Bà Nguyễn Đức Nhuận (Phụ Nữ Tân Văn), tại sao tôi phải thêm tên tờ Phụ Nữ Tân Văn vào sau tên bà Nguyễn Đức nhuận?
Vì tại miền Nam này, vào thời bấy giờ có tới ba tên Nguyễn Đức Nhuận:
1 – Nguyễn Đức Nhuận tự Phú Đức (nhà viết báo, tiểu thuyết gia nổi tiếng.)
2 – Nguyễn Đức Nhuận tự Bút Trà (của nhà thơ, chủ nhiệm nhật báo Saigon mới.)
3 – Nguyễn Đức Nhuận (Chủ nhiệm tờ Phụ Nữ Tân Văn.)
Cả ba cũng đều trong làng báo giới miền Nam. Nên để tránh sự lầm lạc, mỗi khi nói đến tên Nguyễn Đức Nhuận, cần phải phân tách cho rõ ràng.
Bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm tờ Phụ Nữ Tân Văn tên thật là Cao Thị Khanh, sinh năm 1900 tại Gò Công, cùng một nơi với Đức bà Từ Dũ Hoàng Thái Hậu, con của cụ Cao Văn Nhiêu và Nguyễn Thị Mỹ, một nhà thâm nho, đạo đức, giầu có tại tỉnh ruộng lúa phì nhiêu, sinh sản nhiều anh tài, hiền phụ.
Nói đến tên bà Nguyễn Đức Nhuận, cách đây 40 năm về trước, khắp các giới nam nữ trí thức đến bình dân trên toàn cõi Việt Nam ai ai cũng đều biết danh tiêng bà, đều hâm mộ đức hy sinh cho một phần đại chúng nghèo của bà do tờ Phụ Nữ Tân Văn đề xướng: nào ĐỒNG XU HỌC SINH NGHÈO, đã gởi được ít nhiều sinh viên sang ngoại quốc du học đến thành tài; nào HỘI DỤC ANH, KÝ NHI VIỆN v.v…
Từ xưa tới nay, bà là người phụ nữ duy nhứt mở một kỷ nguyên mới, một tờ báo phụ nữ đứng đắn nhất, xã hội nhiều, một tôn chỉ mới mẻ, độc đáo.
Thật lấy công tâm má nói, cho đến ngày giờ này, chưa có một tờ báo Phụ nữ nào đường lối được như tờ Phụ Nữ Tân Văn. Bao nhiêu cây bút danh tài toàn quốc, đến ngoại quốc, Côn-Nôn, đều quy tụ về tờ báo phụ nữ ấy. Một bài luận về phụ nữ, văn chương, xã hội hay chính trị, đều là những thiên giá đáng nghìn vàng.
không lúc nào, cao trào phụ nữ lên cao tuyệt vời như lúc này. Ấy cũng nhờ những cây bút uyên thâm học thức hợp nhau đề cao, binh vực giới phụ nữ. Thêm những đường lối, hoạch định xã hội của bà Cao Thị Khanh được nhiều hưởng ứng, đánh trúng vào nhu cầu của giới phụ nữ bình dân và trí thức.
Do sự thiện chí, không vụ lợi, cầu danh của bà Nguyễn Đức Nhuận mà khắp ba ba kỳ Nam-Trung-Bắc đủ mọi giới hưởng ứng, đóng góp một cách thật là mạnh mẽ vô cùng. Dù là bà không là một hội trưởng, một đoàn thể phụ nữ nào (như hiện tại có rất đông, sau ngày được tự do, độc lâp. Rất nhiều văn nhân, thi sĩ, nam như nữ được xuất hiện đông đảo: nào Vân Đài, Ngọc Thanh nữ sĩ (sau là Thiếu Sơn phu nhân, do duyên văn tự trên tờ Phụ nữ và tài hoạt bát ở diễn đàn của nữ sĩ, và bây giờ là SƯ CÔ HUỆ THUẦN, sau khi nữ sĩ làm tròn nhiệm vụ gia đình, liền xả thân cho đạo pháp, và đại chúng xã hội từ thiện), cô Phan Thị Nga, Nguyễn Thị Kiêm tự Manh Manh nữ sĩ, Mỹ Ngọc v.v…
Một HỘI DỤC ANH quản trị thật sự do các bà phụ nữ Việt Nam điều hành thành lập, nhờ sự khéo léo vận động tranh đấu của tờ Phụ Nữ T6an Văn. Chớ thật sự, dưới trào Pháp thuộc, bao nhiêu công cuộc từ thiện đều do người Pháp điều hành, người phụ nữ Việt chỉ là tay sai, bù nhìn của họ mà thôi và các họ đạo ở tùy giòng nhà thờ, tùy từng địa phương. Chớ thật sự, phụ nữ Việt Nam không bao giờ được phép tự do công tác xã hội do người Việt Nam sáng lập, điều hành.
