Hát bội hay hát bộ – Phần 4

Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.

phần 1     phần 2     phần 3

Các điệu ca ra bộ, hát bộ và cải lương sau nầy đều chịu ảnh hưởng các buổi hát những kỳ bãi trường do các trường trung học Taberd, Mỹ Tho, trường tỉnh Sóc Trăng dưới thời ông đốc Tây Francois Gros dạy và tập hát theo kiểu hát Tây Phương, sau người mình áp dụng qua điệu hát mới, trước khi đặt tên là hát cải lương. (Ông Francois Gros bị bịnh bại hai chưn, nhưng dạy rất giỏi. Tôi còn nhớ một năm bãi trường lối 1913-1914, ông dạy hát bằng tiếng Pháp, có một cậu học trò lớp nhứt hát y hệt Tây, rất được hoan nghinh, và cậu ấy là Trần Quang Cảnh, không ai khác hơn là cha của kép Hữu Phước ngày nay đó). Chúng ta không nên vong bản và quên ơn các nhà tiền bối, phần đông là các giáo sư trường Pháp, đã có sáng kiến dìu dắt và dạy cho ta biết một nghệ thuật hát ca khác với điệu hát bội thời ấy. Tỉnh Sóc Trăng tuy bé nhỏ nhưng đào tạo rất nhiều đào kép cải lương danh tiếng. Vì việc xảy ra lâu quá tôi không nhớ rõ lắm, nhưng nhớ mại mại vào những kỳ bãi trường năm 1920-1921-1922, (tôi lên học từ tháng 9 năm 1919), từ trường Sài Gòn trở về xứ, mỗi kỳ tôi đều có xem tập tuồng hát cải lương trong xóm nhà lá phía sau trại lính Mã tà. Đây là bước sơ khởi của gánh ông thầy thuốc Trần Văn Minh, lương y sở tại. Ông Minh học thuốc ở Hà Nội về. Ông gốc gác ở Mỹ Tho, cho nên tôi định nhơn một dịp nào đó ông về xứ thăm quê hương, ông gặp cơ hội xem diễn cải lương. Bận về Sóc Trăng, sẵn tiền sẵn thế lực lại sẵn nghề mới dễ hốt bạc, ông bèn lập gánh. Gánh nầy lấy hiệu là gì tôi kho6ng nhớ, nhưng thấy trong tập “Nghệ thuật sân khấu Việt Nam” của ông Trần Văn Khải trang 20, thấy viết Sóc Trăng có gánh Tân Phước Nam, tôi định ắt là gánh nầy.

Cô Ba Nhàn, Hai Nhỏ, Ba Thẹo, Bảy Cừ, kép Tư Út (Phạm Thế Đẩu)

Gánh thầy thuốc Minh diễn được đôi ba năm, làm không lại các gánh khác nên dẹp, trong gánh tôi còn nhớ các cô đào, nhớ cả đến tên: Hai Nhỏ, Thẹo, Cừ, nhưng trội nhứt là cô Ba Nhàn, sau đi gánh Trần Đắc và thác sớm vì bịnh ho lao. Bên phe kép có anh Được, học trò lớp nhứt trường tỉnh, anh giễu tỉnh khô và duyên dáng, tưởng có tương lai nhiều, ngờ đâu số không được thọ. Một kép chưa phát và còn mai một là Tư Út Phạm Thế Đẩu, về sau là kép nhứt của gánh Phụng Hảo. Tư Út có người anh là giáo viên dạy ở Bang Long (Giếng Nước) quận Long Phú (Sóc Trăng). Nhờ anh nuôi dưỡng và cho ăn học, nhưng Út có nghiệp Tổ nên thôi học sớm để nhảy qua nghề ca xướng. Cho đến nay tưởng kép Thành Được chưa hơn tài và người ca hay nhứt vẫn xưng Út Trà Ôn để nhắc danh một thiên tài sớm khuất, một ngôi sao rực rỡ nay đã tắt và chưa có thay thế.

Về thầy tuồng của gánh thầy thuốc Minh, có đến ba người: người lãnh vai đạo diễn là thầy Tư Quốc, làm y tá trên dưỡng đường tỉnh lỵ; ngoài ra còn có ông giáo Quyền và ông giáo Trần Tấn Chức trông nom đặt để các vở tuồng, cả hai cùng dạy trường tỉnh Sóc Trăng, ông Quyền da5y lớp tư, ông Chức dạy lớp nhì, cả hai đều học vấn uyên thâm. Ông Chức, thầy của tôi, là một người học rộng, giỏi cả Pháp văn và Việt Ngữ. Tỷ dụ khi ông soạn tuồng Châu Mãi Thần ky thê, khi ông đặt tờ để vợ, ông viết nhiều câu ngộ nghĩnh. Tôi nhớ bản Văn Thiên Tường, câu nhứt vô là “Châu Mãi Thần ký tờ thơ vu …” và trong một bản Hành Vân khác, ông lại viết: “hạ ly tờ, v.v …” Rõ ràng là ông đã lột ý và chuyển từ văn của Pháp câu “Je soussigné, etc …”, ngộ chưa? CỐ nhiên những bài ca của ông Chức và ông Quyền đặt, đượm nhuần văn chương, tiếc thay tôi khi ấy đã đi học xa nên không giữ được bài nào để làm kỷ niệm. Anh em đồng học với tôi, như ai có, xin làm ơn cho tôi xin một bản với.

