Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.
Trước là hát bội, sau biến thể ra hát cải lương, và nẩy mầm rất mạnh. Các ký giả buổi ấy, như Lê Hoằng Mưu chẳng hạn, để cho thấy có canh tân cải cách, bèn chối bỏ danh từ “hát bội”, vừa viết trên báo vừa hô hào xin thay vào đó và dùng hai chữ “hát bộ” thế cho “hát bội”, như vậy có vẻ mới có vẻ mới hơn và tưởng đâu là đúng nghĩa hơn. Cái tệ đoan mỗi mỗi đều thay đổi và dùng chữ không nhằm lối nhằm chỗ cho đến nay vẫn chưa tẩy sạch, và dẫu danh từ “hát bội” là đúng, thỉnh thoảng vẫn còn thấy hai chữ “hát bộ” xuất hiện dưới nhiều ngòi bút đứng đắn. Ở đây tôi xin miễn bàn, vì hát nào lại không ra bộ? Và câu thơ của Phan Văn Trị vịnh hát bội:
Hèn chi chúng nói “bội” là “bạc” (Tập thơ Phan Văn Trị, nhà in Tân Việt, Nhất Tâm sao lục, tr.16)
đủ chứng minh và tránh cho tôi khỏi nói nhiều.
Sở dĩ tôi nhấn mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần về buổi trình diễn “hát bội tân tiến có tánh cách nịnh Chánh phủ Thực dân năm 1918 (16 novembre)” là vì tôi thấy đây là cái “móc” rõ rệt và vững chãi cho “về rác cầm ca” dựa bám nơi đó mà nở lớn lần ra, lần hồi trở nên nghành hát cải lương thiệt thọ. Nay nhơn xem bộ sách khảo cứu Pháp văn của ông Trần Văn Khê “La musique vietnamienne traditionnelle, – Les Presses Universitaires de France, 1962”, tôi tra nội trang 90 về nguồn gốc cải lương, tôi xin tóm tắt đại khái, trong trang, tác giả viết “cô Ba Định ca bài Tứ Đại Oán, Bùi Kiệm thi rớt” tại nhà thầy Phó Mười Hai ở Vũng Liêm vào năm 1918 và tài liệu nầy tác giả trích lục báo Pháp “La Dépêche d’Indochine” số 2739 ngày 21-9-1937 bài của ông Nguyễn Văn Hanh viết. Theo ông Hanh, lần thứ nhứt diễn tuồng hát cải lương tại nhà thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15-11-1918, kế đó đi diễn nơi Sa Đéc và Vũng Liêm.
Ông Nguyễn Văn Hanh gần đây đã từ trần. Tôi không biết ông dựa theo tài liệu nào mà viết rằng tuồng “Pháp Việt nhứt gia” do thầy Phó Mười Hai viết, và ông nói diễn lần đầu tại Vũng Liêm đêm 15-11-1918. Căn cứ theo tập “Việt Trung tiểu lục” tôi còn giữ được và bài thơ đăng tr.20 tập Hồi ký nầy (thơ Đặng Thúc Liêng) thì tuồng “Pháp Việt nhứt gia” diễn lần thứ nhứt tại Rạp Hát Tây đêm 16-11-1918. Còn tài liệu về việc cô Ba Định ca bài Tứ Đại Oán tại nhà Thầy Phó Mười Hai đêm 15-11-1918 và khai sanh cho hát cải lương từ đây … – việc ấy tôi không chối cãi, và vốn ở ngoài sự hiểu biết của tôi vì năm 1918 tôi còn học trường tỉnh ở Sóc Trăng như đã nói nơi đoạn trước. Duy tôi xin mạn phép trích lục đoạn sau đây do một ông bạn lão thành, cụ Trần Văn Khải viết.
“I. Lịch sử cải lương
Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam phần có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia như tân hôn, thăng quan, giỗ quải, v.v… Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng.
Qua lối năm 1910, ở Mỹ Tho có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia tục gọi Tư Triều (đờn kìm), chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thồi tiêu), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca). Phần nhiều tài tử nầy được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ chức có cho họ đờn ca trên sân khấu được công chúng đến nghe đông đảo.
Cái ý kiến đờn ca trên sân khấu đã phát sinh từ đó. Thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình được đông khách, bèn mời ban tài tử Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi hát bóng. Lối đờn ca trên sâu khấu được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.
Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh lỵ Mỹ Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm phong (fond), kết đó có lót một bộ ván, trước bộ ván để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đ1m và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ các bài cổ điển. Nhất là cô ca bản Tứ Đại oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nam” rất duyên dáng.
bản Tứ Đại lớp đầu:
Kiệm từ khi thi rớt trở về,
Bùi ông mắng nhiếc nhún trề:
Cũng tại mầy ham bề vui chơi,
Kiệm thưa: Tài bất thắng thời.
Con dễ nào không lo bề công danh,
Tuổi con còn xuân xanh.
Cái ơn mẹ cha, con chưa đáp đền, đó cha ôi!
Đây là một bài ca đối thoại giữa Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga. Nó khơi nguồn cho các soạn giả đặt những bài ca có đối đáp cho điệu Cải lương sau nầy.
Trong thời kỳ ấy, Mỹ Tho là đầu mối xe lửa đi Sài Gòn. Các du khách ở miền Tây Nam phần như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá, v.v… muốn đi Sài Gòn, đều phải ghé trạm Mỹ Tho nghỉ một đêm rồi sáng đáp xe lửa.
Trong số du khách có ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long là người hâm mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà ông nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên ván có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, lối năm 1915-1916.
Qua năm 1917, ông André Thận ở Sa Đéc lập gánh hát xiệc, có thêm ít màn ca có ra bộ. Kép có Bảy Thông, Tám Cang, đào có cô Hai Cúc.
