Ở trong khu điều trị nội trú của bịnh viện lúc dịch Covid-19 hoành hành

Từ khi dịch Covid-19 lây lan sang Việt Nam, nhiều việc chưa từng có lại xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn. Chẳng hạn như hình ảnh đường phố khu vực trung tâm vắng hoe (dầu không phải là Mùng Một Tết Nguyên Đán), rồi như cảnh các kệ hàng trống không trong siêu thị.

Đầu năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 càng lúc càng lớn với tốc độ lây lan nhanh hơn và xuất hiện nhiều biến chủng nguy hiểm hơn. Với người mắc bịnh ung thư thì dịch Covid đem tới nhiều nguy hiểm hơn người thường bởi hệ miễn dịch của họ đang rất yếu, không thể tiêm vaccin phòng bịnh và họ có thể bị trì hoãn việc điều trị khi các bệnh viện bị cách ly hoặc phong tỏa. Ngừng phác đồ điều trị giữa chừng có thể làm người bịnh nặng hơn, đôi khi họ phải điều trị lại từ đầu.

Sau ngày lễ 30-4 và 01-5, tình hình dịch bịnh chuyển biến nhanh và thất thường, một loạt các bệnh viện tại Sài Gòn phát hiện các ca nghi nhiễm, rồi xác nhận nhiễm. Từ đó, các bịnh viện lập ra quy trình khám chữa bịnh ngoại trú gắt gao hơn nhằm kiểm soát các ca nghi nhiễm lọt vào trong. May mắn thay, các bịnh viện rất lưu tâm và ưu tiên cho các bịnh nhơn ung thư đang điều trị nội trú và ngoại trú. Sau đó, tôi từ một bịnh nhơn ngoại trú trở thành bịnh nhơn nội trú trong vòng sáu tuần.

Ban đầu, khi bác sĩ báo rằng tôi phải nhập viện điều trị thì tôi và người nhà đều hơi hoảng vì tưởng bịnh tình có vấn đề. Lúc bác sĩ giải thích rằng việc điều trị ngoại trú sẽ dễ làm lây lan dịch trong bịnh viện; vào nội trú sẽ an toàn cho bịnh nhân, y bác sĩ và người nha hơn. Ừm, tôi nghĩ vào viện sáu tuần cũng không phải không thể. Vừa nghĩ tới đó thì nghe loáng thoáng có người nhà của ai đó nói điện thoại rằng cô ấy đã ở đây hon hai tháng rồi. Haiz, hóa ra mình không phải là trường hợp ‘xấu nhứt, … nhập viện thôi.

Vì sức khỏe tôi đã hồi phục rất tốt, có thể tự lo việc ăn uống và sinh hoạt nên không cần có người nhà ở cùng. Một mình sắp xếp đồ đạc rồi nhập viện. Mặc dù tôi đã làm test nhanh ngoài cổng nhưng vẫn phải ở phòng cách ly một đêm, làm test PCR một lần nữa mới được vào khu vực nội trú. Khi gặp các bịnh nhơn cùng phòng tôi lại cảm thấy có thêm động lực để ”chiến đấu” bởi vì không ít người cũng nhập viện một mình; chúng tôi  cùng cảnh ngộ nên sau vài câu chào hỏi ban đầu liền hỏi thăm bịnh tình và nhanh chóng thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau.

Ở trong khu nội trú vào thời điểm dịch lan rộng ngoài cộng đồng sẽ như thế nào? Chắc chắn là không giống với những lúc ”thường” rồi. Mỗi người mỗi cảnh, vui buồn, lo lắng đều có; điểm chung duy nhất là ai cũng phải cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới. Cuộc sống luôn là vậy!

error: Content is protected !!