Đồ đá Việt Nam

Từ thuở bình minh của lịch sử, tổ tiên chúng ta đã biết dùng chất liệu đá để làm công cụ lao động. Đó là những mảnh tước được ghè tách thô sơ, những hạch đá, rìu tay ở Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai) thuộc thời đại đồ đá cũ cách ngày nay từ vài triệu đến 8 vạn năm. Sang thời kỳ đá giữa mà đại diện là Văn hóa Hòa Bình, người ta đã sử dụng những hòn cuội cỡ lớn để làm những cái chày và bàn nghiền. Đến thời đại đồ đá mới; con người đã rất khéo léo trong cách chế tác và sử dụng công cụ đá, với các kỹ thuật mài, cưa, khoan, tu chỉnh, đánh bóng, ghép tháp và tra cán đã được áp dụng tạo ra những công cụ đá phong phú, đa dạng, chuyên hóa cho từng chức năng sử dụng như rìu, bôn, cuốc, … cùng với những công cụ đá hoàn thiện; ở hậu kỳ đồ đá mới bàn xoay gốm đã xuất hiện đồng thời cũng trong giai đoạn này, loài người đã bắt đầu biết đến kim loại.

Kế tiếp giai đoạn này, Việt Nam bước vào thời kỳ kim khí, ở miền Bắc với ba nền văn hóa tiêu biểu là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, công cụ đá tiếp tục được sử dụng nhưng kỹ thuật chế tác đã dần suy thoái, loại hình không còn phong phú. Ở miền Trung, cư dân Văn hóa Sa Huỳnh đã chế tạo và sử dụng những công cụ đá như rìu bôn, đá tứ giác, bôn răng trâu, cuốc lưỡi mèo, bôn đốc nhọn, … Giai đoạn này, một chế phẩm đá đặc sắc tìm được ở những di tích thuộc Văn hóa Đồng Nai là đàn đá, một loại nhạc cụ cổ truyền của nước ta thời tiền sơ sử.

Sang sơ kỳ đồ sắt, Việt Nam có 3 trung tâm Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Dốc Chùa, với kỹ thuật luyện kim phát triển đồ đá vẫn còn được sử dụng nhưng không còn vai trò chủ yếu.

Bước sang các triều đại phong kiến, chất liệu đá chủ yếu được sử dụng để chế tác các loại tượng, bia ký, tháp, công trình kiến trúc, … một trong số những di vật nổi tiếng thời Lý còn tồn tại đến nay đó là pho tượng A Di Đà, bệ đá chân cột chùa Phật Tích. Trong buổi đầu xây dựng nhà nước độc lập, vị trí nước ta nằm ở ngã ba đường, nên việc tiếp thu những yếu tố văn hóa nghệ thuật của các quốc gia láng giềng lúc đó cũng thường gặp: tượng đầu người mình chim chùa Phật Tích là một điển hình. Sang thời Trần, chế độ phong kiến đang trên đà lớn mạnh, các công trình nghệ thuật bằng chất liệu đá gắn bó chặt chẽ với những công trình kiến trúc đương thời, đó là những pho tượng đá ở Yên Sinh (Đông Triều), tượng hổ đá lăng Trần Thủ Độ, … Đến thời nghệ thuật phi Phật giáo như điện Lam Kinh (Thanh Hóa) với các tác phẩm điêu khắc gồm tượng người, tượng thú, rùa đội bia, … Một loại hình đồ đá nữa phải kể đến là những tấm bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám, nội dung ghi tên những người đỗ đạt, đề cao Nho học. Những công trình nghệ thuật bằng đá còn tồn tại đến ngày nay thể hiện tài năng điêu luyện, bàn tay khéo léo cùng khối óc tinh tế, tìm tòi sáng tạo của cha ông ta từ buổi bình minh của lịch sử cho đến ngày nay.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!