Kế năm 1918, ông Năm Tú ở Mỹ Tho chuộc ban ca kịch của ông Thận và sắm thêm tranh cảnh, y phục, có ông Trương Duy Toản soạn tuồng. Điệu hát cải lương chánh thức thành hình từ đó. Mỗi tuần gánh ông Năm Tú hát tại Mỹ Tho ba đêm rồi lên rạp Eden Chợ Lớn ba đêm. Trong ít lâu gánh Đồng bào Nam của cô tư Sự và gánh Nam đồng Ban của ông Hai Cu ở Mỹ Tho ra đời. Trong đó có nhiều đào kép trứ danh xuất hiện như cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, cô Tư Sạng, kép Hai Giỏi và Năm Châu, v.v…
Từ đó điệu cải lương càng phát triển mạnh và nhiều ban được thành lập:
Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tân Phước Nam ở Sóc Trăng và Sĩ Đồng Ban ở Long Xuyên v.v… Lần lần điệu cải lương đem trình diễn ở Trung Phần và Bắc Phần và được đồng bào các nơi ái mộ.
(Trích Nghệ thuật sân khấu Việt Nam: Hát Bội, Cải lương, Thoại kịch của ông Trần Văn Khải, bản ronéo của Thanh Trung thư xã Sài Gòn, không đề năm in, trương 19 và 20.)
Bài của ông Trần Văn Khải rành rẽ, đầy đủ, không ai chối cãi được. Nhưng đây là thiên hồi ký nên xin cho tôi tiếp tục. Tôi có ý sưu tầm bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm thi rớt”. Thuở còn đi học, đứa nào cũng thuộc năm ba câu, nay gặp hỏi lại, ai cũng xưng thuộc, nhưng khi ca thử thì quên đầu quên đuôi. Người trong điệu, hoặc bịa hoặc chế những chỗ quên, nên không toàn bích. Tiện đây tôi xin phép một lớp đầu, một lớp xang dài I, một lớp xang dài II, và chừa trống đủ cho64 lớp xang vắn và lớp hổi thủ, anh em nào còn nhớ xin bổ túc và gở cho tôi xin một bản với.
Bài ca BÙI KIỆM THI RỚT, điệu Tứ Đại Oán
Lớp đầu.
KIỆM từ khi thi rớt trở về,
BÙI ÔNG mắng nhiếc nhún trề
Trách KIỆM rằng ham bề ăn chơi
(bản khác: Trách sao chàng ham bề vui chơi).
KIỆM thưa: Tài bất thắng thời
Con dám nào không lo bề công danh
Tuổi con còn xuân xanh
Ơn mẹ cha chưa đền.
BÙI ÔNG nghe
Tiếng nỉ non vuốt ve khuyên KIỆM,
Thôi con ở nhà, đặng khuya sớm với cha.
Lớp xang dài I.
Nửa đêm vừa lúc canh ba
Nghe trên lầu kia ai than thở
KIỆM muốn tường trong duyên cớ
Bước lên bèn thấy
Một trang má đào, … xụ mày.
Tóc bỏ rối chẳng cài,
KIỆM khen nhan sắc ai tày ( … ai hoài)?
KIỆM giả màu cất tiếng ho
NGUYỆT NGA đương bàn luận so đo
Nghe tiếng ho, giả vui đứng dậy
Chấp tay chào thày (cất tiếng chào thầy)
Chẳng hay đến chi đây?
Lớp xang dài II.
KIỆM phân lỡ bước thang mây
Về ở nhà nghe cha nói lại
Rằng sẵn lòng có nuôi một gái
Sắc khuynh thành lại thêm biết phải
Lòng đầy sở mộ
Hôm nay mới tường.
(trương chừa trống để chéo lớp xang vắn và lớp hồi thủ.)
Ngày nay việc cũ trên 50 năm cố nhớ lại, riêng về tỉnh Sóc Trăng là tỉnh lúa gạo nhiều và có nhiều tay khí khái, chính năm 1918 có thầy Cai tổng Hậu ở Kế Sách, một mình xuất 40.000 đồng bạc quyên quốc trái kỳ thứ tư (1918) giựt giải nhứt, làm cho tỉnh Sóc Trăng có tên đứng đầu sổ các tỉnh Nam kỳ mua quốc trái năm ấy. Tôi lại nhớ các năm 1915 (kỳ nhứt), 1916 (kỳ nhì) và 1917 (kỳ ba) để tổ chức và khuyến khích lạc quên, tại chợ Sóc Trăng vẫn bày các đêm đặc biệt hát bội hát tại nhà lồng, duy năm 1918 (kỳ tư) mới có mấy ông mấy thầy Sài Gòn xuống hát tuồng Pháp Việt nhứt gia, Gia Long tẩu quốc. Năm trước, tôi nhớ rõ, có gánh hát bội Cô Ba Ngạn ở Chợ Lớn xuống hát tại chợ Sóc Trăng, và năm ấy ông Phó Tham biện Nguyễn Phú Quí có đòi một gánh hát khác, có cô Sáu sển làm đào chánh, đến hát chung phụ lục và hai cô đào, cô Sáu Sển làm mụ và cô Năm Nhỏ làm vợ kép khó Trần Nhựt Chánh, đối đáp nhau trên sân khấu thì diễn tài nghệ: đào vườn (Sáu Sển) làm mẹ chồng nhiếc cay nhiếc đắng nàng dâu là Cô Năm Nhỏ, cô Năm tài non hơn hát không lại, chỉ còn nước khóc thật tình, ”mẹ ôi! mẹ! mẹ ôi!” Khán giả đều mủi lòng, tôi cũng cầm lòng không đậu và trách thầm người trùng tên với tôi sao quá ác. Đâu ngờ manh nha mê hát cũng từ đây!