Loạt bài viết trong sách Vượt lên nỗi đau của tác giả Melody Beattie trong loạt sách Hạt giống tâm hồn. Sách do First News và Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn lược dịch và phát hành.
Chuyện đời tự kể
Những vị bác sĩ đáng kính bước vào phòng thăm bệnh nhân. Cả căn phòng đột nhiên im ắng, im ắng đến độ có thể nghe rõ cả tiếng máy trợ thở cho đứa con trai 12 tuổi của tôi.
– Cơ hội sống rất mong manh. – Một vị bác sĩ tiến về phía tôi khẽ nói. – Cậu bé đã bị liệt não từ nhiều ngày trước rồi chị à.
– Nhưng vẫn còn hy vọng chứ bác sĩ? – Giọng tôi khẩn khoản.
– Điều đó rất khó. Hầu như chẳn còn chút hy vọng nào,
“Bác sĩ chẩn đoán sai rồi!” – Tôi tự nhủ. – “Chúng ta luôn luôn còn hy vọng mà, dù mong manh nhất”.
– Chị có thể từ biệt với cậu ấy từ bây giờ. Một giờ sáng, chúng tôi sẽ đóng máy trợ thở và chuyển cậu ấy xuống nhà xác của bệnh viện. – Cô bác sĩ lên tiếng.
Tiếng bước chân của họ xa dần và tiếng trò chuyện cũng ngưng bặt. Tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi lẳng lặng bước sang nhà nguyện cùng chồng cũ và con gái. Cầm cuốn Kinh thánh trong tay, tôi thầm nghĩ mình sẽ đọc một trang bất kỳ nào đó và xem đó như một dấu hiệu rằng sinh mệnh của con trai tôi có cơ hội sống sót hay không. Đây là điều trước nay tôi thường làm mỗi khi mất hết hy vọng. Khi yếu đuối và tuyệt vọng, người ta thường tìm đến niềm tin tôn giáo. Trang sách mở ra trước mắt tôi. Tôi lẩm nhẩm đóc. Đó là câu chuyện Chúa đã mang Lazarus từ cõi chết trở về. Ngay cả khi tôi không thừa nhận điều này, tôi vẫn cho rằng đó là một dấu hiệu. Nhưng dấu hiệu ấy có ý nghĩa gì thì tôi không lý giải được.
Tôi trở lại phòng chăm sóc đặc biệt. Mọi người đang lần lượt vào để nhìn thằng bé lần cuối. Sau khi tất cả mọi người đã nói lời vĩnh biệt với Shane, tôi ôm con trai vào lòng. Thân thể con trai tôi đầy những nốt kim tiêm và các ống truyền dịch, trợ thở. Cô y tá lặng lẽ đóng máy trợ thở. Tiếng máy chạy đều đều bỗng im bặt. Một tiếng thở hắt ra. Đó là hơi thở cuối cùng của Shane. Tôi chết lặng.
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi.
– Có lẽ phải rất lâu sau chị mới quen được với chuyện này. Ít nhất cũng phải tám năm sau. – Đó là giọng nói nhỏ và trầm của người y tá. – Thật khó vượt qua chuyện này, chị ạ. Tôi hiểu cảm giác đó, vì con gái tôi cũng đã mất ở tuổi lên chín.
Lúc ấy tôi chỉ muốn hét lên với cô ấy rằng: – Tôi không muốn phải mất con như cô! Tôi không muốn phải vượt qua chuyện này. Chắc chắn bác sĩ đã nhầm lẫn gì đó.
Mãi sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa của những lời động viên ấy và nhận ra rằng mình chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ chịu mất mát, đau khổ trong cuộc sống.
