Năm1926, gánh Phước Cương lên hát rạp Sài Gòn: kép Bảy Nhiêu làm Tống Chơn Tôn, Cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quí Phi, hay đến đỗi Chánh phủ gởi cả đội sang Pháp diễn tại Paris dịp đấu xảo năm 1931, ăn khách suốt mấy tháng trường, tuy khán giả lang sa không hiểu nổi một câu bịn rịn hay câu vọng cổ muồi, và chỉ hiểu qua màu mè bộ tịch của đào kép.
Tôi còn giữ được một tấm chương trình gánh Phước Cương diễn truyện Thuyết Đường, vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên, Bảy Nhiêu bỏ l2m Vân Thiệu, Giả thị do Cô Năm Phỉ đóng, hỉ nộ ai oán đủ điều (tài liệu số 209 Hồi ký tập II)
Giá chỗ ngồi:
Hạng nhứt ……………… 1 đồng
Hạng nhì ………………… 0,60 (sáu cắc)
Hạng ba …………………. 0,30 (ba cắc bạc)
Bẵng đi một khoảng dài, tôi đổi về Sa Đéc (1928-1932) Sóc Trăng (1932-1936) và Cần Thơ (1936-1943), tuy vẫn xem hát như cũ nhưng không gặp chuyện nào gay cấn, cũng những tuồng cũ diễn đi diễn lại. Năm 1943 tôi đổi trở lại Sài Gòn thì lính Nhựt Bổn đầy đường. Đêm thứ tư 13-1-1943, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, có hát Đại Hội chư ban, theo chương trình tôi hiện có (số 210 Phụ lục Hồi ký tập II) đủ mặt kép đào danh tiếng.