Trăm năm trước, những năm đầu của thế kỷ 20, Đờn ca Tài tử – một hình thức giải trí kết hợp giữa Nhã nhạc Cung đình và Các làn điệu dân gian – ra đời. Ban đầu họ là một nhóm nhỏ vài người, đôi khi chỉ một người vừa ôm đờn vừa hát, biểu diễn trong những lúc thảnh thơi. Họ vốn là di dân, tới vùng đất mới chẳng bao lâu, và họ ưa thích cuộc sống rày đây mai đó. Hễ nơi nào đất lành nước ngọt thì họ tới và lúc này theo cùng họ là những bài ca, điệu hát ngày đêm vang vọng.
Dần dần, lời ca tiếng hát, những điệu đờn ngẫu hứng cũng trở thành bài bản, được chắt lọc tinh túy qua thời gian và bằng sự tài hoa của rất nhiều người. Từ Đờn ca Tài tử với những bài bản vắn, dần dần phát triển múa – ra bộ kèm theo, rồi những tích xưa chuyện cũ được đưa vào thành tuồng, thành vở. Họ không chỉ là nhóm nhỏ vài người mà cùng nhau lập thành gánh, thành đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Đối với họ, biểu diễn trở thành nghề mưu sinh cũng là sự say mê theo đuổi.
Năm 1920, cái tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh 1920 với câu liên đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn chương.
Thời gian trôi qua, những biến đổi của thời cuộc của kinh tế đã làm vùng đất và con người vùng đồng bằng Nam bộ thay đổi. Nhưng người ta vẫn còn giữ được sự say mê đối với đờn ca, nhất là những bài bản tài tử hay những tuồng cải lương đậm chất quê hương. Mỗi lần tiếng đờn cò kéo lên, tiếng đờn tranh khảy khúc thì lòng ai cũng sẽ mềm lại, thả hồn vào giai điệu trầm bổng đó.
Năm nay, 2018 được chọn để kỷ niệm 100 năm Đờn ca Tài tử – Cải lương, có rất nhiều các hoạt động diễn ra ở Sài Gòn và khắp vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhà hát Trần Hữu Trang có tổ chức trưng bày các tiểu cảnh để giới thiệu về trang phục, đạo cụ đã từng được dùng trong các đoàn hát xưa. Qui mô của buổi trưng bày không lớn cũng không thể đầy đủ như mong đợi của tôi. Nhưng tôi hiểu, đây chỉ là một hoạt động rất nhỏ trong tổng thể các hoạt động đã và đang diễn ra trong năm nay 2018 và năm sau 2019.
Bên dưới là vài hình ảnh tôi chụp lại trong buổi trưng bày ở Nhà hát Trần Hữu Trang ở Quận 1, Sài Gòn.
Quý độc giả có thể coi thông tin chi tiết trên một bài báo của báo Người lao động Online của phóng viên Thanh Hiệp.