Đến HỘI DỤC ANH đường Cống Quỳnh, mỗi khi nhìn lên di ảnh người Giámđốc sáng lập viên Bà CAO THỊ KHANH tức Nguyễn Đức Nhuận phu nhân, mà tôi ngậm ngùi nhớ lại thuở nào còn là cộng sự viên với bà, cả vợ lẫn chồng,
Tôi nhớ con người hiền phụ, ôn hòa, trầm tĩnh quí phái ấy với một tình thương bao là với xã hội phụ nữ, học sinh, sinh viên nghèo nhớ công phu khó nhọc, tài sản của vợ chồng bà bỏ vào để thực hành chương trình đại quy mô:
ĐỒNG XU HỌC SINH, SINH VIÊN NGHÈO, và đã tạo được một nhóm sinh viên ưu tú nghèo du học ngoại thuốc thành tài.
HỘI DỤC ANH để nuôi trẻ em mồ côi, nghèo khó. Chương trình xã hội hoạch định của bà thật là vĩ đại. Bà định thành lập xong cái thứ nhất ở Saigon làm căn bản Trung Tâm kiểu mẫu, từ từ sau đó chi ngánh sẽ thực hiện thêm trong toàn cõi Việt Nam, từ làng xa, quận nhỏ, tỉnh lớn.
Nhưng rất tiếc hằng tâm, ý nguyện của bà, vì sự ích kỷ, ganh tị của một nhóm người thiếu lương tâm đã phá vỡ luôn cho xã hôi phụ nự như thiếu nhi, đến cả cuộc đời, sự nghiệp của bà.
Vì sự tổ chức cái HỘI CHỢ 1932, kiếm tiền bỏ vào quỹ hội DỤC ANH. Một cái hội chợ mà từ trước từ Pháp thuộc tới giờ chưa có cái hội chợ nào được tổ chức chu đáo, lộng lẫy, vĩ đại như thế, và thành công quá sức tưởng tượng của người đời.
Khắp cả ba kỳ Nam – Trung – Bắc, muôn triệu người hưởng ứng tiếng gọi Phụ Nữ Tân Văn. Muôn triệu người phụ nữ tập hợp vào hội chợ này, trưng bày những cái khéo léo, thuần túy dân tộc, nào những đồ thêu tay tuyệt vời của phụ nữ miền Bắc, những món bánh mứt, bông hoa, tranh vẽ v.v… của người phụ nữ miền Nam và Trung, đầy đủ, ngập tràn. Những đề tài xã hội, phụ nữ, mỗi đêm đều được các bà cô Nguyễn Thị Kiêm, Ngọc Thanh nữ sĩ, Nguyễn Thanh Long (giáo sư, tức là bà luật sư Phan Văn Gia) thay nhau lên diễn đàn nói về vấn đề phụ nữ, xã hội thiếu nhi v.v…
Cao trào phụ nữ lên cao tuyệt độ nhờ những khai mào của bà Nguyễn Đức Nhuận trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, ở diễn đàn từ trong hội chợ Phụ nữ (1932) đến Trung, Bắc, ở những công cuộc từ thiện xã hội của bà.
Vì đó, vì ganh tị cái địa vị thành công của chủ nhân tờ Phụ Nữ Tân Văn mà người ta nổi lên vu cáo bà đã gian lận tiền bán bông giấy (confetti).
Hai tờ báo hàng ngày, do hai bà chủ báo mở nhiều đợt công kích tờ Phụ Nữ Tân Văn một cách vô căn cứ, bôi nhọ danh dự cá nhân vợ chồng bà đủ mọi khía cạnh dơ dáy, bỉ ổi.
