Cũng có tên gọi là “Đoàn phu nhân”. Một liệt nữ thời Lê Mạt. Ái thiếp của tướng Lê Cảnh Hoàn, quản đốc Tiền phong cơ quân Trịnh, Người ở làng Trào Nha, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm Bính Ngọ (1766), chồng bà lâm chiến với quân Tây Sơn chết trận tại cửa biển Thúy Ái. Bà giả vờ thản nhiên vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra, mặc cho dư luận xung quanh cười chê mai mỉa cho là một người đàn bà vô tình bạc nghĩa không ra gì.
Khi quân Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà, bà mặc đồ tang trắng, tới bến sông Thúy Ái là nơi tuẫn tiết của chồng, lập đàn trai giới tế tự khóc suốt mấy ngày đêm. Cuối cùng ngoảnh mặt về Nam chiêu hồn. Sau hết bà bơi thuyền ra giữa dòng sông đúng chỗ chồng bà chết chìm năm xưa rồi gieo mình xuống nước mà chết. Trước khi làm việc đó, bà có dặn lại, không được lấy xác bà đem khâm liệm chôn cất trến đất mà cứ để mặc như thế để bà được về với chồng ở nơi Hạ bá.
Nhân dân đương thời cảm mến cái chết không bao giờ chết của bà, nên lập đền thờ bà trên sông Thúy Ái.
Ông Huấn đạo An Nhân Hà Sách Hiển thương mến sau sắc cái chết không bao giờ chết ấy, đã làm câu đối sau đây để thờ bà.
Khả lên nhị bách dư niên quốc
Thiên lý dân di nhất phụ nhân
Dịch nghĩa:
Khá thương nước cũ hai trăm lẻ
Giữ được di luân chỉ một bà.
Diễn nghĩa:
Buồn thay một triều đại từ khi khai sáng cho tới lúc suy vi này, mà vỏn vẹn được một người đàn bà giữ trọn lẽ trời và tình người mà thôi.
Hai câu thơ của cụ Huấn Hiển có một ý nghĩa nội hàm, mỉa mai bọn người hoa hết trâm bào bao nhiêu, thì lại cũng tôn kính ái mộ nữ giới Việt Nam ngần ấy.
Cận đại lại có một thi sĩ khuyết danh làm bài thơ truy niệm bà sau đây:
Khẳng khái tùng vương dĩ
Thung dung tựu nghĩa nan
Phận bọt bèo xiết nỗi khách hồng nhan
Lòng vàng đa mấy thua ông Tiền – Trạch
Trung sở sự chàng đành kiệt lực
Nhất nhi chung nàng vẹn chữ tòng
Lấy áo xiêm mà trả nở non sông
Đem lòng trắng giải cùng bích thủy
Nhị giang phong trích cương thường lệ
Thúy Ái ba đào tiếc nghĩa thân
Người liệt nữ, kẻ trung thần
Gương trước để soi chung lại thế
Nào là kẻ trung thần nghĩa sĩ
Để cương thường một đấng phụ nhân
Đùn đùn khói tỏa giang tân.
(Vô Danh)
Gần đây có một số người đọc truyện bà Phan Thị Thuấn cũng như cái chết của bà thì cho rằng: đây là một cái chết chỉ có giá trị đối với luân lý phong kiến mà thôi, chứ không ích lợi gì cho ai hết, nếu không muốn nói là cái chết phản nhân bản, thì cũng là cái chết ngu muội đối với chữ trinh của người phụ nữ mà bọn người nam giới ích kỷ Đông phương đã bày vẽ ra.
Nói như thế nếu không phải là máy móc cứng đờ, thì cũng chưa hiểu nguyên lý bối cảnh lịch sự. Vì thượng tầng kiến trúc xã hội bao giờ và ở đâu cũng phải gắn liền với hạ tầng cơ sở kinh tế tạo thành bối cảnh lịch sử.
Luân lý không phải là một ước lệ cố định, mà nó phải biến thiên theo bối cảnh lịch sử. Vậy muốn phê bình cái chết của bà Phan Thị Thuấn có đáng được gọi là “cái chết không bao giờ chết” không thì tự phải đem ta sống trở lại giai đoạn Lịch sử nước Việt 1766. Nghĩa là lúc chế độ phong kiến và luân lý NHO giáo đang toàn thịnh trong lịch sử Việt.
Phải làm như vậy thì sự nhận xét mới khỏi sai lầm tai hại.
Ở dưới bóng mặt trời, chẳng gì đúng, mà cũng chẳng có gì sai đúng hay sai chỉ tùy thuộc ở bối cảnh lịch sử mà thôi.