Tổng luận – Thử đánh dấu lịch trình tiến triển của nghệ thuật cải lương

Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.


Hát cải lương là đứa con chơi ác, con tập tàng:

  • Dĩnh ngộ có thừa, vì cha là các ông đồ thời xưa, sót lại, làm nghề viết báo, văn nhân, mà thuở ấy gọi là củ bút, viết nhựt trình.
  • Ngoan ngoãn, duyên dáng, bởi bào thai do mẹ là người bình dân gốc miền Nam, nên cải lương nhạy hiểu, sáng láng và bắt chước mau, ăn cắp giỏi những gì tự mình thấy êm tai và vui mắt, phát sinh từ hát bội mà không giống hát bội, máu huyết do âm nhạc cung cấp m2 đi xa đường hơn âm nhạc, cho nên có thể nói hát cải lương là âm nhạc bước tới mãi mãi, không bao giờ dừng chơn và biết mỏi mệt.

Tôi một ái, là vì chưng ”con không khai sanh”, nay lớn khôn muốn lập bộ đời để ăn gia tài, khiến gặp nhiều bối rối:

  • Một người trong nghề, kéo theo một số nhơn chứng sống thời đó, nói rằng: ”phong trào ca kịch có tên là cải lương đã đâm mang nha từ năm 1916”. Tuy nói làm vậy nhưng ”truyền khẩu” (nói miệng) chớ không dựng chứng cớ theo giấy tờ, trình bằng cớ đích xác trước tòa án công chúng. Phàm nói không chua đủ và không có giấy tờ chứng minh thì phải đánh dấu hỏi, còn ngờ hoặc chờ hậu cứu.
  • Một số học giả khác, dựa vào luận án thi tiến sĩ của một học giả kiêm nhạc sĩ trứ danh là Trần Văn Khê (la Musique vietnamienne traditionnelle, es Presses Universitaires de France, 1962), thì định khai sanh cải lương vào năm 1918. Tuy nói vậy nhưng không dựng chứng ra đầy đủ. (Nếu cần, tìm xem bài ”Nhơn bàn về nguồn gốc của cải lương, thử xét lại một phương pháp Sử học của Huân Phong trong tuần báo Hòa Đồng, số 88 ngày 12-11-1966).

Nhưng như đã nói, bởi con không cha, nên mạnh ai muốn khai tên cha mẹ và khai năm sanh tháng đẻ làm sao cũng được. Riêng tôi, một lần nữa tôi xin thanh minh không là học giả hay khảo cứu gia chút nào, tôi xin đóng vai nhơn chứng già, biết làm sao nói làm vậy, biết bao nhiêu nói bấy nhiêu, và trước dư luận bá tánh, tôi khai rằng:

– Vào năm 1916 cho tới năm 1918, nghiệp cầm ca trong Nam vỏn vẹn có những tài liệu tôi biết được và sưu tầm được sau đây:

  • 34 bài đúng đắn, cổ phong, giọng nhà Nho, do Phụng Hoàng San dạy đờn tranh, nhà in Phát Toán in lần thứ tư thành tập, ngoài đề Janvier 1910, trong đề Décembre 1909, có lẽ sách cũ nên in bìa lại, và tập bài ca nầy là cổ nhứt, trước đó tôi không gặp tập nào xưa hơn tập nầy;
  • 18 bài ca đề ”Lục tài tử” ngày in đề 12-6-1915 lần thứ nhứt, Đặng Tiền Nhiều, Đinh Thái Sơn;
  • 24 bài ca đề ”Thập tài tử” ngày in đề 15-6-1915, lần thứ nhứt, Đặng Đắc Lợi, Đinh Thái Sơn;
  • 21 bài ca đề ”Tứ tài tử” ngày in đề 16-6-1915, lần thứ nhứt, Đặng hiều Hơn, Đinh Thái Sơn;
  • 19 bài ca đề ”Bát tài tử”, ngày in đề 29-8-1915, bài ca mới (tiếp theo?) chủ bút Nguyễn Tùng Bá, xuất bản Đinh Thái Sơn.