Là một tờ tuần báo phụ nữ, không thể đương đầu, thanh minh những cái xuyên tạc bỉ ổi ấy, nên bà cho xuất bản hàng ngày tờ Phụ Nữ Tân Văn để binh vực danh dự mình, thanh minh với bạn đọc. Chưa từng có trận bút chiến nào dữ dội giữa hai phe làm báo như lúc nầy. Một mặt bà Nguyễn Đức Nhuận đưa nội vụ ra công lý, để nhờ soi sáng sự hư thật là đâu? Kết quả, bà được pháp luật nhìn nhận sự trong sạch “không gian lận”.
Nhưng dù chi, danh dự, tinh thần như vật chất bị thương tổn quá nhiều. Sau một thời gian cố gắng tiếp tục cho ra tờ Phụ Nữ nhưng lòng hăng say bồng bột của bà đã vơi mất quá nhiều, thêm chán ngán lòng người, tình đời, bà liền cho đình bản tờ báo.
Cho đến ngày 24 tháng 5 D.L.1962 bà mất bì bịnh đau tim, có lẽ vì cết thương thế sự, tình người? Trong thời gian ở Pháp, bà có quay vvề quê hương một lần vào Trung Thu năm 1941, bà cảm tác một bài thơ dưới đây:
Ván cờ nước bí nghĩ thêm buồn
Không đánh mà thua mấy trận luôn
Bến Nghé ngổn ngang xe ngựa chạy
Đồng Nai chật nứt lính quân lùng
Kẹo Lều tầu đậu đầy hau bến
Rầm rạt xe bay khắp bốn phương
Sấp tối hạ cờ, tàu nổi nhạc
Ngậm ngùi nghĩ giận cuộc tang thương!!
Đọc bài thơ trên chúng ta nhận thấy nỗi lòng người phụ nữ giầu tình cảm, thiện chí với xã hội quốc gia. Buồn cảnh tang thương của đất nước như của chính mình, nhìn non sông gấm vóc dưới gót giầy của bao người ngoại quốc, hết Pháp đến Nhật, … Người Việt Nam không muốn tranh giành, đánh giặc với ai, mà cứ bị xoay vây đánh để bị thua. Trên trường đời của bả như cuộc cờ Việt Nam, bà bị thua, tổ quốc bị dày xéo, thật cuộc cờ bi, nghĩ thêm buồn.
Dư luận, cong người thật là bạc. Không nhận xét tin tường trong những khía cạnh tốt của con người, mà người ta chỉ vì danh danh, lợi lợi tìm cái khía cạnh xấu nào để thổi lông tìm vết, để phá vỡ những công cuộc tốt dẹp của kẻ khác thành công.
Tại sao tệ trạng nầy vẫn còn tồn tại mãi cho tới ngày nay, ở giữa cái xã hội Việt Nam chúng ta? Phải chăng tại quốc gia ta lạc hậu? Hay tại dân trí còn kém cỏi? Nên câu chuyện chụp mũ, phao du, phá hoại những kẻ làm được chuyện cứ tiếp tục còn mãi tới ngày nay. Vì đó mà tại các quốc gia miền Trung-Nam chúng ta, không một nhà chính trị chân chánh hay từ thiện xã gội nào không bị bội lọ chụp mũ, phá vỡ.
Và cũng vì đó mà người ta rêu rao: Mảnh đất miền Nam gieo toàn giống xấu, cam chua. Và cũng vì đó những kẻ nào có thiện chí, hằng tâm muốn phục vụ quốc gia xã hội thì họ đều sợ: xe trước đổ, xe sau phải tránh là hay.
Ở nước văn minh, tiến bộ, có biết bao nhiêu Hội từ thiện xã hội tư nhân, nhiều hơn những cơ sở chính quyền. Đã đành họ được chính quyền nâng đỡ rất nhiều, thêm sự ủng hộ của quần chúng. Dư luận lúc nào cũng vô tư, khuyến khích, dân chúng lúc nào cũng đóng góp hăng hái. Nhờ đó mà xã hội họ luôn luôn được nâng đỡ tình thương. Công cuộc xã hội từ thiện phát triển mạnh mẽ từ trong nước ra tới ngoài nước.
Lẽ ngay mà nói, nếu bà Cao Thị Khanh không bị nhóm người ích kỷ, ganh tị xuyên tạc, phá đổ, thì chắc chắn chương trình xã hội văn hóa phụ nữ còn đi xa, đi mạnh hơn nhiều.
Sau Hội Dục Anh, và gửi sinh viên nghèo đi Pháp, bà đã xúc tiến, thành lập một Hội “Nữ Lưu Học Hội”, mục đích đoàn kết hợp đoàn những bậc nữ lưu học thức rộng thành một BAN XƯỚNG XUẤT (Comité d’initiative).