Cô Kiều, Bảy Cảnh

Cũng trong gánh thầy thuốc Minh ở Sóc Trăng có cô Kiều ca khá nhứt. Đây là thân mẫu của kép Hữu Phước của gánh Thanh Minh Thanh Nga. Trong gánh về dàn đờn có trưởng tòa Cảnh (Trần Quang Cảnh) là cố thân sinh kép tài danh Hữu Phước. Cậu Bảy thiện nghệ cây vĩ cầm, đờn bản Vọng cổ điệu cũ không chỗ chê và cùng vói thầy Bảy Thông dạy trường Bố Thảo (Thuận Hòa, Sóc Trăng) chuyên môn cây mandoline, là hai người đầu tiên phổ nhạc Việt qua đờn Tây chợ Sóc Trăng thuở ấy.

Trong khi ở Sóc Trăng có ông thầy thuốc Minh lập gánh thì đồng thời có nhiều gánh khác được lập ra, như tại Châu Thành, Mỹ Tho, có:

  • Toàn nữ ban Trần Ngọc Viện, trong gánh đào tạo được một ngôi sao rạng rỡ là cô Năm Phỉ.
  • Gánh Ông Hai Cu. Tương đương với gánh Cô Ba Viện, có ông chủ lò thợ bạc là ông Hai Cu lập trước gánh Đồng Bào Nam, để rồi sau cho rã và lập lại gánh “Tái Đồng Ban”, vì việc nầy xảy ra ở Mỹ Tho, nên tôi không biết rành lắm. Trong gánh có kép Giỏi là phát mau, đầy hứa hẹn rủi lại mất sớm. Trong tập ”Những mảnh tình nghệ sĩ” của Sĩ Tiến, Chân Lý, Hà Nội xuất bản, 1952, trương 135 có đoạn viết cảm động, tôi xin chép y nguyên văn:

”Nói đến đây, Tư Út vào mở rương lấy ra một tấm hình cho tôi (Sĩ Tiến) coi, rồi nói: – ”Đây là hình anh Hai Giỏi, một kép hát độc nhứt vô nhị của sân khấu cải lương Nam kỳ. Người đã chiếm được trái tim cô Năm Phi lần đầu tiên và dìu dắt ngôi sao rực rỡ nầy trở nên một cô đào có tiếng tâm lừng lẫy.

Ở trong tôi một hôm diễn ”Tham phú phụ bần” anh Hai Giỏi vì đau nặng không thể ra trình bày tài nghệ được; khán giả la ó, bắt chủ gánh phải khiêng cái thân hình khẳng kheo, với một mặt nhăn nhó của anh ra sân khấu cho xem rồi mới chịu ngồi cho đến tan, nếu không họ sẽ đòi tiền lại. 

Anh đã làm tròn sứ mạng một kịch sĩ tiền phong, cho tôi noi theo tấm gương xán lạn.

Khi anh nhắm mắt xuôi tay trút hơi thở cuối cùng, sân khấu miền Nam mất một kịch sĩ hy sinh tận lực với nghề. Cả ban đồn nghiệp bùi ngùi cảm động. Nhứt là Cô Năm Phỉ là người đau đớn vô cùng, vì trên đường đời, không những hai người dở dang sát cánh nhau, ngắm hoa thơm cỏ lạ, mà còn thiếu một đôi tri kỷ có tâm hồn yêu nghệ thuật hơn tình ái. Cô kêu trời dậm đất lăn sả vào chiếc quan tài đã phủ che một kiếp tài hoa bạc số mà tương lai còn hứa hẹn nhiều với Hý trường.

Than khóc chán rồi, ý giả muốn ghi lại một kỷ niệm chua xót những ngày chung sống với người kịch sĩ đại tài, cô vỗ trên mặt quan tài rút tơ lòng ca hết bài “”Văn thiên tường Bá Lý Hề” mà lúc sống anh Hai Giỏi đã tập luyện cho Cô.

Nói xong với cây đờn kìm, Tư Út vừa đờn vừa ca Văn Thiên Tường lớp I cho tôi nghe như sau:

Vì tình kia, cái thân sanh sao đắng cay?

Thương thay! Đương khi gian truân, bâng khuâng trong lúc chia tay, yếu lụy nhỉ cùng chàng,

Vì tình nhà hàn vi, nên mới sanh ly;

Đưa nhau bắt tay dặn dò, đến luc đắc lộ người có nghĩ tới chút tình Tào Khang?

Tay dưng chén nầy hôm nay, khuyên lương nhân, vững lòng ruổi dung vào đến nước Tần,

Cách núi ải, bước như vực thẳm ráng dò,

Lo trong khi, qua đèo ải ngang gành đá chập chồng, 

Qua đến chốn, sớm thư nhạn tả mấy hàng, cho hản, cái điều ấm lạnh đường nào,

Thiệt thảm thiết thương kẻ nhà ngồi trông

Thiệt rất bận tấm lòng,

Xa xôi luống thảm cho chồng, lướt bụi hồng dày thân …”

Ca dứt, Tư Út nói: – Cô ca xong bài tôi vừa ca, mới cho phép đưa quan tài người yêu ra để chiếc xe tang lên đường vĩnh biệt.”

(Sĩ Tiến.Những mảnh tình nghệ sĩ, tr.135-137).

Coi phần tiếp theo

Viết một bình luận

error: Content is protected !!