Khi mất đi người thân

Người đàn ông ngồi tại phòng đợi của bác sĩ để chờ đến lượt khám. Gương mặt ông đầy đau khổ, mắt dán xuống sàn nhà. Thường thì tôi không có thói quen bắt chuyện với người lạ, thế nhưng vẻ tuyệt vọng ở người đàn ông này thôi thúc tôi tiến về phía ông. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh và lên tiếng:

– Tên ông là gì? Ông bị bệnh gì vậy?

– Tôi bị cứng đau nửa đầu? – Người đàn ông đáp. – Đau dữ dội. Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau tôi mới phải chịu. Con gái tôi qua đời rồi!

Đột nhiên ông ấy bật cười. “Vấn đề chính là ở đó” – Tôi thầm nghĩ. Tôi nhớ các giáo sĩ Tây Tạng từng nói rằng, có rất nhiều ngôi đền ẩn giấu trong các thành phố trên thế giới. Những ngôi đền này nằm ở những nơi dễ thấy nhất nhưng chỉ những người để ý mới thấy được. Mỗi người trong chúng ta đều che giấu trong mình một ngôi đền riêng. Và với người đàn ông đang ngồi cạnh tôi lúc này, đó là Ngôi đền của sự đau khổ.

Tôi đặt tay mình lên vai ông ấy, khẽ nói:

– Tôi không biết cảm giác của ông hiện giờ ra sao nhưng tôi hiểu cảm giác của chính mình khi đứa con trai 12 tuổi của tôi qua đời. Đó là sự hụt hẫng và đau đớn.

Lần đầu tiên trong suốt cuộc trò chuyện, ông ấy ngước mặt lên nhìn tôi.

– Bà cũng từng trải qua hoàn cảnh tệ hại này rồi sao? – Giọng ông mền đi.

Tôi hiểu ông ấy đang nghĩ gì lúc này – một niềm an ủi khi ông gặp được người cùng cảnh  ngộ mất con như mình.

Tôi hỏi thăm về cô con gái của ông ấy, rằng chuyện gì đã xảy ra với cô bé, rồi cô ấy bao nhiêu tuổi và cô bé đã mất được bao lâu. Tôi biết, với những người từng chứng kiến cái chết của đứa con thân yêu thì dù chuyện ấy đã xảy ra mười năm trước chăng nữa, nó có thể vẫn nhức nhối như vừa mới hôm qua đây thôi. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, nỗi đau ấy lại có sự khác biệt. Năm đầu tiên, họ sững sờ, chết lặng và hoài nghi. Họ không muốn đối diện với không gian trong nhà – nơi từng có sự hiện diện của con. Năm thứ hai – thật tệ. Họ ít khi muốn ở lại trong nhà. Năm thứ ba, tư và năm – họ vẫn không muốn ở đó, dù rằng đã tỉnh táo hơn đôi chút. Từ năm thứ năm đến năm thứ mười – họ dần dần nguôi ngoai hơn. Họ bắt đầu dần hiểu ra rằng họ vẫn phải sống cho dù nỗi nhớ con có lúc khiến họ như muốn nổ tung. Rồi vết thương lành dần. ọ hy vọng một ngày nào đó có thể gặp lại đứa con yêu dấu. Họ nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Đó cũng là lúc trong họ có sự thay đổi lớn. Một cảm giác thảnh thơi trở lại sau khi nỗi đua đi qua. Họ không còn muốn níu kéo quá khứ, mà muốn sống cho hiện tại và nghĩ rằng thế là đủ. Điều đó, khiến họ yên lòng. Một ngả rẽ mới mở ra cho cuộc đời họ.

Người đàn ông tôi gặp trong phòng đợi kể với tôi rằng con gái ông ấy đã mất trong một tai nạn xe hơi cách đó một năm, khi cô ấy mới 21 tuổi. Ông lấy ví ra và đưa ảnh của con gái cho tôi xem. Đó là một cô gái rất xinh. Tôi tiếp tục lắng nghe những lời tâm sự của ông. Những người chưa từng trải qua nỗi đau này luôn e ngại khi chúng ta nói với họ rằng chúng ta mất con. Họ thường cố lái sang đề tài khác vì họ sợ chạm vào nỗi đau của chúng ta, hơn nữa họ cũng không muốn nghe về chủ đề đó. Họ không biết rằng chúng ta cần chia sẻ, ngay cả khi chúng ta đã kể câu chuyện ấy hàng trăm lần rồi. Đó là một nhu cầu thực tế, nó khiến ta cảm thấy nguôi ngoai hơn. Mất đi người mình thương yêu, chúng ta như mất đi một phần cơ thể của chính mình.

