Song Thu nữ sĩ

Nói đến tên bà Song Thu, hẳn còn nhiều người trong giới văn nhân, cách mạng đều biết đến bà. Vì bà là một người phụ nữ gần như duy nhất uyên thâm Hán Tự, thơ hay, chữ đạp còn sống tới ngày nay tại cái miền Nam trù phú, nhiều giao động này; và cũng là người phụ nữ yêu nước cao độ, từng nhiều lần vào tù ra khám vì sự chống Pháp của bà với phong trào đề xướng của cụ Sào Nam Phan Bội Châu.

Ai đã được biết bà qua sự nghiệp văn chương, thi họa và cách mạng của bà, cũng đều kính mến hâm mộ, … Nhưng con người của bà thích sống cuộc đời gần như ẩn dật, bởi đó ít có người nhắc nhở đến bà. Bà chỉ sống âm thầm, thanh đạm trong một gian nhà nhỏ, cạnh một ngôi chùa, khi dịch kinh, khi thơ, họa.

Bà Song Thu tên thật là Phạm Thị Xuân Chi tự Hữu Lan, bút hiệu Song Thu, người làng Đông Bàn, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam (Trung Phần), một tỉnh địa linh nhân kiệt, cách mạng nhiều anh tài đông. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng tự hào nơi sinh quán của cụ nhờ sự bách linh tụy tụ ở núi Ngũ Hành Sơn (theo 1 câu đối của cụ khóc ông Bùi Thế Mỹ tự Lan Đình vào năm 1942 có câu: Ngũ Hành Sơn di tích, bách linh tụy tụ khăn giao bôi …)

Nội tổ của bà là cụ Phạm Phú Thứ. Thân sinh là Phạm Phú Lẫm và bà Nguyễn Thị Cẩn. Bà sinh cào năm 1899. Nhờ sinh trưởng trong một gia đình cách mạng, lễ giáo, danh gia, vọng tộc, nên từ thủa nhỏ đã được rèn đúc dậy dỗ rất chặt chẽ. Trước bà thụ giáo với cụ Cử Lê Bá Trinh, người Hòa Vang (sau bị đầy đi Lao Bảo) thì bà tiếp tục học với cụ Trương Hữu, người Điện Bàn. Hai cụ đều là những người cách mạng chống Pháp triệt để. Có lẽ nhờ những tư tưởng của những nhà ái quốc ấy vỡ lòng cho bà, nên từ khi bà lớn lên là luôn luôn đóng góp vào những phong trào cứu quốc, chống ngoại xâm.

Học Hán văn đến năm 13 tuổi bà ra học ở Huế, tại trường nữ học (École des jeunes) ở cửa Thượng Tứ.

Rồi vì hưởng ứng làm reo theo phong trào ủng hộ các nhà cách mạng, bà bị đuổi học, trở về nguyên quán, tiếp tục học trở lại chữ Hán cho đến 19 tuổi, dưới sự chỉ đạo của cụ Phan Bội Châu, cụ Tây Hồ. Bà đã truy tùy theo dấu chân của các nhà ái quốc ấy. Thế là bắt đầu từ ngày này, khi bôn Nam, khi tẩu Bắc, khi dưới sự hướng dẫn dắt dìu của cụ Phan Bội Châu, khi cụ Trần Nguyên Phụ (người tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt) khi trực tiếp hoạt động cùng cụ Vĩ Hoành và cụ Huấn Quyền.

Được một thời gian khá lâu, phong trào bị đổ bể, bà cùng các bạn đồng chí chạy trốn sang Ai Lao, Cao Miên, rồi trở về Hà Nội.

Nhưng khi đến Hà Nội bị mật thám Pháp hay, truy nã ráo riết bà và cả nhóm cùng chạy trốn sang Vân Nam, định kết hợp lại sang Tàu. Nhưng chẳng may vì bị theo dõi lùng bắt, cả nhóm đều thất lạc nhau. Trong hoàn cảnh bơ vơ, bà đành quay trở lại Nam Vang. Về đến đó, thì bà bị Pháp bắt đưa về giam tại bót Catinat (đường Tự Do bây giờ).

Một con người đã mang một bầu nhiệt huyết yêu nước, mến nòi thì trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào, cũng vẫn đeo đuổi theo chủ nghĩa đã vạch sẵn từ lúc khởi đầu. Vì đó mà bao lần bà được trả cho tự do, sau một thời gian lâu giam cầm tra tấn, bà Song Thu vẫn trở lại hoạt động với các nhà cách mạng yêu nước.