Ban nầy gồm có:
– Bà Bác vật Thái Văn Lân
– Bà Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyện
– Bà Kỹ sư Võ Văn Dậm
– Bà Giáo sư Trương Văn Huấn
– Bà Nguyễn Đức Nhuận
Cô Nguyễn Thị Kiêm, Nguyễn Thị Phương, Lệ KIm Huê, Trạng sư Dương Văn Giáo và nhiều nhân vật trí thức Bắc, Trung, Nam. Chức vụ của Ban này là gieo cái ý tưởng “Nữ lưu học hội:” trong toàn thể phụ nữ toàn quốc, cắt nghĩa sự lợi ích về các học hiệu cao đẳng mà phổ thông, chỉ rõ ảnh hưởng của nó về sự tiến hóa của vận động phụ nữ ra thể nào?
BAN XƯỚNG XUẤT lo về việc cổ động bằng báo chí, sách vở, diễn thuyết, và mở ban dậy về các khoa phổ thông tri thức, nữ công, ngôn ngữ văn tự … Những môn cần dùng nhất cho phụ nữ độc thân nghèo hay có chồng dù có học nhiều hay chưa học bao giờ.
NỮ LƯU HỌC HỘI là nơi đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, tri thức như cần lao Nam-Trung-Bắc. Đoàn kết để khuyến miễn nhau trong đường học vấn như nghề nghiệp.
Rất tiếc những chương trình đại quy mô, tối cần cho xã hội phụ nữ của bàn Nguyễn Đức Nhuận đành vùi chôn luôn theo tờ Phụ Nữ Tân Văn. Tiếc thay mà cũng hận thay!
“Phụ nữ Tân văn” không còn, bà và ông Nguyễn Đức Nhuận đã vùi sâu dưới lòng đất lạnh, người đi mà danh ở.
Một tấm gương nghị lực, thiện chí, hằng tâm cao đẹp, đáng nêu lên cho chúng ta cùng soi chung và cùng suy gẫm thế tình.
Lời tác giả:
ẤP LINH TRUNG (THỦ ĐỨC)
ngày 9 tháng 10 năm 1968
Tôi vừa viết xong tiểu sử bà Nguyễn Đức Nhuận, vừa ngậm ngùi rỏ lệ đọc lại, thì đứa cháu đi chợ về, đưa cho tôi tờ Đuốc Nhà Nam, tôi vừa lật ra xem, gặp ngay bài của ông Thiếu Sơn viết “Bài học Nguyễn Đức Nhuận”.
Đọc xong tôi càng rỏ lệ ngậm ngùi thêm cho hai chữ thế tình. Và tôi không ngần ngại đưa tiếng nói cụ thể thứ hai của một nhà văn chân chính, tiền bối vào đây để gọi là đóng góp vào sự tưởng niệm công lao của hai ông bà Nguyễn Đức Nhuận với nền văn hóa phụ nữ và xã hội.
Để chứng tỏ rằng:
Đời chẳng hoàn toàn là những người bạc bẽo, vong ân … Nhưng vì dòng đời chiến loạn bao nhiêu năm qua, người dân Việt chịu quá nhiều đau khổ phụ phàng, dù trong tâm tư còn tưởng nhớ những gì cao đẹp xa xăm cũng không có đủ phương tiện để tròn nhiệm vụ làm người chung thủy.
Và mời các bạn cùng xem bài của ông Thiếu Sơn đăng tải theo đây, để hiểu rõ thêm công lao của ông Nguyễn Đức Nhuận và bà Cao Thị Khanh.
***
BÀI HỌC NGUYỄN ĐỨC NHUẬN
của Thiếu Sơn
Sách có chữ: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân”. Do đó mà nhiều người Việt Nam có tên Đức Nhuận. Trong làng báo tôi biết có tới ba ông Đức Nhuận cũng họ Nguyễn cả. Ông nào cũng gần tới thượng thọ. Trước hết là Nguyễn Đức Nhuận tự Phú Đức, một nhà văn đã có hồi tên tuổi như cồn do những tiểu thuyết kiếm hiệp của ông. Kế tới là ông Nguyễn Đức Nhuận tự Bút Trà, vừa làm báo, vừa làm thơ.
