Cữ cà phê cuối năm cùng Công tử (Hay những phát hiện mới nhất về gia tộc Công tử Bạc Liêu)

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn: Tài liệu điện tử – Thư viện Tổng hợp Tp. HCM.


Không dưng chiều cuối năm, tôi lại nhận được một cú phôn từ Bạc Liêu. Cứ ngỡ chuyện rối rắm công việc, hóa ra công tử Khánh rủ về quê ăn Tết. Lời mời bất chợt công thêm người nhắn lại là công tử Khánh nên vui. Một năm trước, công tử Khánh từng xuất hiện trên TNBNS Xuân năm con Cọp. Mọi người biết đến ông không chỉ vì ông gọi công tử Bạc Liêu bằng cậu mà công tử Khánh còn là một “hậu duệ” cuối cùng, xứng đáng với bao tật thói ăn chơi ngút trời.

Còn nhớ sau khi bài báo phát hành, ông đã đến nhà và hóm hỉnh bảo nhỏ: “Nói thiệt với cô chứ tui mà bằng cái lai nào so với ổng. Nói tới công tử Bạc Liêu là già trẻ lớn bé xứ này đều biết nói đến cậu Ba Huy. Tui ăn chơi cỡ nào rốt cục muôn đời cũng chỉ là cái bóng của ổng thôi”.

Tôi chợt phì cười nhưng rồi khi nhìn khóe miệng khinh mạn cộng với cung cách cầm ly cà phê hết sức trễ nải, quý phái lại nghĩ thầm: “Quái, cái ông công tử này đã ngoại lục tuần mà sao cứ như muốn trêu ngươi cùng thời gian”. Nhưng lý do để ông cất công tìm tôi trút bầu tâm sự lại là … đồ cổ trong gia tộc.

ông bảo, cách đây ngót 25 năm, trong một lần lên Đà Lạt săn thú, lão gia quản lý biệt thự của gia tộc Hội đồng Trạch có cậy ổng về hỏi cậu Ba Huy, cậu Hai Dinh về một cây kiếm cổ. Theo lão quản gia, cây kiếm đó là của “bà quốc mẫu” xứ Ba Lê tặng cho “quan 5 Trần Trinh Trạch”. Và công tử Khánh lại nheo nheo mắt bảo nhỏ:

– Bộn bạc đó cô.

Tôi gạt đi.

– Trời đất, từng ấy thời gian qua đi rồi. Bộ không bao giờ ông nghĩ đó chỉ là chuyện phù du. Nói chuyện khác nghe chơi đi ông Khánh.


Cội nguồn gia sản công tử Bạc Liêu

– Cô biết không, gia sản ông ngoại tôi (Hội đồng Trạch, cha ruột công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy – NV) thoạt đầu không phải do bóc lột tá điền như người ta nghĩ đâu. Tui ở trong nhà, tui biết rành lắm.

Dù đã lờ mờ biết nhưng tôi vẫn bất ngờ khi nghe ông Khánh tâm sự. Hóa ra, gia sản ông Hội đồng vẫn không bằng một lai nào khi so với cha vợ – bá hộ Bi. Ông bá hộ Bi có đến 7 vợ và trên 10 chiếc ghe chài – một gia sản lớn lao vào lúc bấy giờ.

Hồi môn của các cô con gái đủ để người ta khỏi phải bươn chải kiếm sống thêm. Thế nhưng, các ông con rể của bá hộ thấy đồng tiền sao kiếm dễ quá nên cứ lao vào hút sách, bài bạc đến độ vầm cố lần hồi.

Riêng ông con rể Trần Trinh Trạch không chỉ biết hưởng mà còn làm cho của hồi môn của vợ sinh sôi, nảy nở. Nhiều ruộng vườn mà các anh em cột chèo cầm cố rốt cùng cũng lọt vào tay ông.

Theo trí nhớ của dòng tộc, thì ông Hội có đến 69 ngàn mẫu ruộng, trên 10 cơ sở muối, toàn bộ 2 dãy phố lầu ở Bạc Liêu, một dãy phố lầu ở đường Gia Long, Sài Gòn cũ. Riêng bunggalo mà trước là nhà cầm đồ cộng với hãng rượu ven sông là gia sản các con rể bá hộ Bi cầm cố.

Khi thấy tôi thắc mắc, bộ ông hội đồng hồi đó là tay tổ cờ bạc hay sao mà dám rủ rê các địa chủ đánh bạc để lấy đất, lấy ruộng một cách hợp pháp.

Công tử Khánh cười ngất và bảo:

– Tui nói sợ cô không tin, chớ Băng bạc Chà hồi đó phải tán gia bại sản vì rủ ông ngoại tôi đánh bạc. Vài năm sau đồng tiền có giá, ông ngoại tôi biết ơn Băng bạc Chà hết biết (!).