Sứ mạng của bà và các nữ đồng chí là liên lạc phổ biến tuyên truyền những tài liệu từ ngoại quốc đưa về, cho các từng lớp dân chúng để được đẩy mạnh phong trào chống Pháp.

Đến khi Nhật đẩy Pháp ra khỏi Việt Nam, bà được ông Tùng Tỉnh nghe danh yêu nước, chống Pháp của bà, có đến mời bà cùng hợp tác trong bộ tham mưu Nhật.

Đáng lẽ thì bà không nhận, nhưng sau bà nghĩ vào đó cũng có cơ hội giúp anh em đồng chí của bà bị Pháp bắt giam cầm. Nhờ đó bà cứu được gần bốn năm trăm người bị Pháp bắt.

Mặc dù trong đời bà luôn luôn đeo đuổi cuộc cách mạng, luôn luôn vào tù ra khám, nhưng bà cũng cố gắng trau dồi văn nghiệp. Năm 1928 bà đã xuất bản tập thơ đầu tiên “NGỌN GIÓ XUÂN”, phần nhiều thơ bằng chư Hán.

Và trên các mặt báo thường có thi văn, xã luận của bà. Chủ nhiệm tờ tuần báo Kịch Bóng, dù là chuyện về sân khấu và kịch, nhưng luôn luôn bài vở toàn nói lên những bài quật khởi của người dân Việt. Vì đó cả bộ biên tập bị bắt cho vào khám, và tờ báo bị rút giấy phép.

Thi văn của bà phần nhiều biểu lộ tánh cách thanh cao của một tâm hồn không để danh lợi hão huyền mê hoặc, và lúc nào bà cũng thiết tha nghĩ đến vận mạng, tiền đồ dân tộc, dù ngày nay bà Song Thu đã 70 tuổi đầu, sống một bếp sống rất thanh bần tựa một ngôi chùa trang nghiêm vắng lặng với hai cô con gái. Một trong hai cô là Phương Đài nữ sĩ ,à chúng ta thường thấy thi văn cô trên mặt các báo Phổ Thông, hôm sớm với bà. Mặc dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, ốm đau, nhưng nhận thấy bà luôn luôn sung sướng tự hào kiếp nghèo thanh bạch, nghĩa vụ đền xong cho quê hương, đất tổ. Những bết nhăn nheo hằn năm tháng của những ngày tù đày, ngày bôn ba đông tây nam bắc của bà với cách mạng đã gắn nhiều lên khuôn mặt của bà. Với mớ tuổi đó, với người khác chưa hẳn là già. Nhưng với bà thì con người đã thấm mệt trên con đường tranh đấu dài thăm thẳm, nên đôi mắt đã mờ, người gầy còm, đôi chân tê yếu. Chỉ còn lưu lại một giọng nói, giọng nói sang sảng “BẤT KHUẤT” thuở nào.

Bà còn lại một bộ kinh dịch chữ Hán gần 1000 trang của một tín đồ Hồi giáo nhờ bà dịch nhưng chẳng may người ấy chết thình lình, nên không kịp xuất bản.

Và nhiều văn thơ, nhưng văn thơ của bà tự nhiên khác hơn thường tình văn nhân, thi sĩ khác. Không có khóc gió, gào mây, than trời trách đất. Thơ của bà toàn là một giọng thơ tự hào, bất khuất theo giọng nói của bà. Như mấy bài thơ dưới đây, các bạn đọc qua sẽ công nhận lời phê bình là rất đúng:

TỰ TRÀO

Ta nghĩ khen ta cũng có tài

Hai bàn tay trắng kém gì ai?

Gặp cơn nguy biến không hề sợ

Phải bước phong ba chẳng chút nài

Tiền của tiêu pha vừa bữa một

Cháo cơm lếu láo đủ ngày hai

Phong trần dù đến bao nhiêu nữa?

Son sắt lòng này há đã phai.

Bài thơ này bà làm trong lúc chính quyền Pháp vây bắt năm 1925. Và bài thơ dưới đây cũng trong lúc bị bắt tại Cần Thơ, phải bỏ chạy trốn năm 1930.