Sau hết là ông Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm tờ Phụ Nữ Tân Văn, một tờ tuần báo Phụ Nữ nhưng đã phản ảnh được một thời đại quan trọng của lịch sử nước nhà. Số đầu ra ngày 2-5-1929, số chót đề ngày 18-5-33. Phụ Nữ Tân Văn là một nhân chứng trung thực trong suốt 5 năm là những năm có rất nhiều biến cố.
***
Nhưng có một biến cố mà tờ P. N. T. V. không ghi được là cái chết của người đã khai sanh cho nó và nuôi sống nó để phục vụ xã hội một cách tận tình và đắc lực.
Tôi không bao giờ tưởng tượng được một đám tang mà người đi đưa không đầy một trung đội, không vợ, không con, chỉ vỏn vẹn có 2 đứa cháu nội với một số rất ít bạn bè thân quyến.
Tôi biết kẻ quá cố là một người hào phóng hiếu hữu, hay làm nghĩa và hay giúp đỡ mọi người. Cả những người ông không quen biết mà ông thấy nên giúp đỡ là ông giúp. Nhưng tới khi ông nằm xuống thì chẳng mấy ai được biết mà lui tới, mà tiễn đưa. Chẳng qua ông cũng chỉ là một nạn nhân của thời cuộc như bao nhiêu người khác vậy thôi. Phú quí sinh lễ nghĩa, mà hoan lạc thất nhân tình.
Ông chết ngày 5 tháng 6 năm 1968 hưởng thọ 68 tuổi.
Năm năm trước đây, ông bị đứt mạch máu chính tôi đưa ông vào nhà thương St. Paul. Y học cứu sống được ông nhưng chỉ cứu sống được nửa người và suốt trong 5 năm trời ông chịu bán thân bất toại. Cố nhiên trong tình trạng đó bè bạn lần lần, phải thưa bước. Mà thưa bước là phải khi không còn “phú” để “nhuận ốc” không còn “đức” để “nhuận thân”.
Chính tôi đây nhiều khi cũng ngần ngại không muốn ghé thăm một ông bạn già đương lê tấm thân tàn để chờ ngày tắt thở, không còn biết tới sanh thú là gì, chỉ muốn chết mau mà cứ phải kéo dài sự chết suốt 5 năm trường …
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp ông ở báo quán PNTV tại “Chợ Cũ”, đường Vannier ngang hông kho bạc. Ông còn giới thiệu bà có vẻ dịu hiền và quí phái. Ông còn giới thiệu những nhân vật mà tôi chỉ mới được nghe tên chứ chưa từng biết mặt như những ông Đào Trình Nhất, Trần Quỳ, … Hồi đó khoảng năm 1931.
Trước khi viết tôi đã đọc P. N. T. V. rất nhiều cũng như tôi đã say sưa đọc Đông Dương Tạp chí và tạp chí Nam Phong. Nhưng đọc báo Phụ Nữ tôi thấy khác với hai tờ báo trên nhiều lắm.
Lời lẽ kém bóng bẩy, kém văn chương nhưng chân thành giản dị và thực tế hơn nhiều. Những biến cố xẩy ra ở trong nước được nói tới đầy đủ hơn, thẳng thắn hơn, kịch liệt hơn nên nhiều khi có những khoảng trắng bị kiểm duyệt.
Điều đó không lạ vì Đông Dương Tạp chí và Nam Phong là những tờ báo có tiền trợ cấp của chánh quyền thuộc địa còn P. N. T. V. là tờ báo riêng của ông bà Nguyễn Đức Nhuận.
Những đừng tưởng rằng cứ bỏ tiền riêng ra làm báo là cứ cho nó được độc lập, không chịu sức thao túng của chánh quyền. Biết bao nhiêu tờ báo của tư nhân đã tự nguyện làm tay sai đắc lực cho thực dân, cho phong kiến, cho nhà Ngô, … Ngay trong thời kỳ toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn có những tờ báo hoan hô những thắng lợi của quân viễn chinh Pháp.
Có so sánh như thế mới thấy rõ giá trị của tờ Phụ Nữ Tân Văn, trong thời kỳ thực dân toàn thịnh mà dám đề cao những anh hùng liệt sĩ bị thọ án tử hình ở Yến Bảy, dám lên án những vụ oanh tạc cố ý tiêu diệt cả làng Cổ Am, dám công khai ủng hộ những nhà chí sĩ ái quốc, dám đăng tải những bài chống chánh sách thực dân, dám tiếp đón những cây bút chống công thức.
Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và biết bao nhiêu nhà văn khác đã do sự cộng tác với Phụ Nữ Tân Văn mà nổi tiếng.
Một chính trĩ phạm bị lưu đầy ở Côn Đảo đã nhờ PNTV mà giữ lại tên tuổi đến ngày nay. Tôi muốn nói ông B. Đ, tức Bửu Đình tác giả của những bộ tiểu thuyết Mảnh Trăng Thu, Cậu Tám Lọ, …
Cả tới nhà văn Hồ Biểu Chánh tuy đã được độc giả lưu ý nhưng chỉ sau khi có tiểu thuyết đăng trong P. N. T. V. mà người ta mới thật sự chú ý tới ông.
Trường hợp ông Phan Khôi cũng vậy. Ông đã viết trên tạp chí Nam Phong. Ông đã viết ở Đông Pháp Thời Báo.
Nhưng người ta chỉ đặc biệt lưu ý tới ông ở P. N. T. V.
Hồi đó một bài báo được trả nhuận bút 5 đồng là hậu lắm mà P. N. T. V. đã dám trả cho nhà văn Phan Khôi 100 đồng 4 bài trong 1 tháng. Bạc hồi đó 1 xu bằng bây giờ trên 1 đồng.
Không những đối với ông Phan Khôi, đối với tất cả những người nào đã hợp tác với PNTV, hai vợ chồng ông chủ nhiệm đều đối xử trọng hậu nhã nhặn, có thái độ trọng sơ, chiêu hiền là một thái độ rất hiếm có của nhiều vị chủ báo ngày nay.
***
Có người nói với tôi: ông Nguyễn Đức Nhuận là người có đầu óc con buôn. Tôi đồng ý là ông rất thông minh, thực tế trong công việc làm ăn biết nắm lấy cơ hội, lợi dụng cơ hội để tay trắng làm nên sự nghiệp. Nhưng khi bắt tay làm báo ông không hề lợi dụng tờ PNTV, để mưu đồ tư lợi. Trái lại, ông tự đặt cho ông một vai tuồng quan trọng muốn tờ báo được phát triển ra ngoài cái khuôn khổ của nó.
Có hai việc đáng nêu ra là “Đồng xu học sinh” và “Hội chợ Phụ nữ.”
Việc thứ nhất ông đã thành công là ông đã hô hào thành lập một quỹ học bổng để giúp cho học sinh nghèo được xuất dương du học. Với một phần tiền lời của tờ báo quý “Đồng xu học sinh” đã hoàn thành được 2 học bổng gởi hai thành viên ưu tú qua Pháp du học cho tới thành tài. Một người đậu kỹ sư, một người được dự bị thi thạc sĩ.
Đáng lẽ thì hai ông này sau khi thành tài về nước phải hoàn lại học bổng cho những người tới sau. Nhưng ông Nguyễn trong những ngày gần đây thường nói với tôi rằng:
“Các ông không hoàn lại gì cả. Mà cũng chẳng thấy mặt mũi của các ông đâu cả,”
Như vậy thì “Đồng xu học sinh” thành công hay thất bại?
Ở đây ta đừng nói tới sự thất bại hay thành công, ta chỉ ghi lại một sáng kiến, một thiện chí hay là một tấm lòng của người quá cố đã sống tích cực và đã chết cô đơn.
Việc thứ hai là tổ chức Hội chợ Phụ Nữ vào khoảng năm 1933.
Lần thứ nhứt 4 vị phụ nữ đã thay nhau lên diễn đàn và đã gây được một phong trào phụ nữ ồ ạt thúc đẩy người phụ nữ phát triển mạnh ở rất nhiều địa hạt. Do đó mà sản xuất ra được một hiện tượng mạnh trong làng văn là Manh Manh nữ sĩ.
Cô xuất thân ở trường áo tím, là một nữ sinh ưu tú nhưng còn xa lạ với làng văn. Nhưng sau khi lên diễn đàn được thính giả hoan hô nhiệt liệt thì cô liền hăng say nhảy vào xã hội văn chương như một con lân say sưa với tiếng pháo. Cô làm thơ mới, viết văn theo cú pháp của cô, cô diễn thuyết từ Nam chí Bắc rồi lại từ Bắc vô Nam gây một không khí hào hứng vô cùng. Phe bảo thủ chê cô. Phen cấp tiến khen cô. Nhưng khen hay chê tới nay không còn là vấn đề,
Bà Nguyễn Đức Nhuận đã chết ở bên Pháp cách đây 10 năm.