Còn một mớ nữa, như bản đờn kìm Nguyễn Tùng Bá, tập bài ca Mạnh Tự Trương Duy Toản và tập bài ca Thuần Đức Nguyễn Hữu Hậu, tôi đã làm mất kỳ chạy loạn 1946-47, nên không trình r đây được. Tôi xin khai thêm là không có cuốn nào xưa hơn những cuốn kể trên. Và nội 116 bài liệt kê trên, cho phép tôi nói rằng: cho tới năm 1916/1917/1918 miền Nam chỉ biết ca khơi khơi và chưa có ca ra bộ.

Phải đợi từ gần dứt chiến tranh bên Pháp quốc, tiền bạc trong xứ Đông Dương bị rúc rỉa đã ba phen ”quốc trái”, đến kỳ thứ tư, dưới chế độ toàn quyền Albert Sarraut, dân được nới rộng cho lập hội hè hát xướng, nên các củ bút, ký giả, văn nhân, thân hào, tụ tập nhau lại (Huyện Của, Bùi Quang Chiêu, Đốc phủ Bảy, Hồ Văn Trung, Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Tử Thức, Nguyễn Thành Phương, Đặng Thúc Liêng, vân vân) bèn chia nhau các vai tuồng và lên sân khấu lần đầu, hát quyên tiền quốc trái, giúp Pháp đánh giặc chống Đức quốc. Vì chưng thiện chí có thừa, nhưng các người nầy không phải hết thảy đều thiện nghệ về hát bội, nên họ bèn canh cải, chế biến, một mặt dùng xiêm y hóa trang theo cũ, lúc ấy để thầy Bá Đa Lộc mang bộ lễ phục áo tím của giám mục đạo Da-Tô lên sân khấu đã là ”cải lương” lắm, một mặt khác họ nói lối chớ không hát Nam hát Khách, cho nên mới có danh từ ”hát bộ” từ đây (16-11-1918, hát tại Nhà Hát Tây Sài Gòn, tuồng Gia Long tẩu quốc, Pháp Việt nhứt gia).

Bắt bén thấy hay hay, từ ngày 16-11-1918 hát tại Nhà Hát Tây Sài Gòn rồi tiếp tục không ngừng, bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy nghề đờn và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách, thậm chí có người không ưa, chê ”cải nấu canh lươn”, nhưng chê bai gì cũng không lại, và con tập tàng vốn mạnh dạn dễ nuôi nên cải lương thành hình lúc nào cũng không hay biết và mọc ra như nấm đầu mùa:

 – Vĩnh Long (Vũng Liêm) có thầy Phó Mười Hai, Tống Hữu Định;

– Sa Đéc có gánh xiệc pha ca ra bộ rồi cải lương André Lê Văn Thận;

– Sóc Trăng có gánh Thầy thuốc Trần Văn Minh;

– Mỹ Tho có nhiều gánh: Thợ Cu, Cô Ba Viện, Thầy Năm Tú;

– Chợ Lớn có gánh Thầy Mười Vui;

 – Sài Gòn có gánh Tân Thinh, tập tuồng đường Boresse nay là Dr Yersin;

 – Long Xuyên có gánh Tập Ích Ban (Vương Văn Có); vân vân và vân vân …

Nhưng quả quyết những gánh nầy mọc ra ngày nào và rút lui rã gánh ngày nào, thì tôi không biết được và xin nhường lời cho nhơn chứng khác.