LÌA CẢNH CŨ

Một bước ra đi, một bước ngừng

Đoái nhìn chốn cũ lệ rưng rưng

Nghiêng bầu tâm sự, nghiêng không cạn

Gạt giọt ly sầu, gạt khả ngưng

Non nước thương ai, màu ủ dột

Cỏ hoa mến khách vẻ bâng khuâng

Cho hay cảnh cũng trêu người nhỉ

Gánh nợ trần ai, nặng quá chừng

Bà Song Thu thật là một anh thư kỳ tài, xuất khẩu thành thi, nhiều lần gặp bà, hễ xin bà cho 1 bài thơ hay 1 câu đối là bà liền viết ngay trên giấy, không một chút đắn đo, suy nghĩ nào. Tôi còn nhớ một hôm, trong cuộc gặp gỡ, vào năm 1959, tại nhà Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã (Quỳnh Diêu) nhân lúc đi trên máy bay nhìn xuống từ Sóc trăng về … Và xin mỗi vị có mặt tặng cho 1 bài thơ, đầy khẩu khí, cảm hứng pha lẫn mùi đạo vị, Song Thu nữ sĩ hạ bút đề ngay 8 câu thơ:

ĐI MÁY BAY

Đất bằng bỗng chốc đã lên mây

Ta luyện ngàn năm cũng thế này

Mảnh áo cà sa trăm khoảnh đất (1)

Trùng châu Anh Lạc mấy vòng cây

Giang hồ lãng miếu lưng tràng góp

Vũ trụ kiền khôn mặt túi đầy

Dòm xuống chúng sanh còn lặn hụp

Lòng ta đâu nỡ lại phương tây!

Bà Nhã bảo ngồi trên máy bay, nhìn xuống đất, mảnh đất nhiều màu chen nhau như mảnh áo cà sa, những rặng cây uốn quanh như trăng chuỗi hạt. Bà làm xong, cả nhóm chị em đều ngẩn ngơ nhìn bà, nhoẻn miệng cười chịu thua ngay. Có ai bì kịp tài lão nữ sĩ, thao thao tám câu liền như thế.

Hai câu kết là đầy khẩu khí của con người cách mạng. Nhìn chúng sanh lặn hụp, không muốn giã biệt cõi đời, muốn đóng góp chút gì còn lại với non sông, dân tộc.

Và một hôm đi viếng một người bạn ở gần phi trường Biên Hòa, bà cảm xúc cảnh tang thương biến đổi của thời chiến loạn, cũng liền tặng ngay người bạn mấy vần thơ:

BÌNH Ý CẢM TÁC

Xưa kia hoa quả trổ đầy vướn

Giờ trở về đây hóa ruộng nương

Ngọn núi trông theo người viễn khách

Dòng sông trôi mãi bóng tà dương

Lâu đài năm ấy … kìa hoang thổ

Miếu vũ hôm nay … nọ chiến trường

Ngừng bước … nhìn xem phong cảnh cũ

Mộng hồn ngơ ngẩn, cuộc tang thương.

Và cũng mới đây, độ rằm tháng bảy vừa qua ông Hàn Mặc đến viếng bà đưa ra một bài thơ đề xướng của cụ Trần Văn Hương ông đã họa vận rồi 1 bài, xin bà cùng họa tiếp thêm bài Vũng tàu cảm tác.

Bà tiếp đón mấy bài thơ, họa ngay:

mênh mông biển rộng với rừng cao

Tàu lớn, thuyền con rẽ sóng cao

Trên núi phi cầm bay vùn vụt

Dưới dòng lưu thủy chảy nao nao

Tiều phu cất búa ngàn cây đặng

Ngư phủ quơ chào, mặt nước xanh

Mây khói mịt mù trời thăm thẳm

Hỏi ai?? Sơn hải … giá là bao??

Ngoài sự làm thơ, họa vận, nữ sĩ Song Thu đành hẳn có sẵn biệt tài thiên tính, đến câu đối bà đối rất nhanh và rất cứng. Chữ Hán bà viết rất đẹp, nét bút bà tuyệt vời, như rồng bay, phụng lộn.

Những bạn bè có đám táng, cưới hỏi, đều tới xin câu đối và nhờ bà viết cho.

Viết đến đây tôi chợt nhớ một năm nào đó (1925-26 tôi quên mất đi) nhơn dịp Tết đến các anh chị Song Thu, Bùi Thế Mỹ tự Lan Đình, giáo sư Nguyễn Đình Ngại khan tiền ăn Tết, nên rủ nhau đến chợ Bến Thành, lối nhà thuốc Nguyễn Văn Cao bây giờ viết liền câu đối kiếm chút tiền chia nhau ăn Tết.