Sau khi con trai qua đời, tôi thường ngồi một mình, chìm đắm trong một không gian riêng với những cuốn sách viết về nỗi buồn, mất mát. Một vài cuốn trong số đó do những người bạn tặng tôi với mong muốn tôi có thể vượt qua nỗi đau. Những cuốn khác do tôi tự mua. Tôi lặng lẽ đọc từng cuốn. Đọc song tôi không xếp chúng lên kệ mà quăng lung tung trong phòng. Không phải bởi chúng không hay. Rất nhiều cuốn trong số đó của các tác giả nổi tiếng. Chẳng qua vì tôi thấy chúng chẳng giúp được gì cho tôi lúc này. Chưa cuốn nào khiến tôi tin rằng giai đoạn khó khăn này chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp. Những cuốn sách ấy không cho tôi một lời an ủi động viên rằng mỗi phút giây tôi đang sống là giây phút đẹp nhất. Đó mới chính là điều tôi thật sự muốn được nghe, rằng khoảng thời gian đối diện với sự đau khổ là khoảng thời gian rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Nhưng, dù sao thì cũng có hai điều giúp tôi nguôi ngoai phần nào nỗi đau. Trước hết, việc đọc những cuốn sách nói về cuộc sống sau cái chết đem lại cho tôi cảm giác rằng con trai tôi vẫn đang bên cạnh tôi và vẫn bình an. Thứ nữa là việc đọc những câu chuyện có thật về cảm xúc của những người từng mất đi người thân, cách họ vượt qua giai đoạn khó khăn ấy như thế nào và điều gì tiếp thêm sức mạnh cho họ đã khiến tôi thay đổi cách nghĩ. Tôi tự hứa với mình rằng tôi phải đi đến nơi có ánh sáng ở cuối đường hầm, tôi sẽ viết một cuốn sách nói về nỗi đau của con người.
Hơn 15 năm kể từ khi con trai tôi mất, tôi mới viết được cuốn sách này. Và cũng chỉ đến lúc đó, tôi mới tìm ra những điều thực sự có ý nghĩa để làm thay vì ngồi than khóc một mình.
Cuốn sách này tập hợp những câu chuyện có thật về những đau thương, mất mát mà nhiều người từng trải qua. Sau khi cuốn sách ra đời, tôi thực sự hạnh phúc khi biết nó nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc. Trước đây, tôi từng cho rằng sự đau khổ nằm trong một góc khuất nào đó nơi đáy sâu tâm hồn, người ngoài khó có thể chạm vào. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng nếu cứ giữ lối suy nghĩ ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ thoát ra khỏi sự đơn độc và bất hạnh của chính mình. Mỗi người đều cần được chia sẻ, cảm thông cũng như biết lắng nghe tâm sự của người khác, nhất là những người cùng cảnh ngộ.
Với tơi, nỗi đau giống như một giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời con người. Nhiều người gọi tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Không, tôi chỉ là một người từng trải qua đau khổ và giờ đây tôi có cơ hội nhìn lại chặng đường mình từng bước qua. Tôi cũng không có tham vọng rằng sẽ vạch ra cho bạn hướng giải quyết mà chỉ hy vọng cuốn sách có thể mang lại cho bạn một chút gì đó an ủi, sẻ chia đối với những mất mát bạn gặp phải. Đồng thời qua đó tôi hy vọng rằng bạn sẽ tìm thấy sự tự tin và biết ình nên làm gì trong hoàn cảnh hiện tại.
Trong số 13 cuốn sách tôi đã viết, đây là cuốn sách có nội dung buồn nhất nhưng lại là cuốc sách mang đến cho tôi nhiều niềm vui nhất. Các nhân vật, câu chuyện, những mảnh đời đau khổ đã dạy cho tôi nhiều điều.
Trước khi đến với từng nội dung cụ thể, tôi muốn chia sẻ với bạn một trong những câu chuyện yêu thích của tôi.
Chuyện kể rằng ngày xưa, có một cô gái khát khao đi tìm tri thức. Cô lưu lạc đến vùng núi ở một miền đất xa lạ, ở đó cô gặp một vị giáo sĩ có tầm hiểu biết nổi tiếng khắp vùng. Cô đã nhờ vị giáo sĩ này dạy dỗ:
– Con muốn có được mọi tri thức trong cuộc đời. Xin ngài hãy chỉ dẫn cho con! – Cô nói với giáo sĩ. – Con sẽ không đi khỏi đây cho đến khi nào học được tất cả những điều ấy.
Vị giáo sĩ dẫn cô gái đến một hang động rồi để cô lại với một đống sách vở. Mỗi ngày sau đó, ông đều quay trở lại và kiểm tra xem cô gái đã đọc đến đâu. Với cây gậy trong tay, ông bước khập khiễng vào trong hang và hỏi:
– Con đã học được tất cả những gì con muốn biết chưa?
– Dạ chưa! – Cô gái trả lời.