– Tôi cảm thấy tệ lắm. – Người đàn ông nói – Đó là điều khó khăn nhất trên đời mà tôi đã trải qua. Cảm giác mất mát đó tồn tại rất lâu. Có phải cảm giác quá đau đớn ở tôi là bình thường chăng?


Tôi đã trải qua cảm giác mất đi một điều gì đó khá nhiều lần – khi tôi tốt nghiệp trung học, khi tôi phải trải qua đợt hóa trị, khi tôi ly hôn. Nhưng chưa bao giờ tôi lại cảm thấy tim mình đau đớn như trong thời gian đó.

Khi ấy, tôi và các con đi du lịch và nghỉ tại một khách sạn ở trung tâm St. Paul Minnesota. Đó cũng là dịp sinh nhật con trai tôi. Và đó là cũng chính là khoảng thòi gian định mệnh khi con trai tôi ra đi mãi mãi.

Khoảng hơn một tháng trước khi Shane bị tai nạn, Nichole từ trường về nhà và hỏi tôi: “Mẹ có tin rằng trước khi hết năm nay sẽ có một người mà chúng ta biết qua đời hay không?”

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, cũng không bao giờ ngờ rằng người thân ấy lại chính là con trai mình.

Hoặc cũng có thể tôi từng linh cảm một điều gì đó tương tự nhưng tôi lại lướt qua. Tôi cho rằng đôi khi có một phần nào đó trong chúng ta cảm nhận trước được điều sắp xảy đến với mình.

Tôi luôn có cảm giác lo lắng về cậu con trai của mình kể từ khi nó chào đời. Năm Shane một tuổi, tôi ẵm nó suốt. Tôi chẳng yên tâm giao nó cho ai cả mặc dù nó là một đứa trẻ ngoan. Rồi nó bắt đầu tập đi. Nó bướng bỉnh và luôn làm theo ý mình.

Tôi thấy lại hình ảnh của mình khi đứng bên lề đường, mắt hướng lên mái nhà, căn nhà nằm kế Đại lộ Pleasant ở Minneapolis, Minnesota.

– Ôi Chúa ơi, Shane ơi, cẩn thận đó con! – Tôi hét lên. – Làm sao nó có thể trèo lên mái nhà như thế chứ? – Tôi hỏi con gái lúc đó đang đứng bên cạnh và cũng hồi hộp không kém.

– Nó trèo lên cây sát nhà mình và men theo cái nhánh cây to kia! – Nichole giải thích cho tôi. – Nó bảo với con rằng nó có thể làm như vậy vì nó thấy người ta làm trên tivi rồi.

– Shane, đứng yên nào. D(ừng leo nữa con! – Giọng tôi thảng thốt. – Hãy nhìn mẹ nè. Lính cứu hỏa sẽ mang xe cẩu đưa con xuống liền!

Nhưng thằng bé chẳng có vẻ gì là sợ sệt cả. Đối với nó, việc này cũng giống như một cuộc khám phá hấp dẫn. Tôi chết lặng. Chỉ khi người ta đưa nó xuống an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

– Mẹ ơi, chúng ta có thể làm một cái hồ bơi ở sân nhà không mẹ – một cái nhỏ thôi ạ? – Con gái tôi nài nỉ.

Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi tôi nghe điều đó.

– Không được. Điều đó quá nguy hiểm cho em trai con. Mẹ sợ có điều gì xấu xảy ra.

– Mẹ ơi, tại sao mẹ lại không ủng hộ con? Shane nằn nì.

– Vì con chẳng cẩn thận gì cả! – Tôi nói. – Biết đâu con sẽ đạp xe men theo thành hồ hoặc làm gì đó bất cẩn và bị thương thì sao? Câu trả lời của mẹ là không!

Vào một chiều chủ nhật, chúng tôi đi coi phim. Shane gác chân lên chiếc ghế trước mặt nó. Tôi định la nó nhưng rồi lại thôi. “Phải biết trân trọng từng phút giây bên nhau” – dường như có ai đó thì thầm vào tai tôi.

