thanh Giản tiếng đồn,
Là Phan Hiển Đạo với Tôn Thọ Tường.
Ông thời nho nhã văn chương,
Ông thời thi phú tót đường diệu công.
Ông về thác tại Kim Đông,
Ông ra giúp nước bụng đồng tương tri,
Một còn một mất trọn nghì,
Ngàn thu gương tạc Nam kỳ danh nho.
Thi rằng:
Nối dấu văn tinh rạng vẻ son,
Rủi ro thời thế tiếng không tròn;
Cõi bờ chủ mới lămvun quên
Cờ biển ơn xưa nghĩ héo don
Tri kỷ mấy lời ghi bụng nhớ
Dạ đài một giấc nín hơi ngon.
Khúc đờn Lưu thủy trôi dòng bích,
Mà giọng kìm tranh điệu Huế còn.
(tr. 39-40 Điếu Cổ Hạ Hạ Kim Thi Tập, Nguyễn Liên Phong)
Nay tôi cũng không ngờ nhơn nói chuyện đờn địch xứ Vĩnh Kim lại kéo ra chuyện ông Tôn Thọ Tường và ông Phan Hiển Đạo. Ý tôi muốn nhấn mạnh rằng người Chợ Giữa, Rạch Gầm học đờn có căn bản, có gốc gác, vì hai ông Tường và Đạo có ra học nghiệp tại Huế và có thọ nghiệp đờn ngoài ấy. Chuyện theo T6ay bỏ ra ngoài, phải nhìn nhận hai người có công đem nghệ thuật đờn vào truyền bá trong Nam. Nhứt là cậu Ba Tường, ai ai thuở ấy cũng biết tiếng, ăn chơi hút xách, đờn địch, bạc bài, tứ đổ tường ông nếm đủ, vì bình sanh là người bất đắc chí, tuy đầu Tây mà giúp bạn, cứu nguy nhiều người, và trọn đời chịu nghèo không tham của hối, chưa chắc người khác được như ông. Còn tài đờn và làm thi phú thì khỏi nói.
Lúc nhỏ tôi được nghe khẩu truyền câu dân diêu nầy”
“Nước Nam có bốn mỹ miều: NGẠN cờ, THÊU vẽ, TAM tiêu, DÙNG đờn.”
Theo sách kh3o cứu Trần Văn Khê dẫn trên, tr.107, Dùng và Tam đều là thầy đờn nhạc sĩ hữu danh thời trước của đất Huế.
Lộc, Lễ, Sang, Nghĩa.
Trong tập “Ca dao giảng luận” của ông bạn Thuần Phong, (Á Châu xuất bản, tr. 77) có câu:
“Đồng Nai có bốn rồng vàng: Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.”
Trong bốn người, Th.P ghi Nghĩa là Bùi Hữu Nghĩa, đã soạn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên“. Theo ông bạn, câu ấy xưa và lên đến ông Bùi Hữu Nghĩa lận sao? Cho tôi hỏi: “Lộc, Lễ là hai ông nào? Đến như Sang, có phải chăng đây là Phụng Hoàng San, tác giả tập “Bản đờn tranh” xuất bản xưa nhứt, từ năm 1909 (nhà in Phát Toán, Sài Gòn) và họa may duy có tôi còn giữ được một bổn tại nhà. Theo lý Sang đây phải viết không “G”, nhưng đất Nam kỳ vào đời ấy cho đến nay cũng vậy, San và Sang viết lộn xộn lắm, xin hiểu cho.
Và cho phép tôi bàn rộng ra một chút: nếu nhìn nhận Phụng Hoàng San đàn giỏi, thì câu nầy nên hiểu mới có gần đây, lối năm 1915 thôi và lối năm đó tôi biết có ông Nghĩa khác, rất giỏi về thi phú, nguyên là giáo thọ dạy chữ Nho trường trung học Mỹ Tho, có để lại một vế đối, chưa ai đối được: “Hạng Võ khóc Ngu Cơ, ngơ cu Hạng Võ!” Tên thiệt của ông là Trịnh Hoài Nghĩa, dòng dõi Trịnh Hoài Đức. Ông có dịch bộ truyện tàu “Quần Anh Kiệt” ra quốc ngữ bổn nhứt in năm 1907 (cũng chỉ nhà tôi còn một bộ!) Như vậy trong câu thơ ta biết được hai ông, còn hai ông Lộc, Lễ nữa chưa biết, thì câu trả lời cũng chưa dứt khoát.