Nhưng quả là ông trời có luật bù trừ, gia sản nhứt đố, đổ vách chớ nào mấy người được hưởng. Giàu cỡ đó, mua gan rồng còn được vậy mà hễ bà hội đồng Trạch đụng tới một miếng thịt, một đùi gà là ói đến mật xanh, mật vàng. Tư niên mãn mùa bà chỉ ăn cơm với cá kho quẹt thật mặn hoặc ba khía.

Dòng tộc lén lút truyền miệng rằng bà hội đồng là thần tài giữ của cho gia tộc Trần Trinh. Riêng ông lớn Trạch hồi đó nhất luận thế nào cũng phải ăn một mâm riêng, đi cầu thang riêng. Nhưng chuyện ăn mặc cũng rất đơn giản, không đi ra ngoài thì thôi, ở nhà ông vận độc chiếc áo túi hàm ếch màu trắng.

Có lúc lên hầu ông ngoại, công tử Khánh nhìn nhầm ông hội đồng là chú Trội – vị quản gia thân tín nhất của gia tộc. Và ngay cả cậu ba Trần Trinh Huy lúc đã ở Sài Thành hoa lệ, tháng nào cũng mướn dàn nhạc sống về để lấy le với tiếng hát á phiện Thanh Thúy, mở tiệc Tây liên miên cũng chỉ khoái về quê để được ăn ba khía.

Ông Khánh còn nhớ, hồi đó nhà công tử Bạc Liêu ở gần nhà Phó Tổng thống chế độ cũ Nguyễn Ngọc Thơ ở miệt Phú Nhuận. Ai đến nhà cậu Ba chơi đều “hưởng xái” được lính bên phủ Phó Tổng thống xét đồ. Muôn lần như một, mỗi khi xét giỏ ông Khánh, thấy mắm ba khía tụi lính gác đều vặn vẹo:

– Mẹ, công tử thứ thiệt gì mà ăn đồ thúi vậy. Bộ hết chuyện chơi ngông hả?

Ông Khánh cười tủm tỉm bảo:

– Cậu Ba tui mướn Tây nấu ăn để giựt le, để có cảm giác sai dân Tây cho sướng đời, chớ ổng ham hố gì ba cái bánh lạt, bơ nhạt. mà tui nói thiệt cô nghe chơi nghen, ổng lấy vợ Tây cho vui vậy, chớ có thấy ổng bả ở chung được mấy ngày .. (!).


Về hai đám tang “danh tiếng” nhất xứ lục tỉnh và lời nguyền của thầy phong thủy

Nhâm nhi xong ly cà phê, công tử Khánh đột ngột cho tôi hay đến kỳ Thanh minh năm tới bà vợ nhỏ công tử Bạc Liêu – sẽ về Bạc Liêu thăm nom lại mồ mả của dòng tộc bên chồng.

– Hồi đó, cậu Ba tôi ở Sài Gòn còn bả đang bán bánh mì ở đường Gia Long mới 17 tuổi. Mợ Ba tui hồi con gái đẹp lắm. Mà hổng đẹp cậu Ba đâu có bỏ ra 50 ngàn đồng bạc Đông Dương để mua.

Tiếng là Mợ nhưng tuổi của mợ út cũng chỉ xấp xỉ tuổi thằng cháu trời đánh – như lời công tử Khánh bảo.

Mỗi lần về Bạc Liêu, bà hay rủ công tử Khánh giăng một cái mùng thật rộng ngay giữa nhà để rồi cả mợ, cả cháu, cả cậu ngủ chung cho .. đỡ sợ ma 9!).

Ông hội đồng Trạch mất năm 1942 tại Sài Gòn vì bệnh suyễn. Lúc đó, cậu Tám Bò – Trần Trinh Khương sống bên Pháp đã về Việt Nam. Không có tiếng chơi ngông bằng ông anh Ba Huy, nhưng để “xứng mặt” cậu Tám cũng đã nghĩ đến một chiêu khoe mẽ độc đáo.

Một chiếc Chevollet được điều đến và ông hội đồng được đeo kiếng đen đặt ngồi ngay ngắn trong xe. Khi về đến địa phận Bạc Liêu, tá điền hai bên đường cứ cúi đầu cung kính vì ngỡ .. ông hội đồng đi thăm ruộng.

