Nữ sĩ Ngô Chi Lan là một thi văn nhân đời Lê, đồng thời với Lê Thánh Tôn. Văn thi tài của nữ sĩ, ông vua hay chữ nhất triều Lê nầy cũng phải thán phục.
Nũ sĩ chánh quán ở làng Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay thuộc tỉnh Phúc Yên, Bắc Bộ).
Nữ sĩ giỏi văn vần và các môn khác: Thi, Ca, Từ, Khúc, cổ nhạc phú.
Chồng của nữ sĩ tên là Phù Thúc Hoành, cũng là một văn nhân đời Lê, đậu Tiến sĩ làm quan đến chức “Đông các đại diện học sĩ”, một chức trong tứ trụ của triều đình (Cần Chính, Văn Minh, Võ Hiền, Đông Các).
Mặc dù là gái nhưng nữ sĩ là một thi văn nhân lỗi lạc của đương thời, nên được vua nhà Lê triệu vào cung phong chức “Hủ gia nữ học sĩ” để làm thầy học cho các cung nữ của nhà vua.
Đáng tiếc rằng nữ sĩ chỉ sống đến 40 tuổi liền mất. Cho hay xưa nay vẫn nói rằng “Chết sống có mệnh trời”. Một tài hoa như thế lại là mệnh đoản.
Tương truyền rằng: Thi văn của nữ sĩ sáng tác rất nhiều nhưng chỉ được ghe chép bằng tay vào trong tập vở gọi là “Mai trang tập” chớ không được ấn hành để phổ biến cho nhiều, thành ra bị thất truyền, chỉ còn lại bài thơ “Vịnh bốn mùa” đang được truyền khẩu.
Người ta lý giải chuyện này bởi hai lẽ:
1 – Hồi đó việc ấn loát hãy còn khó khăn lắm, cho nên có nhiều tác phẩm có giá trị mà phải chịu thất truyền. Thi văn của nữ sĩ Ngô Chi Lan bị thất truyền cũng nằm trong tình trạng chung ấy.
2 – Thi sĩ là nữ giới, trong chế độ “Trọng nam khinh nữ” của thời bấy giờ, cho nên tác phẩm của nữ sĩ không được người ta coi trọng như tác phẩm của một người đàn ông, cũng có thể vì lẽ đó mà bị thất truyền.
Có thể vì lẽ này hay lẽ khác, nhưng những tác phẩm của nữ sĩ Ngô Chi Lan bị thất truyền, thiệt là một điều đáng tiếc rẻ cho hậu bối chúng ta, nhất là chị em phụ nữ.