Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.
Nay trở lại kể tiếp các kép hữu danh trước có ở trong gánh ông Hai Cu, còn quí anh Nguyễn Thành Châu, Tám Mẹo (nay ở Mỹ Tho) và Ba Du. Anh Du nầy, chính tôi có nghe anh hát. Người ta đồn lúc ở Mỹ Tho, đêm nào không có Du, khán giả đòi giấy, lấy tiền lại vì cách ca đặc biệt của anh: anh ca lẹ như lặt rau, chạy đua với đờn, nhưng khi tiếng đờn dứt là câu ca của anh ăn đờn phong phóc. Nhứt là vai Mạnh lương ăn nhạn, anh l2m coi rôm lắm (sau Năm Châu có thủ vai nầy nhưng không bằng). Nay Du đã ra Bắc, nói nhiều về anh không tiện … Tôi xin nhường cho các vị cố cựu xứ Mỹ Tho bổ túc đoạn nầy, mà tôi cho là quan trọng nhứt, vì sẽ đánh dấu buo63i phôi thai của ngành cải lương mà nhau rún xuất phát vẫn từ đây, cũng như các tay rường cột, Năm Châu, Cô Năm Phỉ, Cô bảy Phùng Há đều có ở đây. Một điều cho đến nay tôi vẫn còn tiết là tuy tôi được học trường lớn Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn, nhưng tôi còn tham, ao ước muốn được học Việt ngữ với các thầy dạy quốc văn ở trường trung học Mỹ Tho độ đó, quí ông Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Duy Tâm, v.v… Thầy dạy tôi ở Sài Gòn là ông Nguyễn Văn Mai, tuy dạy tất tình, thương tôi như con đẻ, nhưng lòng tôi cứ mong muốn được học với ông Yên Sa Diệp Văn Cương, khi ấy thôi làm quan ở Huế, lui về làm giáo sư. Ông có bằng tú tài đôi Pháp, lại làu thông Hán tự, ông dạy trường trung học Chasseloup Laubat đến khóa 1919-1920 thì về hưu không dạy nữa, thiệt là đáng tiếc. Mấy lần bãi trường tôi đi ngang Mỹ Tho để đón tàu thủy về Sóc Trăng vì thời gian eo hẹp và tiền tài khiếm khuyết, tôi không được trú lại đây để học hỏi về nguồn gốc cải lương, sau nầy khôn lớn thì đã quá muộn.
Năm 1919 lên học trường Sài Gòn, một vì không có người bảo lãnh ở đô thành (correspondant), hai là nhờ Ba tôi cưng con cho tiền bỏ túi khá rời rộng nên mỗi chúa nhựt hay ngày nghỉ lễ tôi đều xin ra, mướn phòng tạm ngụ để nếm ”thú ăn cơm nhà máy uống nước phong-tên” Sài Gòn.
Trần Ích
Tôi có một bạn học cũ, trước cùng học tỉnh Sóc Trăng và có gia thế hơn tôi nhiều nhưng sau sa sút, cha mẹ mất, anh Trần Ích bồ côi, bèn bỏ học và nhảy qua tập hát. Trần Ích có tặng cho tôi nhiều bộ truyện Tàu đến nay tôi còn giữ làm của quí, và nhớ ơn xưa, lối 1919, mỗi lần ra trường tôi đều kiếm anh để liên lạc, tô hủ tiếu, tác cà phê, rất là tương đắc. Dè đâu anh suýt lấy tánh lang bạt và suýt chút nữa tôi đã nhảy trường không biết để trở nên kép hát hay khiêng rương và dọn đề-co!