Ông Nguyễn Đức Nhuận mới đây đã ra người thiên cổ.
Nhưng hồi sanh tiền hai ông bà đã điều khiển tờ Phụ nữ Tân Văn cho nó thành một tờ báo có địa vị vẻ vang trong lịch sử báo giới xứ này.
Hai ông bà đã gây được một phong trào phụ nữ, tạo nên được nhiều hiện tượng để thúc đẩy phong trào.
Chính bà chủ nhiệm đã viết trong số ra mắt của PNTV ngày 2-5-29.
“Nghĩ vì ‘cây có cội nước có nguồn’ dân tộc ta sở dĩ không phải là bọn ăn góc biển, ngủ đầu rừng như dân da đỏ ở bên Nam Mỹ, cùng là tối vầy đoàn sớm sẽ bạn như dân da đen ở Tây Phi, chính là vì chúng ta nhờ được nền nếp từ xưa, cội nguồn vững chắc, suốt 4000 năm đã sống vẻ vang trên cõi đất này …
Người viết ra những câu đó đã minh định lập trường dân tộc, tự hào là dân Việt Nam không phải như dân da đỏ ở Nam Mỹ, như ở Tây Phi, nhờ có 4000 năm văn hiến.
Nhưng nếu tác giả còn sống tới ngày nay mà đọc lại những lời đã viết từ 40 năm về trước, tác giả sẽ thấy là lịch sử không đứng yên một chỗ, 4000 năm văn hiến chỉ bồi dưỡng cho chúng ta một phần nào chứ không thể là nền tảng duy nhứt của ta được. Chính dĩ vãng cũng phải cần được tài bồi bằng những mảnh đất phù sa để tạo nên một tương lai rực rỡ hơn, vĩ đại hơn.
Dân da đỏ ở Nam Mỹ, dân tộc da đen ở Bắc Phi nay cũng đã nổi dậy để giải thoát cho mình, ta không có quyền khinh họ nữa.
Nhưng ta vẫn tự hào là đã phất cờ giải phóng trước họ, đem tầm vông vạt nhọn mà đương cự với đại bác chiến xa của thực dân Pháp. Ta tự hào ở chỗ đó.
Phụ nỮ Tân Văn cũng có thể tự hào là đã góp phần giác ngộ cho đồng bào thấy rõ số phận của mình mà kiên định lập trường dân tộc và cách mạng.
Trong số những người được P. N. T. V. giác ngộ lại có con đầu lòng của ông Nguyễn Đức Nhuận là anh Nguyễn Đức Vĩnh. Ngay từ giờ phút đầu tiên anh Vĩnh đã gia nhập Thanh Niên Tiền Phong rồi rút luôn ra khu để kháng chiến.
Anh hăng say chiến đấu và đã chết ở Thủ Dầu Một dưới lằn đạn của quân thù ngay từ năm 1945.
Anh đã sống vinh quang, đã chết xứng đáng để thực hiện những lời nói của cha mạ anh trên PNYV.
Cha mẹ anh không dám làm như anh và cũng không bao giờ muốn con mình dấn thân trên con đường nguy hiểm.
Nhưng bấy giờ tất cả đã vùi sâu dưới lòng đất mẹ, ông bà đã thấy rằng trước sau có một lần chết thì cái chết hiên ngang và anh dũng của đứa con đầu lòng không phải là vô nghĩa khi PNTV mỗi tuần đều đem đến cho người ta những bài học thiết tha về đoàn kết, về hy sinh, về quốc gia dân tộc.
Con ông đã lãnh hội được những bài học đó và đã thực hiện tới mức độ cao quý nhất, đẹp đẽ nhứt, thiết tha nhứt.
Nó đã minh họa bằng xương và bằng máu lập trường dân tộc của tờ Phụ Nữ Tân Văn.
Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.
Nhưng tô điểm bằng phấn son đâu bằng xương máu? Hơn nữa, có nói phải có làm. Mà anh Nguyễn Đức Vĩnh đã làm. Cha đã sống trước mà chết sau, khi gặp con ông ở bên kia thế giới chắc ông được hài lòng.
Trích trong Đuốc Nhà Nam số 1 ngày 9-10-68.