Bức thơ thứ 58: Đôi giày cao gót của mẹ

Minh Anh thân yêu,

Tuần trước, nhà trường tổ chức cho các con đi dã ngoại, cuối cùng cũng có một ngày không cần phải mặc quần áo đồng phục, các con đứa nào cũng phấn khởi ra mặt! Con nghe lời mẹ mặc quần áo thể thao, sau khi về nhà, con nói đầy vẻ ngưỡng mộ rằng các bạn học cùng mặc quần áo bó sát trông rất đẹp, còn bảo mẹ lần sau mua cho cho con một cái giống vậy. Chẹp chẹp, xem ra mẹ cần phải giảng giải con những vấn đề này rồi!

Đúng là đồng phục của các con bây giờ rộng thùng thình và đã giấu đi vẻ đẹp hình thể của các con. Chúng ta tạm không bàn luận xem kiểu dáng đồng phục có phải là đẹp nhất và tốt nhất không, trước hết có thể thấy rằng, cho dù là quần bò hay quần bó sát bằng các chất liệu khác cũng đều có tác dụng “bóp bụng, đẩy mông”, làm nổi bật các đường cong trên cơ thể, khiến chúng ta trông “thon thả” hơn, nhìn đẹp hơn mặc đồng phục nhiều. Nhưng xét từ góc độ sinh lý, các thiếu nữ tuổi dậy thì mặc quần ôm sát không phải là một việc tốt lành, điều này có thể làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Chúng ta từng nói, âm đạo ở phái nữ thường xuyên tiết ra một dịch lỏng có tính axit để ức chế vi khuẩn, khiến cho vùng kín luôn ở trạng thái ẩm ướt. Hàng ngày, mặc quần ngoài và quần lót bình thường tương đối rộng rãi có lợi cho sự tuần hoàn máu, khiến không khí dễ lưu thông, hơi nóng dễ tán ra ngoài. Nếu thường xuyên mặc quần bó sát, không khí lưu thông không thuận lợi, hơi ẩm không thể bốc hơi, thậm chí còn khiến mồ hôi ra nhiều (nhất là vào mùa hè), dịch tiết âm đạo và mồ hôi bị giữ lại và lên men sẽ khiến cho vùng kín có mùi khó chịu. Hơn nữa, âm đạo ở trong trạng thái ẩm ướt và nóng bức trong thời gian dài cũng sẽ là cơ hội tốt cho vi khuẩn sinh sôi, dễ dẫn đến viêm nhiễm cùng kín, gây ra ngứa âm hộ, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu …

Hơn nữa, quần bó sát còn khiến cho phần xương chậu, phần mông bị bó chặt, không chỉ khiến cho các hoạt động hàng ngày của các con bị hạn chế mà còn khiến cho phần eo bị áp lực ảnh hưởng đến việc hô hấp vùng bụng, làm cho con người cảm thấy khó thở, tức ngực, còn gây áp lực lên các mạnh máu trong bụng, ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu, gây ra các hiện tượng chóng mặt, đau đầu. Mặc quần bó sát trong thòi gian dài còn gây ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường, gây hẹp khung xương chậu, mang lại rắc rối cho quá trình sinh nở sau này.

Có rất nhiều bạn nữ ngưỡng mộ thân hình, tư thế các người mẫu trên “sàn catwalk” nên ra sức bắt chước bước đi uyển chuyển của họ. Khi biểu diễn catwalk, người mẫu bắt buộc phải dùng những bước đi như vậy để phô bày các đường cong, hướng sự chú ý vào trang phục trên cơ thể,đây có thể nói là yêu cầu của công việc. Chính bản thân họ trong cuộc sống hàng ngày cũng không đi lại theo tư thế đó. Đối với thân hình chưa hoàn toàn trưởng thành của các thiếu nữ, thường xuyên bắt chước bước đi uốn éo của người mẫu sẽ gây tổn hại cho sự phát triển bình thường của xương cột sống. Vì vậy, không nên bắt chước người mẫu làm gì.

Ngoài quần bó sát, mẹ còn phải nói đến giày cao gót (đừng tưởng mẹ không biết con thường lén xỏ chân vào những đôi giày cao gót của mẹ nhé).

Trước tiên, đi giày cao gót có thể khiến cho cơ thể nghiêng về phía trước, trọng tâm cơ thể chuyể sang nửa đầu của lòng bàn chân, đi thường xuyên có thể khiến cho tuần hoàn máu gặp trở ngại và gây hoại tử cục bộ, lòng bàn chân và ngón chân bị tổn thương. Gót giày quá cao còn khiến cho các cơ và dây chằng ở chân thường xuyên ở trạng thái căng cứng, dễ gây ra bong gân, chuột rút, khiến gót chân đau nhức. Bên cạnh đó, khi đi giày cao gót, trọng lượng toàn thân sẽ tập trung ở lòng bàn chân, phá vỡ đường truyền trọng lực bình thường ở cơ thể người, làm tăng gánh nặng cho xương chậu, hông xương chậu bị ép sẽ co vào trong, khiến lối vào xương chậu bị hẹp, dễ gây đau lưng, căng cơ và cột sống bị biến dạng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến việc sinh sản.

Đối với các thiếu nữ tuổi dậy thì, tính nguy hại của việc đi giày cao gót lớn hơn nhiều so với các cô gái tuổi trưởng thành. Bởi vì tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể đang phát triển mạnh mẽ, xương cốt chưa định hình hoàn toàn, vẫn tương đối mềm, dễ thay đổi hình dạng. Bàn chân là do xương bàn chân, xương cổ chân và các dây chằng tạo thành, thông thường phải đến 18-19 tuổi mới định hình hoàn toàn. Mu bàn chân có khả năng đàn hồi, có thể giảm bớt các chấn động cho cơ thể khi di chuyển. Thiếu nữ đi giày cao gót có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của các khớp xương, gây ra dị dạng xương chân, ngăn cản sự phát triển của mu bàn chân, gây tổn hại cho chức năng bình thường của bàn chân. Còn xương chậu phải đến năm 21-22 tuổi mới hoàn toàn cứng lại, vì vậy, nếu thường xuyên đi giày cao gót trong thời gian dậy thì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xương chậu, gây hẹp xương chậu … ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phái nữ, thậm chí gây khó khăn cho việc sinh nở sau này. Ngoài ra, hàng ngày các con đều có tiết thể dục, rèn luyện sức khỏe, cần hoạt động nhiều; đi giày cao gót có thể cản trở hoạt động của các con, khi chạy nhảy trên giày cao gót có thể gây tổn thương chân và gót chân. Do vậy, tốt nhất không nên đi giày cao gót, cho dù trong trường hợp bắt buộc cũng chỉ nên chọn những đôi giày cao 2-3 cm (giống như đôi giày cao gót của con đi lúc tham gia văn nghệ ở trường), thêm nữa, thời gian đi giày cao gót không nên quá dài hoặc đi bộ quá xa, không mang giày cao gót để tập thể dục …

Chúng ta ai cũng cần đẹp, nhưng nhất định phải biết cái gì mới là cái đẹp thật sự và lành mạnh.

Mẹ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!