Tranh dân gian Việt Nam

Tranh dân gian bao gồm tranh thờ và tranh Tết truyền thống. Nó chính là trí tuệ của dân gian và có nguồn gốc từ rất xa xưa. Nó được bảo lưu và tiếp tục được phát triển ở các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Việt Nam với tín ngưỡng nguyên thủy thờ tổ tiên và nhân hóa các hiện tượng thiên nhiên thành các vị thần nên cùng với tranh Tết, tranh thờ cũng có rất sớm. Cả hai đã trở thành nhu cầu của nếp sống văn hóa, là cội nguồn của mỹ thuật dân gian và hợp thành văn hóa dân gian đương đại.

Do nhu cầu của tục chơi tranh tết và thờ cúng, tranh dân gian phải có số lượng lớn nên ở nước ta từ lâu đã biết đến kỹ thuật khắc ván đề in. Vào thời Lý thế kỷ XII đã có gia đình chuyên làm nghề khắc ván, cuối thời Trần đã in được tiền giấy, đến thời Lê sơ lại tiếp thu trên kỹ thuật khắc ván in của Trung Quốc và có cải tiến thêm một bước nữa. Cũng từ đây, trong dòng chảy của Mỹ thuật dân gian bắt đầu có sự phân hóa để mỹ thuật dân gian ngày càng đậm nét.

Trong bối cảnh đó, đến thời Mạc thế kỷ XVI tranh dân gian phát triển khá mạnh, được cả các tầng lớp quý tộc ở kinh thành Thăng Long treo vào dịp Tết mà bài thơ Tứ thời khuê vịnh của nhà thơ đương thời Hoàng Sơ Khải đã xác nhận sự hiện diện của các loại tranh thờ, tranh gà và tranh Tố nữ.

Chung Quỳ khéo vẽ nên hình

Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà

Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm

Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ dương.

Bảo tàng lịch sử (Hà Nội) còn giữ được những ván khắc ghi năm Minh Mạng thứ 4 (tức 1823). Trong phả hệ các gia đình làm tranh, tính ngược lên thì đến thế kỷ XVIII – XIX tranh dân gian Việt Nam đã ổn định và phát triển cao đến 1945.

Địa bàn làm tranh dân gian dàn trải trong cả nước nhưng dựa theo phong cách nghệ thuật và kỹ thuật in vẽ, cùng với nguyên vật liệu làm tranh, ta có thể quy về một số dòng gọi theo tên những địa danh sản xuất.

Phổ biến hơn cả là tranh điệp Đông Hồ ở đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ nông dân thuần túy – Từ tờ giấy dó, nghệ nhân quét lên lớp điệp với những nét song hành mềm mại và phủ đầy những ánh bạc lấp lánh, có khi còn lướt thêm nước hòa hòe vàng ươm hay nước gỗ vang đỏ cam, toát lên màu sắc rực rỡ sang trọng. Trên nền giấy ấy, một số tờ tranh chỉ cần diễn hành bằng nét đen và in thêm một màu đơn sơ mà thật cô đọng, phần lớn bảng màu của tranh đều lấy chất liệu từ trong tự nhiên như trắng của sò điệp, đen của than là tre già, đỏ của gỗ vang, xanh của lá chàm, vàng của hoa hòe, … rồi nhờ kỹ thuật pha chế hoặc in chồng màu tạo thêm một số màu nữa. Những màu nguyên ấy đều được in  mảng bẹt cạnh nhau không cần màu trung gian, cứ tôn nhau, minh bạch mà động rộn như một vũ điệu.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!