Gánh hát Tân Thinh
Anh Chín Ích theo gánh Tân Thinh, trước khi gánh nầy khá và tậu sự nghiệp ở chợ Sa Đéc thì đóng đô ở chợ Cầu Ông Lãnh tôi nhớ mại mại nư là mướn phố tập tuồng ở đường Kitchner (nay là đường Nguyễn Thái Học), việc này tôi không dám chắc vì anh Ích với tôi thường hẹn gặp nhau khi tại quán nước khi tại trường Bá Nghệ Đỗ Hữu Vị (nay đường Huỳnh Thúc Kháng) vì có anh bạn cung, Tăng Thiên Lăng, học ở đây, hoặc ở trường dạy thêu đường Mac-Mahon (Công Lý) mà bạn chún tôi, anh Chơn, học với ông Georges Bois, về công nghệ và mỹ thuật.
Tư Long, Năm Phồi, Hai Thiên
Tôi nhớ ba anh kép Long, Phồi, Thiên nầy đều là bạn đồng gánh với anh Chín Ích. Anh Chín cặp với một cô đào hát sau nầy nổi danh tài sắc một thời và khi có danh tiếng rồi thì bỏ rơi anh Chín của tôi vì Chín Ích lục lục thường tài, tập hoài mà không pát, chỉ đóng vai phụ làm đầu đảng lục lâm chịu cho vợ làm nữ soái chém đầu, chém mãi chị Chín chán, sau đó bắt bén theo công tử bột đi ăn nem trên Thủ D(ức và bỏ anh Chín tôi không chút ân tình.
Cô Hai Đàng
Cô Hai Đàng, có bộ tóc hoe hoe, các bạn gọi ”tóc đỏ”, đóng tuồng Tàu rất ăn đèn, có cái giọng khàn khàn, khao khao giọng thổ, (nhiều người mê cô vì giọng đó). Bù lại cô có nét mặt lai lai, mũi cao mắt sáng, và cái mốt Le Mur (Cát Tường), áo quần một màu, khi hột gà lợt, khi cà phê sữa, thêm lai ống quần có thêu ren đài các, đã làm cho cô tăng vẻ đẹp không ít. Sau cô lấy chồng giàu có ở Sóc Trăng, rồi thôi người đó trở lại sân khấu một thời gian rồi lu mờ chết năm nào tôi không nhớ.
Văn Hí Ban, Võ Hí Ban
Đồng thời với gánh Tân Thinh trong Chợ Lớn có gánh Thầy Mười Vui, làm việc Sở Cảnh sát, trước lập ra gánh Văn Hí Ban, sau tách ra gánh thứ đặt tên là Võ Hí Ban chuyên về tuồng Tàu.
Gánh Phước Cương
Về sau gánh Cô Ba Ngoạn là gánh hát bội, giao lại cho con trai là ông Nguyễn Ngọc Cương (mất cuối năm 1945) cũng gọi là Cậu Tư Cương làm chủ. Cậu Tư bèn lập thêm một gánh cải lương đặt tên là gánh Phước Cương. Một mình hai vợ: bên hát bội là chồng Cô Năm Nhỏ, một thiên tài bạc mạng truân chuyên, be6n cải lương là chồng Cô Năm Phỉ, đa tình. Gánh Phước Cương lúa ấy sở trường diễn tuồng Tàu, đặc biệt nhứt là tuồng ”Xử án Bàng Quí Phi”, trước kia do gánh Văn Hí Ban sáng tác.
Bảy Nhiêu, Cô Năm Phỉ, Cô Ba Lựu
Trong tuồng Cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quí Phi nỉ non màu mè tình tứ bao nhiêu thì Cô Ba Lựu xuất sắc trong vai bà Địch Thiên Kim bấy nhiêu, thêm kép Bảy Nhiêu đương thời xuân trẻ, thủ vai Tống Chơn Tôn muồi mẫn, làm vua mà như vầy đàn bà không ai ghét. Bộ ba nầy quả c1 máu nghệ sĩ, cho đến nay hát lại tuồng ấy chưa ai bì kịp.