Đến khi gia tộc phát tang mọi người mới bật ngửa. Đến nay, thời gian qua đi khá lâu nên dân cố cựu Bạc Liêu không còn nhớ rõ chi tiết. Người thì bảo xác ông hội đồng quàn 1 tháng, kẻ thì bảo 7 ngày. Nhưng ai cũng nhớ, người đi đưa đám đông vô số kể. Khúc đầu dòng người đưa tiễn về đến Cái Dầy, Vĩnh Lợi; khúc đuôi vẫn còn loanh quanh trong khu phố cố. Tôi trộm nghĩ, có đến 5 cây số quốc lộ chớ chẳng chơi (?). Trâu, bò, gà, vịt chết la liệt lội nước hột é đã phải quậy bằng mái dầm để la liệt quanh nhà. Tá điền các nơi về ăn nhậu thỏa thích 7 ngày 7 đêm.

Nhưng đám ma ông hội đồng thấy vậy vẫn không danh tiếng bằng đám ma bà hội đồng 5 năm sau đó. Chuyện thì hơi dài dòng, nhưng là vầy. Sau khi ông hội đồng mất, thấy cảnh nhà trống vắng, đơn chiếc bà hội đồng qua Pháp ở với cô cháu gái tên là Hai Lưỡng. Cô Hai này trước là vợ một viên quan cận thần của vua Bảo Đại nhưng sau ly dị qua Pháp làm vợ một ông thị trưởng. Chẳng may, thưởng ngoạn cảnh hoa lệ phố phường Ba Lê không bao lâu bà hội đồng qua đời.

Và theo những người còn lại trong gia tộc, viên thị trưởng nọ đã đặt một quan tài có nắp bằng kính để tỏ lòng hiếu thảo với ngoại vợ và còm-măng hẳn một chiếc phi cơ chở quan tài về Việt Nam (!).

Tiếng đồn cón nhanh hơn tốc độ phi cơ. Khi đưa được quan tài về khu mộ gia ở Cái Dầy thì dân lục tỉnh đã đổ xô về vô kể. Họ muốn lần đầu tiên nhìn thấy một quan tài bằng kiếng. Và khuôn mặt bà hội đồng đã được dồi phấn rực rỡ hiển hiện sau khung kính quan tài càng làm cho dòng người đổ về thêm đông.

Tôi chợt hiểu, chuyện đến mức đó thì việc chụp ảnh, hay quay phim lúc bấy giờ nào có khó khăn gì với gia tộc công tử Bạc Liêu.

Chợt công tử Khánh trầm giọng bảo:

– Phải hồi đó, các cậu tôi nge lời ông thầy phong thủy giờ đâu đến nỗi.

Trời đất, thêm một nhân vật lạ hoắc nào đây – tôi nhủ thầm. Cũng theo lời ông Khánh, lúc chọn đất để chôn cất, gia tộc có rước về một ông thầy phong thủy nghe đâu danh tiếng nhất xứ Sài Gòn Chợ Lớn.

Nhìn trước, nhìn sau, bấm quẻ thế nào ông thầy phán một câu:

– Tiếng ông hội đất đai lớn vậy nhưng không có chỗ chôn. Không cải số được. Phải chịch qua vài tấm đất ngay miếng đất hàm rồng, ráng nói khó với người ta để xin cho mình một công đất làm mộ gia. Còn hổng tin tui, tui kỳ hẹn nội trong 10 năm đổ lại không tán gia bại sản tui không làm người.

Dĩ nhiên, tin thì tin, nhưng trong gia tộc lại bàn tán chẳng lẽ điền đất cỡ đó lại phải xin một thẻo đất để chôn, tiếng tăm đồn đãi đến bao giờ mới hết. Vả lại, gia sản cỡ đó có nằm mơ cũng xài không hết, rồi lãi mẹ đẻ lãi con nói chi đến chuyện tán gia bại sản. Ngay cả chuyện cụ cố Ngô Đình Cẩn từ miền Trung đánh tiếng vào mua lại một chiếc sập gụ với giá .. 1 triệu bạc, các công tử còn không buồn trả lời, huống chi … Vậy là, các cậu công tử cho một chiếc xe đưa lão thầy về Chợ Lớn sớm cho … khuất mắt.

Ngay sau đó, một khu mộ gia sừng sững bằng đá hoa cương, cẩm thạch mọc lên. Lời nghiệm của lão phong thủy có ứng hay không thì chẳng biết. Có điều khu lăng mộ lộng lẫy kia lại là một dấu chấm hết cho một gia tộc lẫy lừng đang lần hồi lụn bại.

Ngoắc một chiếc xe lôi bằng cái búng tay điệu nghệ, công tử Khánh từ giã tôi không quên hạ giọng bảo:

– Cô đọc Trăm năm cô đơn của Mác-kết rồi phải không. Phả hệ Trần Trinh rối rắm, ly kỳ không kém đâu cô à. Bữa nào rảnh tui kể cho nghe.

Tôi há hốc miệng sửng sốt, nhưng chiếc xe lôi cọc cạch đạ khuất dạng. Tôi biết, tôi lại phải đi kiếm cái lão ngoan đồng này không chỉ một lần nữa trong đời.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!