Nguồn gốc cải lương

Một lời chót, theo tôi hiểu, thì cải lương là đứa con ‘cọ vỉa’, làm chơi mà hóa thiệt, nhờ hát bội tạo nên hình hài nồng cốt, nhưng ngày nay và cứ cái đà nầy, hồn trí sắp và sẽ bị ngoại lai ảnh hưởng và chi phối: pha nhạc mới nhạc lạ nhiều quá, không biết chừng nào mới chịu trụ hình và thuần túy lại. Và những điều tôi khai trên đây tuy với giọng như bỡn cợt, dẫu không trúng cũng cọ bìa, không đúng phong phóc cũng tròm trèm không xa sự thật cho lắm:

a) Chuyển ý từ hát bội, ban đầu vẫn hát dựa theo khuôn khổ cũ: tuồng viết theo truyện, Trảm Trịnh Ân, Vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên, Cao Lũng vít thiết xa, Ngưu Cao tảo mộ, Thoại Khanh Châu Tuấn (từ trước đến 1918 …) kế lại xen tuồng xã hội lối xưa: Vân Tiên đui, Bùi Kiệm thi rớt (1919) và mạnh dạn trong những hồi cụp lạc trong truyện Thúy Kiều (1922-1923).

b) Tuy lấy ý từ hát bội, nhưng đã muốn tách ra riêng, hát bội tượng trưng nhiều quá và la lối lớn tiếng quá, trái lại cải lương ca rỉ rả cho thêm muồi và bắt đầu chưng tranh cảnh như bên Nhà Hát Tây cho thêm rôm thêm lạ mắt. Từ năm phát nguyên (1916-1917) cho đến năm thành hình (1920-1921), ca thì giữ đúng âm điệu, theo chữ bản đờn xưa, bộ tịch thì cứng còng cứng đơ y như có lò xo thúc đẩy: hễ đưa tay mặt thì hạ tay trái, giơ tay tả thì bỏ tay hữu xuống, khán giả vừa thấy nguôi nguôi gần chán, thì gánh hát lật đật trở lại truyện Tàu (1923-1924) khai thác tuồng Phật (gánh Tân Thinh 1924-1925 đã biết dụ khán giả Tàu, Miên bằng tuồng Phật) …; rồi từ 1925 đến 1930 rộ lên không biết bao nhiêu gánh mà đếm. Từ đây phong trào cải lương đã thạnh hành nhứt ở Nam Kỳ. Mục đích của nó là bỏ bớt lối tượng trưng của nghệ thuật hát bội cổ truyền, và thêm vào đó những tinh ba tế nhị của m4 quan Âu Pháp và điều hòa tất cả với nguồn nhạc cổ điển và nhạc mới vừa êm tai, vừa hấp dẫn hơn …

Đã khéo dùng một bức tranh linh động để phô diễn một khu rừng hay một lều tranh quán cóc … nên nhớ lúc nầy à lúc học ‘nhảy đầm’ học khiêu vũ và vứt áo túi mặc cọt-xê.

Về âm nhạc thì bỏ những lối hát Nam, hát Khách, bỏ luôn lối xướng, bạch, hường, tán, chỉ giữ và khai thác thêm cách nói lối cho thật muồi rệu du dương hạp với lối âm nhạc tiếng đờn tài tử rỉ rả réo rắc … Nhạc phẩm chánh còn lại sáu bài Bắc, gia vị thêm nhiều điệu nhạc mạnh và phấn khởi: bình bán vắn, kim tiền, mẫu tầm tử, Khổng Minh tọa lầu, và thêm nhiều nhạc êm ái trữ tình: Vọng cổ, Trường tương tư, Tứ đại oán, Văn thiên tường, v.v…

Lối 1938 – 1940

Nhiều gánh nhiều nghệ sĩ có ý cải cách âm nhạc Việt Nam. Tư Chơi, gánh Kim Thoa, ban nhạc Benito, nhóm Kim Chung, ban Paul Trí gánh Phụng Hảo, đem những bản nhạc Tây phổ ra tiếng Việt. Và cái lối âm nhạc Tây hóa ấy đã dẫn đường mở lối cho điệu âm nhạc cải cách sau nầy vậy. (Tuy nhiên, nó cũng gây nên nhiều chuyện đáng buồn cười trên sân khấu, tỷ dụ ông vua mặc ngự bào thêu rồng, mang râu năm chòm che mất miệng mồm, lại khiêu vũ bước điệu tango để tỏ tình “Tế Vương cợt khương thị”, hoặc một bà mạng phụ, mặc váy đầm, ca bản “J’ai deux amours” trong vai vợ Thôi Tử khi bị Tề quân trêu ghẹo. Kép bôi mặt vằn vện, bị thọ tiễn, mũi tê đâm lủng ngực, còn ráng ca đủ sáu câu Vọng cổ thật muồi rồi mới chịu nằm xuống sân khấu từ giã cõi đời, v.v…)