Chúng tôi tổ chức sinh nhật 12 tuổi cho Shane trong một nhà hàng. Bàn tiệc của chúng tôi gồm có Shane, Nichole, tôi và một vài người bạn của chúng. Tôi nâng ly của mình lên và nói: “Năm sau chúng ta sẽ lại tổ chức ở đây nhé. Chúc con đạt được mọi điều con mong muốn”.

Chúng tôi nâng cốc. Nichole hỏi em trai.

– Chị không có tiền để mua cho em một mon quà nhưng thay vào đó, em muốn đi trượt tuyết cuối tuần này với chị và các anh chị ở đây không?

Mắt Shane sáng lên, nó reo lớn:

– Em thích lắm! Thật tuyệt vời!

– Hãy hứa với mẹ rằng, – tôi nói với cả hai đứa, – dù chúng ta có ở đâu trong ngày sinh nhật của mình, chúng ta cũng phải luôn luôn dự cùng nhau nhé!

Nichole đồng ý ngay. Shane ngần ngừ một lát rồi cũng đồng ý.

Hai ngày sau, vào một buổi sáng thứ bảy, Shane, Nichole và bạn nó là Joey cùng đi trượt tuyết. Chị của Joey là Chrissie lái xe đưa cả đám đi, còn mẹ của Joey sẽ đón chúng về vào buổi chiều.

– Mẹ yêu các con. Hãy cẩn thận nhé. Hãy về nhà vào lúc 6 giờ chiều nhé con! – Tôi dặn dò đám trẻ.

– Con cũng yêu mẹ. Hẹn gặp lại! – Shane đáp.

Vào 8 giờ tối hôm đó, điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, một người nào đó báo cho tôi biết rằng Shane đang bị thương.

Tối đó, tôi thức trắng trong bệnh viện. Gia đình tôi và bạn bè nó cũng đến. Chiếc máy nhỏ liên tục bơm khí vào phổi cho Shane nhưng đã quá muộn. Con trai tôi đã không qua khỏi. Nó mất thăng bằng khi trượt phải một mảng tuyết dày và lộn nhào, đập mạnh đầu xuống đất và bị chấn thương nặng.

Nichole và tôi ở lại trong một khách sạn nhỏ ở trung tâm St. Paul. Tôi không thể trở về nhà lúc này, tôi không muốn nhìn thấy căn phòng trống rỗng, lạnh lẽo của Shane. Đi dọc hành lang khách sạn, mắt tôi thất thần nhìn chùm chìa khóa trên tay. Tôi không thể tìm ra phòng của mình. Những con số cứ mờ đi. Tôi bước đi vô hồn. Những ổ khóa tôi thử đều không khớp với chiếc chìa trên tay. Tôi ngồi bệt xuống sàn. Mất mát ư? Tôi chưa bao giờ trải qua sự mất mát kinh khủng như thế này.

Chúng tôi từng lập kế hoạch cho tương lai của mỗi thành viên trong gia đình. Đêm trước khi Shane bị tai nạn, tôi đã thỏa thuận xong hợp đồng để mua một ngôi nhà mới. Chúng tôi sẽ chuyển đến một khu biệt thự để mừng cho những năm qua chúng tôi được sống ấm áp bên nhau. Tôi sẽ làm việc cật lực, để nghiên cứu, viết sách. Các con tôi sẽ học đại học, lập gia đình và có con.

Sau khi Shane mất, tôi không thể làm việc, không thể viết gì trong suốt nhiều năm sau đó. Làm sao có thể viết khi trong đầu tôi chẳng có gì cả. “Cảm ơn bà rất nhiều vì những tác phẩm của bà!” – Một độc giả đã viết như thế cho tôi. “Những quyển sách của bà đã giúp tôi rất nhiều. Cuối cùng thì tôi đã có thể vui sống sau nhiều năm đau khổ”. Tôi thấy mừng vì bà ấy hạnh phúc. Còn tôi thì không. Tại sao con cái của những người khác vẫn sống trong khi Shane của tôi lại ra đi? Tôi cảm thấy cuộc đời thật bất công với mình.

Mọi người đều rất tốt với tôi nhưng họ không phải trải qua những gì tôi đang trải qua và họ không còn đủ kiên nhẫn để chờ tôi trở lại là chính mình. Một lần tình cờ, tôi gặp một người bạn trong lúc đi dạo, khoảng một tuần trước Giáng sinh năm Shane mất. Anh ấy  hỏi thăm tôi. “Shane mất rồi” – Tôi nói. Anh ta chợt lùi lại và hỏi tôi: “Thế chị đã bình tâm lại chưa?” Tôi cảm thấy điên tiết khi anh ta hỏi như vậy. Tại sao tôi lại nổi khùng với anh như thế? Tôi đã tự hỏi mình nhiều lần.

