Ca nương làng Đào Xá

Cuối triều nhà Hồ (1400-1407) nhè đúng lúc nội bộ nước ta đang bê bối, quân nhà Minh bên Tàu kéo sang xâm lược. Chúng rất đông đến đâu là đánh chiếm hết đến đó, trong đó có làng Đào Xá, thuộc huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, Bắc Việt.

Đào Xá vốn dĩ là một làng rất nhiều con gái đẹp, lại là nơi thể sản danh ca đất Bắc. Chẳng thế mà đã có câu phương ngôn “Hát hay như gái Đào Xá”.

Địa lý đặc biệt của làng Đào Xá là một nơi ẩm thấp nên rất nhiều muỗi, bọn lính Tàu sợ muỗi cắn, chúng phải may mỗi đứa một bao thông bằng vải dầy, ban đêm chúng phải chui vào bao nằm để tránh muỗi, thay đổi phiên nhau thắt dây rút trên miệng bao, chỉ dành một đứa nằm ngoài để khi ngủ dậy, tháo dây cho cả lũ.

Ở làng Đáo Xá lúc đó có một ca nương tên là Kim Oanh, hát đã hay, người lại đẹp. Mặc dầu là phận gái lại làm nghề mà các cụ Đồ Nho đương thời gọi một cách vô lý ;à “Xướng ca vô loại”. Nhưng Kim Oanh là một nữ công dân rất yêu nước, nàng thấy đất nước của nàng bị giặc ngoại bang dày xéo, thì nàng căm phẫn sôi lên. Mặc dù là chân mềm tay yếu, nhưng nàng cương quyết tiêu diệt giặc bằng mưu trí của nàng.

Bọn lính Tàu, nhất là mấy tên chỉ huy, mỗi khi được nghe tiếng hát, nhất là được thấy dung nhan tuyệt mỹ của nàng thì tên nào tên nấy mê tít lên. Đó chính là mấu chốt để đưa đại sự của nàng tới thành công trong việc diệt thù cứu nước ở ngay địa phương của náng.

Lợi dụng điều kiện sẵn có của mình, Kim Oanh đã tận dụng mọi khả năng sáng tạo để thi hành một mỹ nhân kế. Là một ca nương đẹp nhất địa phương, bọn lính Tàu thường gọi nàng vào đồn để đàn hát và thường mời nàng ngủ lại.

Thế rồi một buổi tối hôm nọ bọn giặc mời nàng vào đồn ca hát. Nàng cố vận dụng khả năng của một nữ gián điệp chưa hề được huấn luyện kỷ thuật, phục vụ cho bọn lính Tàu, bợm nào bợm nấy say túy kuý. Mặt khác nàng cũng đã mật báo tin được cho những dũng sĩ mai phục xung quanh vị trí giặc, để đợi nghe lệnh của nàng.

Trong đêm đó, sau khi bọn lính tàu chui vào bao ngủ, bị cột miệng bao hết rồi thì nàng chạy ra mở cửa đồn, đồng thời hô xung phong, thế là các hiệp sĩ mai phục xung quanh xông thẳng vào đồn dùng đoản đao bén nhọn đâm thủng bụng bọn lính Tàu chết ráo trọi.

Thế là vị trí của giặc Tàu ở làng Đào Xá đã bị Kim Oanh và một số dân làng thanh toán, thu hết vũ khí và quân trang quân dụng. Thế là làng Đào Xá được giải phóng hoàn toàn.

Trong 10 năm cuộc kháng chiến diệt Minh của Bình Định Vương Lê Lợi, câu chuyện ca nương Kim Oanh ở làng Đào Xá, được truyền đi khắp nơi như một bài hịch tướng sĩ, để kêu gọi, để làm gương cho nghĩa quân Bình Định Vương Lê Lợi trong đại cuộc kháng Minh.

Hiện nay, tãi làng Đào Xá còn có một ngôi mộ và một miếu điện do Vua Lê lập ra gọi là miếu “Ả Đào” tức là đền thờ ca nương Kim Oanh vậy.

error: Content is protected !!