Năm 1948

Âm nhạc cải lương lại tiến thêm một bước nữa: các nghệ sĩ thấy dùng âm nhạc Tây hóa không phù hợp với giọng hát của người Việt bèn trở lại dùng những nhạc khí cổ điển và pổ thêm những bản mới có tên khêu gợi: Phong Nguyệt, Hoài Tình, Lạc Xuân Hoa, Tấn Phong, Chu Lang điệu khúc, v.v…

Tóm lại, cải lương Việt Nam là một nghệ thuật thuần túy về nhạc, nhạc thính phòng. Một lời nói lối, một câu ngâm, một câu ca, đều là những tiếng nhạc, ăn với tiếng đờn tranh, tiếng kìm. Bàn đến nghệ thuật cải lương, tức là bàn đến những bước tiến triển về âm nhạc vậy.

Gần đây, nghệ thuật sân khấu cải lương đang biến chuyển mạnh về một nét đặc sắc, một hướng kha1c, chưa ai dám chắc sẽ đưa về đâu và kết quả đúng như ý muốn hay sẽ bại hoại ra sao. Nghệ sĩ cải lương chú trọng chẳng những về nhạc mà còn chú trọng cả về lời. Lời của hát cải lương phải là lời nói của thật tế, không phải là những lời đối họa, những cây bay bướm những rỗng tuếch. Từ đây nhóm nghệ sĩ hiểu “sân khấu là phản ảnh của cuộc đời” và nhà nghệ sĩ 1966 sắp sau đã biết xác nhận cái chân giá trị của nghệ thuật. Nghệ thuật sân khấu không còn là trò chơi tiêu khiển của một nhóm quan liêu sung túc, của một nhóm người ăn không ngồi rồi, như quan niệm trước kia đã hiểu. Cải lương có cái sứ mạng cao cả, phô diễn lên sự thật của xã hội, những trạng thái lầm than của dân đen, để truyền bá những phương pháp cải tổ xã hội, và gieo rắc tinh thần đấu tranh cho dân tộc. Từ cây độc huyền đơn chiếc mà còn biết đem tích Sáu Trọng trả thù, Thầy thông Chánh bắn biện lý đã lấy vợ mình, đến sân khấu đoàn thể cải lương tuyên truyền cho lòng ái quốc chung … Cải lương luôn luôn biến chuyển và dung hòa để trở nên ngành ca kịch xã hội, nhưng biết sẽ dừng chơn lại đó hay sẽ còn thay đổi nữa?

Ngày xưa bên Pháp quốc, Napoléon đệ nhứt bắt cóc đức Giáo hoàng đem về Paris, Napoléon đi lên đi xuống như con hổ dữ, bào hao hậm hực, vừa trách móc vừa đe dọa, vừa van lơn, rốt cuộc đức Giáo hoàng không nao núng, (hoặc làm tỉnh?) hạ hai chữ như trời đánh, con hổ tự nhiên làm lành lại: “Tragédiante? Comédiante?” (Bi kịch ư? Hài kịch ử?) Đó là một sen cải lương bên Pháp, một tấn kịch đi sát với sử nêm trời Âu.

Ngày nay, trong ngục tối tử hình tại một tỉnh nhỏ miền Nam, anh tử tội dùng hai ngón tay thọc vào miệng, hút gió bài Hạ, rồi Tẩu mã, rồi Xuân tình, anh tử tù ấy trong cảnh chết đã tượng trưng cho sức mạnh cho sự “sống trường tồn” của linh hồn Việt (xem bên phần Phục lục bài “Tiếng nhạc trong tù”).