“Hãy kiên nhẫn với chính bản thân mình!” – Một người bạn khuyên tôi. “Con trai của cậu mất đi. Cậu đang rất đau khổ. Cậu không chỉ mất con trai của mình, thằng bé còn mang đi nhiều thứ khác nữa”.

“Đúng vậy”. – Tôi nghĩ. – “Khả năng viết lách của mình, niềm vui sống, niềm tin vào cuộc đời và vào chính bản thân. Shane ơi, khi con ra đi, con đã đã mang theo tất cả!”

Chấp nhận mất mát khiến chúng ta cảm thấy đau đớn nhưng phủ nhận nó, ta luôn đau đớn hơn nhiều. Bởi vậy, không nên phức tạp hóa sự đau khổ. Đau khổ chẳng có gì là bất bình thường cả. Đó cũng chính là cách để chúng ta vượt qua nó. Việc hiểu được cảm xúc của bản thân sẽ giúp mỗi người tự trung hòa xúc cảm của mình. Có những nỗi đau không bao giờ nguôi, nó luôn ám ảnh tâm trí bạn, nhưng bạn vẫn phải tiếp tục sống. Cùng với thời gian, một lúc nào đó, nỗi đau ấy sẽ tạm lắng xuống và thay thế bằng những cảm xúc khác.

Một điều quan trọng khác là hãy để cuộc sống trôi đi như vốn dĩ nó vẫn thế. hãy là chính mình. Đừng trông chờ vào phép lạ. Con người có thể chết trong chính ngôi nhà của mình khi đang bước xuống cầu thang và trượt ngã. Bất cứ thứ gì chúng ta không còn nắm giữ, không có nghĩa là chúng đã mất đi. Mội phút giây ta đang sống là một giây phút hạnh phúc.

Nichole và tôi dọn đi ngay vào buổi tối ngày con bé tốt nghiệp trung học. Tôi cần ánh mặt trời và muốn được nghe tiếng sóng vỗ của biển khơi. Ở Minnesota, mọi thứ đều gợi nhớ đến Shane. Tôi cảm thấy ngột ngạt và không thoải mái. Chúng tôi dọn đến một ngôi nhà cạnh bờ biển. Sóng biển là âm thanh duy nhất có thể át đi những ý nghĩ trong đầu tôi. Sóng biển không bao giờ ngừng nghỉ nhưng đôi khi ta không nghe được thanh âm của nó. Cũng giống như tiếng sóng của sự đau khổ. Chẳng có tiếng sóng nào giống tiếng sóng nào. Có lúc nó ầm ào, xô đẩy, lúc lại lặng lẽ, dịu êm. Mỗi đợt sóng xô bờ lại mang đi một ít muộn phiền.

Marge – một người bạn của tôi cho rằng những biến cố trong cuộc đời mõi chúng ta chỉ là “sự thay đổi ban đầu”. Sự thay đổi này chính là điều kiện tiên quyết để mọi người tìm đến hoàn nhập và sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ. Đó cũng chính là ngả rẽ quan trọng. Thoạt đầu, chúng ta thường cách ly với bên ngoài, cảm thấy cay đắng. Dần dần, chúng ta mới có thể mở lòng ra. Sách Tân Ước có chép rằng, tại Gethsemane – khu vườn thống khổ, Chúa Jesu đau buồn, sần não. Ngài đã cầu nguyện và mồ hôi toát ra như những giọt máu nhỏ xuống đất. Chúng ta cũng vậy, mỗi người đều phải bước đi trên con đường phiền muộn và phải mang theo bên mình một gánh nặng. Một số người có thể gạt gánh nặng ấy sang một bên nhưng nhìn chung thì hầu hết mọi người đều phải mang gánh nặng ấy trong suốt cuộc đời mình. Khi mất đi ai đó hoặc điều gì đó quan trọng, ta sẽ biết yêu thương người khác hơn và trân trọng những gì mình đang có. Ta sẽ học được cách sống thanh thản từ sự mất mát của chính mình.