Một bàn dọn sẵn, bút mực, giấy hồng. Hai ông Bùi Thế Mỹ và Nguyễn Đình Ngạc, quần áo bảnh bao, cà vạt màu nhũn nhẵn đeo trước ngực. Bà Song Thu ngồi cạnh đó, tà áo màu phơ phất theo chiều gió xuân thổi tóc từng hồi.

Ba anh chàng thanh niên người Bắc đi sắm Tết, rượu đã ngà ngà say, ghé tạt lại xin viết cho họ hai câu đối, để nói lên sự cô đơn, tha hương nhớ nhà của họ …

Hai ông Ngạc, Mỹ nhìn nhau như hỏi ý viết câu nào cho hợp tình, hợp cảnh của ba người anh em ấy.

Bà Song Thu buộc miệng:

HỘI BẰNG HỮU Ư XUÂN VIÊN

TỰ CỐ HƯƠNG CHI LẠC SỰ

Ba thanh niên nghe qua khoái ý vỗ tay cười vang, miệng bảo:

– Hay … hay, viết cho chúng tôi hai câu đó đi …

Viết xong được thù lao hai đồng bạc, cả ba nhìn nhau mủm mỉm cười. Liền theo đó, một đám khách hàng bao quanh, nhờ viết mỗi người một câu đối đỏ. Trong nhóm đó có cụ Đặng Thúc Liêng, một danh y nổi tiếng thời bấy giờ, thuốc hay thơ cũng giỏi vừa mới đến với Lê Thành Lư một nhà văn tên tuổi nói với Song Thu nữ sĩ.

– Biết tài nữ sĩ, nên tôi đến đây nhờ nữ sĩ viết cho hai câu đối Tết. Nét chữ đẹp, trong bàn tay tiên, lại xuất khẩu thành văn, khi xong tôi xin biếu mười đồng cung hỉ quà Tết.

Mười đồng bạc thời kỳ nầy bằng một ngàn đồng bạc thời bây giờ. Nghe qua bà Song Thu liền chụp ngay cây viết viết liền hai câu:

SƠN HÀ PHONG CẢNH NGUYÊN VÔ DỊ

THÀNH QUÁCH NHÂN DÂN BÁN VĨ PHI

Viết xong trao qua cụ Đặng Thúc Liêng. Những kẻ đứng quanh ai ai cũng tắc lưỡi khen ngợi. Cụ Liêng nhận hai câu đối, mò vô túi lấy tiền trả công nữ sĩ. Nhưng rủi thay, cụ quên đem bóp tiền, phải nhờ ông Lệ Thành Lư đi theo về nhà lấy tiền trả tiền cho nữ sĩ.

Khi nhận tiền, nữ sĩ bị Lê Thành Lư đòi tiền công năm đồng, công đi lấy tiền. Còn năm đồng chia cho hai ông Mỹ, Ngạc ba đồng, chỉ dành cho mình hai đồng ăn Tết.

những mẫu chuyện nho nhỏ thú vị, nên thơ trên đây, chúng ta nhận thấy con người nữ sĩ tài hoa, thật hiếm có trên xã hội hiện tại.

Những mẫu chuyện nho nhỏ thú vị, những đóng góp khai mào cách mạng, những chịu đựng tra tấn trong những năm tháng vào tù, ra khám, chứng tỏ cho chúng ta thấy lòng hy sinh cao cả của con người nữ sĩ cho dân tộc. Thật là tuyệt với đức độ hy sinh, hiếm có ở gữa thế hệ này.

Sự nghiệp văn chương, như cuộc đời cách mạng, nữ sĩ còn gì ở hiện tại? Bà còn lại đôi mắt sớm mờ, đôi chân tê yếu, kết quả của những trận đòn vào đầu, vào chân khi ở trong tù. Pháp thường hay đánh người tù chính trị trên hai nơi ấy. Họ bảo:

– Đầu, đầu nè, đầu chính trị, cách mạng nè, đầu óc, đầu óc, … đầu óc lớn, ta cho nó lớn thêm, …

Thế là bổ cây liên tục vào đầu, ngay óc …

– Chân nè, chân chạy nam, chạy bắc, chạy đông tây làm loạn, đập cho khỏe, chạy cho nhanh nè …

Rồi họ quất, quất cho đến ngã quỵ, máu đổ mới ngừng tay.