Mỗi lần nghe cô trả lời như vậy, vị giáo sĩ liền giơ cây gậy lên và đánh vào đầu cô. Việc này lặp đi lặp lại trong nhiều năm sau đó. Rồi một ngày kia, vị giáo sĩ bước vào hang, lặp lại câu hỏi và lại nghe câu trả lời như trước. Nhưng lần này, khi vị giáo sĩ vừa giơ cây gậy lên, cô gái đã nắm lấy cây gậy. Cô đã biết chống cự lại. Trong đầu cô thoáng qua ý nghĩ rằng mình sẽ bị thầy mắng. Nhưng lạ thay, cô rất ngạc nhiên khi thấy vị giáo sĩ mỉm cười và nói:
– Chúc mừng con, con đã học xong rồi đó. Con đã có được tất cả những điều con cần biết. Con đã học được tất cả những điều con muốn biết và cũng học cả cách thức để không phải chịu đua nữa.
Có thể nói, câu chuyện này bao quát chủ đề của cả quyển sách: Không còn phụ thuộc lẫn nhau nữa – ngừng kiểm soát người khác và bắt đầu chăm sóc bản thân.
Càng về sau này tôi càng nhận thức rõ hơn rằng việc cố kìm nén nỗi đau, phủ nhận mất mát không phải là cách để ta hàn gắn vết thương, mà chính điều đó lại khiến ta luôn bị sự đau khổ dằn vặt, đeo bám và đẩy ta ra khỏi những người thân yêu. Vì vậy, cuốn sách này được viết ra để dành tặng cho những người đang cố gắng đứng dậy sau nỗi đau và những người vẫn đang hoang mang, chưa tìm lại được sức mạnh của mình sau những tổn thương. Tôi muốn giúp những con người đau khổ này đối diện với mất mát và lấy lại niềm tin yêu cuộc sống, quý trọng chính bản thân mình.
Tôi xin được kết thúc phần giới thiệu này bằng một dị bản xuất phát từ câu chuyện một người phụ nữ đến gặp Đức Phật để cầu xin sự giúp đỡ. Không giống cô gái đi tìm tri thức, người phụ nữ này xin Đức Phật giúp bà vượt qua nỗi đau khổ mà bà đang phải gánh chịu.
– Con trai của con đã mất. Xin Ngài hãy mang thằng bé trở về với con! – Người đàn bà nói.
– Được rồi! – Đức Phật đáp. – Nhưng với một điều kiện, con hãy mang đến cho ta ba viên đá. Mỗi viên phải do một người hoặc một gia đình nào đó chưa bao giờ phải chịu đau khổ mài giũa nên.
Người đàn bà vội vã lên đường tìm kiếm. Nghĩ đến việc con trai mình sẽ trở về, nỗi đau khổ trong bà bắt đầu tan biến. Thời gian trôi qua, bà trở nên già nua và qua đời. Khi quay trở lại gặp Đức Phật, bà vẫn chỉ có hai bàn tay trắng.
– Con không thể tìm được người có thể cho con những viên đá như vậy! – Người đàn bà nói với Đức Phật.
– Tại sao lại thế? – Đức Phật hỏi.
– Bởi vì hình như trên đời, chẳng có ai lại không phải chịu mất mát và đau khổ cả, thưa Ngài!
Đức Phật mỉm cười. Lúc này gương mặt người đàn bà kia cũng thấp thoáng một sự thanh thản, bình an.
Sau mỗi nỗi đau, hành trình cuộc sống lại tiếp tục. Chẳng ai trong chúng ta tránh được tổn thương – cả thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta ta vừa là cái duy nhất vừa là cái chung – không quá khác biệt với mọi người. Nếu chỉ bó mình trong cái tôi cô đơn, ta sẽ không nhận ra mình là ai. Nhưng khi biết sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ, ta sẽ có cho mình những tấm gương để soi vào. Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình khi nhìn vào người khác. Dần dần ta sẽ học được cách chấp nhận bản thân, biết mình là ai và mình nên sống thế nào. Và ngay bản thân chúng ta cũng sẽ trở thành tấm gương giúp người khác soi vào. Họ sẽ biết cah61p nhận bản thân cũng như chúng ta từng chấp nhận.
Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ đưa đến cho bạn một cách nhìn đời, nhìn người tích cực hơn.