Trong cuốn Sự thay đổi ban đầu (Initiation), Elisabeth Haich viết rất nhiều về điều này. Trong đó bà có nói rằng tất cả những trải nghiệm và căng thẳng trên sẽ đưa chúng ta trở lại với bản ngã của chính mình. Mỗi người đều có một phần thánh thiện. Nỗi đau và mất mát sẽ làm chúng ta tin tưởng hơn vào những điều thiêng liêng.

Cái chết thực chất chỉ là sự chấm dứt sự hiện hữu của một người nào đó mà thôi. Mặc dù không thể nhìn thấy họ nhưng có thể họ vẫn hiện diện đâu đó – ở một thế giới khác. Susan Apollon, tác giả của quyển Chạm vào những điều lạ thường (Touched bt the Extraordinary) đã nói rằng có rất nhiều cách khác nhau để chúng ta liên hệ với những người mình thương yêu – bằng ngoại cảm, trong ảo mộng cũng như trong giấc mơ. Đôi khi chúng ta cảm thấy như họ đang hiện hữu. Ánh sáng lung linh hay mùi hương quen thuộc từ một nơi nào đó có thể thay cho lời chào. Mặc dù có nhiều người cảm nhận được khả năng liên lạc này nhưng họ lại không làm. Họ thích những gì là hiện hữu và thực tế. Với tôi, bất cứ khi nào cảm thấy nhớ Shane, tôi đều dành thời gian trò chuyện cùng con trai, khi thức cũng như trong giấc mơ của mình.

Tôi đang đứng trước của của máy bay, huấn luyện viên bắt đầu đếm. Sẵn sàng. Nhảy xuống từ trên không. Tôi nhìn cụng cụ đo độ cao trên tay. Khi ở độ cao 1.500 mét, tôi sẽ thả dù ra. Ồ! Tôi thực sự thích âm thanh này! Tôi nhận ra rằng nếu tôi không ngừng tiếc thương quá khứ, tôi sẽ bỏ qua quãng đời còn lại của cuộc đời mình. Việc nhảy ra khỏi máy bay giúp tôi nhận ra rằng hiện giờ tôi đang lơ lửng trên không với những ngọn gió lùa mạnh mẽ bên tai. Vẫn còn nhiều điều tốt đẹp và thú vị khác sẽ đến với tôi dù rằng Shane không còn nữa.

Tôi đang trèo lên ngọn núi ở một ngôi làng nọ tận Trung Quốc. từng bước một. Trên đỉnh núi là một ngôi đền. Chẳng có gì là mãi mãi. Mọi thứ đến rồi đi. Mọi thứ luôn thay đổi. Thoạt đầu, điều đó có thể làm ta đau lòng. Sau đó, nó lại làm ta cảm thấy tự do. Điều này đưa chúng ta đi hết cuộc đời. Cuộc đời diễn ra một cách tự nhiên hơn là chúng ta nghĩ về nó.

Trên đường từ California trở về Minnesota, cảnh vật làm tôi sững sờ. Tôi dừng xe bên vệ đường để ngắm nhìn. Thấy lòng vui trở lại. Mỗi phút giây và cảm xúc ở thời điểm hiện tại rồi sẽ trở thành quá khứ. Cũng chẳng có nhiều khác biệt lắm giữa việc cảm thấy hạnh phúc và buồn bã. Đó chỉ là những cảm xúc nhất thời, là những khoảnh khắc trong đời.


Tại phòng đợi, cô ý tá gọi đến tên người đàn ông nọ. Đã đến lượt ông ấy vào khám bệnh.

– Thế thì cảm giác đau đớn khi mất con cũng chỉ là bình thường thôi sao? – Người đàn ông ấy hỏi tôi.

Rõ ràng những gì tôi nói đã ảnh hưởng đến ông ấy rất nhiều. Tôi có thể nhận thấy ông ấy muốn nói chuyện lúc này bởi ông vừa tìm được một người đồng cảm sâu sắc và từng trải qua mất mát như ông.

– Thật bình thường khi chúng ta cảm thấy mất mát! – Tôi nói. – ông không cần để ý xem nó bình thường như thế nào đâu. Một người bạn của tôi đã nói với tôi rằng khi chúng ta mất mát nhiều nhất là khi chúng ta cần chia sẻ nhất. Đừng lo lắng nếu ông không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Ông sẽ tìm được lối đi cho mình thôi!

Viết một bình luận

error: Content is protected !!