Một kẻ sĩ với một bầu nhiệt huyết thương nòi, mến giống một tâm hồn quá thanh cao là thanh cao, trong sạch là trong sạch, nên ngày về chiều mới sống trong cảnh âm thầm, bịnh hoạn quá thanh bạch.

Chớ trong đời cách mạng của nữ sĩ, thiếu gì dịp bà làm giầu như bao nhiêu kẻ khác đã làm giầu trong nghiệp văn thơ như chính trị.

Trường hợp dịch quyển kinh gần ngàn chương. Người ta yêu cầu bà về chùa Hồi giáo ở, ngày ngày chỉ lo dịch kinh, nhập môn vào đạo, họ sẽ tặng trước cho bà một triệu đồng để tùy nghi sử dụng, ngoài ra vấn đề ăn uống, nhà ở, ốm đau sau này, hội chùa đài thọ tất cả, đài thọ cho đến ngày cuối cùng.

Bà vẫn từ chối, vẫn giữ quan niệm, đạo giáo truyền thống sẵn có trong người nữ sĩ. Vẫn chịu nghèo, lảnh dịch kinh mướn, lảnh tiền bút phí hàng tháng ba ngàn đồng.

Kịp đến thời kỳ hợp tác với Nhật (Bộ Tham Mưu), cái thời kỳ nhiều kẻ nhờ đó làm giàu một cách kinh khủng, nhờ dựa vào hơi Nhật, họ giựt, họ chiếm nhiều tài sản của người Pháp như người Việt thân Pháp.

Còn bà, trái lại dù hợp tác với Nhật, giữ vai tuồng quan trọng ở Bộ Tham Mưu Nhật, bà không hề nhận một đồng bạc lương nào của Nhật. bà chỉ nhận một chỗ ở đầy đủ tiện nghi hơn nơi nhà cũ của bà mà thôi. Tại sao bà không lãnh lương? Tại nơi cái bất khuất của kẻ sĩ cách mạng. Bà bảo:

– Hợp tác với Nhật là để nhờ Nhật giúp Việt Nam trả lại nền tự do độc lập bị Pháp chiếm gần 100 năm. Chớ đâu bà phải người đi làm mướn, lãnh lương cho Nhật. Nhẹ thể bà như quốc gia. Và trong thời kỳ đó luôn luôn chờ sẵn, can thiệp, giúp đỡ những anh em đồng chí bị Pháp bắt giam, (ngày nay lắm kẻ còn sống, có địa vị ở xã hội).

Đến ngày Nhật đầu hàng đồng minh, sau hai quả bom nguyên tử ở Okinawa và Hirosima, trước khi rút lui khỏi Việt Nam, các sĩ quan Nhật trong Bộ Tham mưu có tổ chức một buổi tiệc từ giã bà tại căn nhà riêng ở cầu Băn-ky. Tiệc tàn, một người trong nhóm mời bà bước vào một phòng lớn, chất đầy những bó bạc năm trăm đồng mới, chỉ cho bà và bảo:

– Đấy, những tiền bạc và những gì trong nhà này, chúng tôi xin tặng hết lại cho lão nữ sĩ. Cần súng, chúng tôi xin tặng 1 cây hay nhiều thêm nữa, loại súng nhỏ của Đức tốt lắm, để hộ thân.

Một dịp ngàn năm một thuở của một người đời làm giầu lớn. Nhưng nữ liệt từ chối ngay, bà bảo “Tài giả thân chi tai. lãnh làm gì của nợ này.”

– Nếu bà không nhận, chúng tôi sẽ cho đốt hết, …

– Tùy nơi các ông … Và họ ngẩn ngơ trước cử chỉ cương quyết từ chối của nữ sĩ.

Cuối cùng, họ đành chịu thua can trường quá thanh cao của người phụ nữ cách mạng Việt Nam. Họ liền lấy ngay cái tép đựng giấy tờ của nữ sĩ, hốt một mớ giấy bạc nhét đầy vào, và một cây súng nhỏ bảo với bà:

– Trong thời loạn cần những cái nầy lắm, xin lão nữ sĩ nhận cho để tùy thân.

Cây súng về đến nhà, nữ sĩ tặng cho người thanh niên tiền phong, con của một vị Đốc Phủ. Tiền thì đúng như lời người Nhật bảo, bà nhờ đó mà thoát nhiều nguy hiểm, và giúp đỡ, nuôi ăn được năm sáu chục người trên con đường tản cư về Bình An.

