Tranh thờ

Tín ngưỡng thần linh và tổ tiên là một phong tục cổ truyền, tự nhiên của nhiều dân tộc trong vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Biểu hiện thường thấy ở việc thờ cúng: trời đất, núi sông, thổ địa, thổ công, thành hoàng làng xã, Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), tổ iên (cụ kỵ ông bà hai bên nội ngoại), có khi thờ cúng cả các linh vật (long, ly, quy, phượng, hổ, voi, …)

Trong các tiết lễ theo mùa màng và giỗ chạp húy kỵ, đã có đủ các hương vị, sắc màu nhưng vẫn không thể thiếu mỹ thuật dân gian. Toát ra từ tâm hồn, ứng hiện nơi bàn tay (không qua trường lớp) dân gian đã sáng tạo ra tranh thờ.

Căn cứ vào số tranh hiện còn, có thể thấy diện mạo của tranh thờ của các địa phương miền xuôi, miền núi, kẻ chợ, thôn quê thuộc các dân tộc Việt.

Miền xuôi có tanh Hàng Trống (hà Nội cũ), Đông Hồ, yên Dũng (Hà Bắc), Kim Bảng, Hoàng Bảng (Hoài Đức). Trung du có tranh Vũ Di (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú), Nghệ An, Hà Tĩnh, tranh Nam Chấn, Nam Hoàng (Nam Đàn), Độc Lôi (Quỳnh Lưu). Miền núi có tranh Bạch Thông, Bắc Hà, Hà Tuyên; tranh Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Cạn), tranh Trùng Khánh, Hà Quảng (Cao Bằng), tranh Đồng Mỏ (Lạng Sơn), tranh Đông Khê, Thất Khê, …

Ở đồng bằng phổ biến là tranh của người Kinh. Ở các tỉnh miên núi Việt Bắc có tranh của người các dân tộc: Tày, Nùng, Mèo, Dao,Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ, …

Biết được điều này nhờ một phần ở chữ ghi trên tranh. Rõ nhất là hình thức chữ vuông: chữ Hán, chữ Nôm Việt, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, chữ vuông Dao, … Tất nhiên và đảm bảo hơn là nhờ vào sự lý giải của người hiểu biết tại địa phương có tranh. Sự đoán định dù thông minh đến đâu cũng khó tránh khỏi sai lầm.

Tranh thờ có khi chỉ một bức đơn độc, có khi thành một bộ 2 hay  3 bức. Có trường hợp chẵn 4 hay 6 bức, như của người Tày Việt Bắc thường gọi là ‘Sli tống’ hay ‘lộc tống’. Cũng ở người Tày, độc đáo hơn, còn có tranh thờ khắc gỗ liên hoàn bao gồm nhiều tiết đoạn, mỗi tiết đoạn vẽ trọn vẹn một nội dung hình ảnh.

Đề tài và thể loại phong phú, có thể thấy mấy loại:

  • Tranh thờ liên quan đến trời đất, núi sông. Như các tranh: Thiên phủ, Địa phủ, Dương khố, Địa khố, Thủy khố, Địa tranh, Ngọc Hoàng, Nhật Nguyệt,Nam Tòa, Bắc Đẩu, Thiên sư, …
  • Tranh thờ liên quan đến các vị thần thuộc truyền thuyết dân tộc. Như các tranh: Bàn Cổ, Đại Đường, Hải phiêu, Đặng Nguyên sư, Triệu Nguyên sư, Thần Nông, Bà Chúa Thượng Ngàn, Tam Thanh, Thái Thanh hoặc Thái Thanh Cung, Thượng Thánh, Ngọc Thanh, Thái Thượng Lão Quân, Táo lệ, có nơi còn gọi ‘chạy giấy’. Pù Luông Dá Cái (Ông To Bà Lớn), mẻ Bio-óc (mẹ Hoa), Tua Gạn Gộc (Người Chim), Phân Khấu Nhường S-lửa (Nhường cơm sẻ áo), …
  • Tranh thờ liên quan đến Đạo Phật. Như tranh vẽ cảnh Thập điện Diêm vương hay Thập điện chuyển luân, Cứu khổ hay Cứu khổ nạn, Quan Âm hay Quan Âm thuyết pháp, Chân nhân, Tổ Tây đạt ma, Hộ pháp, Phật Tam Thế, Đức Di Lạc, Ông Thiện, Ông Ác, …
  • Tranh thờ liên quan đến linh vật. Như các tranh: ngũ dinh (5 ông hổ), Ngựa hồng, Ngựa bạch, Ngọc tượng (voi ngọc), Bạch tượng (voi trắng), Thanh sư (Sư tử xanh), Long đầu (đầu Rồng), Ly, Nghê, Qui (Rùa), Phượng (con phụng và con hoàng), Hạc, …
  • Tranh thờ tổ tiên. Như các tranh: Uống nước nhớ nguồn, Kakun (tổ tiên), lễ mặn, …

Có thể nói tranh thờ gắn liền với phong tục tập quán, các quan niệm xưa về tín ngưỡng dân gian và nhận thức sơ thủy về thế giới, vũ trụ. Nhìn lại tranh thờ không những có ích cho ngành lý luận lịch sử mỹ thuật hội họa mà còn có ích cho ngành nghiên cứu nhân văn ở nước ta.

PTS. Cung Văn Lược, trích trong sách ‘Cổ vật Việt Nam’

Viết một bình luận

error: Content is protected !!