Xã hội loài người, bất cứ ở đâu, ban sơ và mộc mạc thế nào, cũng biết diễn trò để tiêu khiển. Dân mọi da đen, sống trong rừng sâu núi thẳm xứ Bắc Phi cũng có trò “nhảy múa” trong những cuộc vui reo mừng rỡ. Bộ lạc da đỏ đất Mỹ châu cũng có lối diễn tuồng gầy “đám lửa cắm trại” khiến ngày nay khắp nơi bọn “sói con” bắt chước trong những đêm “đốt trại liên hoan”. Loài người, vừa biết hợp thành đàon thể, là đã biết làm “trò diễn giải khuây”. Duy trò diễn vùng nào là nghệ thuật hợp nhứt ăn khớp với nhu cầu của trí óc vùng ấy. Từ ngày Đào Duy Từ, tác giả bài phú Ngọa long cương, vị quân sư giúp CHúa Sãi xây “lũy Thầy” ngăn binh chúa Trịnh từ Bắc không cho tràn vào Nam, khi ông cho nhập điệu Hát bội vào Bình Định, ông cải tổ nghệ thuật hát tuồng (nay gọi là hát bội Bình Định), và tại sao khi điệu hát bội nầy truyền xuống miền Nam, những Cò lả, Trống quân không theo vào? Và điệu hát bội miền Nam có thể nói có nhiều pha trộn với điệu đờn hát Chàm, – trở nên điệu đờn ca xứ Huế, – rồi pha lẫn một phen nữa với điệu du dương nhạc Miên, nhạc Tiều (Triều Châu) bèn trở nên đờn ca điệu Sài Gòn, điệu Bạc Liêu chẳng hạn.

Con lai là con khôn, con tập tàng là con ngoan; bởi mẹ bình dân, cha tứ chiêng nên sự biến chuyển lanh lẹ bay bướm của đứa trẻ bị “cọ vỉa” là Cải lương vẫn thay đổi biến hóa không ngừng không thôi.

Thảm một điều và phải nhìn nhận một lần nữa, vì cải lương không khai sanh chánh thức, nên mặc ai muốn đặt tuổi của nó bao nhiêu cũng được. Một nỗi khác nữa là buồn vì nó ít học, chỉ đọa và viết được chữ quốc ngữ! Các thầy tuồng có đầu óc, có chút vốn Nho học như Trương Duy Toản, Nguyễn Hữu Hậu, Nguyễn Trọng Quyền, Quốc Biểu, đã không còn. Các tuồng lớp 1925-1935, để kịp cung cấp nhu cầu khán giả đòi mới, mới mãi, nên tuồng kém diêu luyện. Một phần do khán giả quá dễ dãi, thậm chí hát không thuộc tuồng, “cương” trên sân khấu cũng không thấy ai nói gì, từ ấy cải lương trở nên kém về mỹ quan đến gần như hỗn tạp.

Nói nữa sẽ chán tai và mích lòng. Và nói cũng không hết. Và cũng không thấy ai chịu viết nên tôi đánh bạo vọc vạch mấy hàng, không dè đếm được trên trên trăm trang, trong ấy biết bao là sai lạc vì có khi chỉ nghe lóm, nhưng dù vậy, cũng xin cho trình bày trót thể, cũng như biết bao tâm sự, ngoài đề, lẽ đáng không nên nói ra, nhưng đã là thiên “Hồi ký 50 năm mê hát”, xin rộng lòng tha thứ trót thể, và chỉ xin nhớ đây là chút ít tài liệu cũ, không còn đâu nữa, và tưởng nên chép lại làm một tập dẫu không hay, cũng đáng để dành về sau cho hàng thức giả có tài liệu tra cứu.

Gia Định, ngày 12-11-1966

Viết một bình luận

error: Content is protected !!