Mặc dù là nhà cách mạng lão thành chỉ có một tấm lòng yêu nước cao độ, chống xâm lăng, nhưng nữ sĩ không đi vào chủ nghĩa tam, tứ hay đảng phái nào cả. Vì vậy, bà gặp nhiều tra gạn khó khăn, khi đi qua những trạm Thanh niên đóng giữ. Họ đòi giấy phép của “Ủy ban nhân dân kháng chiến cho lệnh tản cư”. Bà không có, vì không muốn cho ai biết danh tánh của bà. Mỗi lần bị chặn xét, tra gạn, bà lấy ra một xấp giấy năm trăm, chùi vào tay người thanh niên bảo:

– Đấy, xin anh nhận bỏ vào quỹ cứu quốc giùm tôi, để gọi là chút đóng góp của người công dân phụ nữ vô danh …

Thế là thoát … khoát tay, người thanh niên bảo bà đi mau mau, sau khi thấy cọc bạc năm trăm cứu quốc. Trải qua mười mấy trạm từ Tuân Trường (Thủ Đức) lên đến Bình An, nào (Lao động đảng), nào “Đông Dương đảng”, “Cứu quốc đảng”, mỗi trạm bà đều đánh nhân tâm “cứu quốc” cả cộc bạc. Số tiền còn lại, bà giúp đỡ, nuôi ăn cả nhóm năm, sáu chục người cùng tản cư với bà, cho đến hết thì bà bị bắt. Sau khi được thả về Saigon, thì của Thiên hoàng Nhật hoàn lại cho địa Việt Nam. Nghèo bà vẫn trở lại nghèo với tâm hồn thanh cao, nhân ái của bà cho tới ngày nay. Đời, thật hiếm có một người phụ nữ giàu lòng từ thiện, thanh cao như thế. Nữ sĩ Song Thu xứng đáng người phụ nữ công dân có bốn ngàn năm văn hiến. Nhìn lên cao chẳng thẹn với lòng, ngó xuống thấp, bà tự hào là tuyệt đỉnh.

Dưới đây, một bài thơ chữ Hán, do tay nữ sĩ Song Thu viết, nhà nữ cách mạng lão thành, danh tiếng mà các giới cách mạng Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa đều biết danh và kính phục. Và chính nữ sĩ phiên âm dịch ra thơ Việt.

XUÂN CẢM

Ba đào cổn cổn, chấn nhơn hoàn

Xuân sắc tiêu điều bất nhẫn kham

Giáp mão tung hoành phao đại địa

Yên vân giã tế biến không gian

Bình nguyên mạn thảo oanh khô cốt

Cự uyển danh hoa thất cưu nhan

Thành bại bách niên liêu nhĩ nhĩ

Huyết hoa lưu thủy hướng san san

Dịch:

Ai gây sóng gió suốt nhơn hoàn?

Cho cảnh ngày Xuân kém vẻ vang

Yên giáp nghênh ngang phơi đại địa,

Khói mây mờ mịt phủ không gian.

Cỏ hoang đồng rộng bao xương trắng

Hoa đẹp, vườn xưa lợp nhụy vàng

Thành bại trăm năm rồi cũng thế

Giòng sông cuồn cuộn, máu hòa chan.

Người ta thường nói: Văn tức là Người (le style c’est l’ homme). Đọc những văn thơ của Song Thu nữ sĩ, chúng ta nhận thấy rõ nổi lòng người nữ sĩ cách mạng qua lời thơ, ý tưởng của bà. Lúc nào cũng tha thiết yêu non sông gấm vóc, buồn tang tóc biển dâu. Lúc nào cũng vẫn sống vì quyền lợi quốc gia dân tộc. Không bao giờ mưu lợi, cần danh cho cá nhân bà. Dù ngày nay, ngày về chiều, sống trong cảnh thanh đạm, muối dưa, đau ốm, bà vẫn tự hào, vẫn can đảm sống, vẫn giữ trọn tấm lòng thanh cao của một kẻ sĩ.

Đáng khâm phục thay! Đáng làm tấm gương soi chung cho phụ nữ chúng ta.

(1) Ở trên máy bay nhìn xuống nhiều vuông đất xanh, vàng trắng trông như áo cà sa.

error: Content is protected !!