Tôi quên, viết đã nửa tập mà chưa xưng tên! Tôi khi còn nhỏ, là con chủ lò thợ bạc, đã được mấy chú thợ Ba tôi nuôi trong nhà, như chú Hai Yên, dạy tôi rỉ rả mấy câu Tứ Đại Oán ”Gia, Hớn gia xã tắc đổi dời, Khiến nên Đổng Trác hưng thời …”, sau đó anh Tỷ, anh Hui, anh Siêu dạy tôi quẹt lọ đờn độc huyền và thổi ống tiêu. Nhưng trời khiến tôi học không nên thân cây nào, đờn thì ngón chi nắt, ống tiêu thì chỉ thuộc mấy câu đầu bản Bình bán vắn ”Liu tồn liu xáng u, muốn chơi mèo mà sợ đau c…u”. Sau lên học Chasseloup tôi vẫn mang theo cây tiêu và cứ tối tối, cơm nước xong từ trong nhà ăn ra, hễ nghe thổi câu ”liu tồn liu” hướng nào thì biết liền có tôi ở đó. Sau đó tôi đổi qua học nhạc Tây, mỗi chiều thứ năm thay y phục tiêm tất, trình giấy phép ra cửa, ôm cây vĩ cầm (sau bị Thổ cươp ở Thạnh Mỹ An, Sóc Trăng (leo lên lầu khách sạn Hôtel de France, đường Catinat, học trọn bốn năm vo71i giáo sư nhạc kiêm thầy gác lớp Sersot, khi ra trường chuyên môn kéo vĩ cầm với câu ”bò kéo xe, xe kéo bò”! Đến chừng tôi thôi học đi làm việc cũng còn đờn, (nhờ vậy mà tôi quen với ông Nguyễn Tri Khương, anh Ba Hậu và anh Tư Thành …) nhưng khi đi tá túc ăn cơm tháng nơi tiệm thợ bạc lớn ở đường Bonard (Lê Lợi) bà chủ nhà là bác Năm Hy nhạo tôi ”Bộ mày có số ăn mày hay sao mà tập nói thơ Vân Tiên, nói vè Bùi Kiệm, thổi ống tiêu như thằng mù, đờn độc huyền như thằng đui? Muốn ở nhà tao lâu dài, tốt hơn hãy bán những thứ đồ đó đi, S. à?” Tôi vâng lời Bác Năm tôi và từ ấy tôi thôi học đờn, cũng rất may cho thính cô bác anh em ở chung nhà chung xóm. Tuy vậy tôi còn giữ mãi một tánh quen từ nhỏ là tôi ưa thích và cố tìm để sưu tập những gì tôi mua được, dính líu với hát bội và bài ca. Tôi để riêng các tài liệu vae26 hát bội một khi khác sẽ lấy ra nghiên cứu, nay tôi xin kể ra đây những s1ch hiếm có tôi đã thâu lượm về bài ca từ trước. Nhờ những tập nhỏ nầy mà tôi được biết theo năm theo thứ tự, những bài ca cổ đã được thông hành và lưu dụng trong giới tài từ miền Nam, cứ thứ kê khai trong tập ”hồi ký II” có lẽ tôi sẽ in sau nếu biết có người cần dùng và mua, chớ nay in bất tửe đổ nợ mà khốn.
Sau đây là những bản đờn và bài ca từ năm 1909 đến năm 1915, ở Sài Gòn và lục tỉnh, những ai đọc được chữ quốc ngữ vẫn mau về và thường đờn và ca trong nhà những bản nầy. Tôi sao y nhan sách để làm tài liệu:
Bản đờn tranh và bài ca
Chủ bút: Phụng Hoàng Sang
Edité par Đinh Thái Sơn, dit Phát Toán
Vente et réparationde bicyclettes
et vente de livre en quốc nhữ
In lần thứ tư
Sài Gòn
Phát Toán, libraire-imprimeur
55-57 rue d”Ormay
Janvier 1910 (tr. nhì lại viết Décembre 1909)