Tuần 36: Sự chuyên tâm

Kinh nghiệm cho thấy tất cả những ai thành đạt trong cuộc sống đều rèn luyện cho mình thói quen chuyên tâm vào một việc duy nhất ở từng thời điểm thay vì dàn trải sức lực cho nhiều công việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu bạn gặp phải thất bại, hãy tập trung tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến thất bại đó, hãy thẳng thắn đối diện với sự thật, đảm bảo lần sau bạn sẽ không gặp phải thất bại như thế nữa.

Đừng bao giờ cố gắng tạo ra cho mình bất kỳ lời bào chữa nào hòng trốn tránh trách nhiệm trước thất bại hay tìm cách đổ lỗi cho người khác. Làm như thế chẳng khác nào bạn đang mong chờ lần thất bại tới, bởi vì chính bạn đang tự đẩy mình lún sâu thêm vào vết xe đổ. Sự chuyên tâm sẽ là công cụ giúp bạn có được một thứ tài sản quý giá khác – một trí nhớ tuyệt vời.

Một nhà văn nổi tiếng nọ được một tờ tạp chí quốc gia đặt viết một câu chuyện dựa trên một cuộc phỏng vấn với kiến trúc sư người Mỹ, Frank Lloyd Wright. Cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng vị kiến trúc sư nổi tiếng cảm thấy khá khó chịu khi thấy người phỏng vấn mình chẳng hề ghi chép gì cả và ông đưa ra thắc mắc ngay sau đó.

“Tôi vẫn đang ghi chép lại đó chứ”, người phỏng vấn trả lời, “nhưng lưu giữ nó vào bộ não mà tôi vẫn thường rèn luyện’.

Ngày hôm sau, Wright nhận được một bản ghi chép chi tiết mọi vấn đề đã được thảo luận trong lần phỏng vấn đó. Điều đáng ngạc nhiên là, ông không phải sửa lại bất kỳ một câu từ nào cả.

Thói quen chuyên tâm vào công việc không chỉ giúp bạn có được khả năng lắng nghe người khác tốt ơn mà còn ghi nhớ được tất cả những gì mà bạn quan sát và nghe thấy được. Nguyên nhân chủ yếu của việc tại sao ta không thể nào nhớ nổi tên của một người nào đó trong vòng hai phút sau khi được giới thiệu với nhau là do ta đã không hề chú ý khi người đó tự giới thiệu tên của mình.

James A. Farley có tiếng là người có một trí nhớ khá hoàn hảo khi anh nhớ được tên của tất cả những ai mà anh ta đã từng gặp. Bí quyết của anh nằm ở chỗ mỗi khi được giới thiệu với người khác, anh liền đề nghị họ đánh vần tên của mình. Hoặc nếu không, Farley sẽ nhắc lại và đánh vần tên của người đó rồi hỏi lại xem như thế đã chính xác hay chưa.

Bất kỳ ai đã từng đạt được nhiều thành công thường khởi đầu từ một mục tiêu duy nhất. Họ tiếp tục duy trì cho mình hướng đi đó cho đến khi chạm đến đích và bắt đầu chuyển hướng với những mục tiêu mới.

Vậy bạn có thói quen chuyên tâm vào công việc của mình không? Bạn có biết được chính xác mình muốn gì từ cuộc sống? Bạn đã lập ra kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó chưa? Sau khi tìm được cho mình câu trả lời, bước tiếp theo của bạn chính là tập trung vào mục tiêu và kế hoạch hành động với tất cả quyết tâm của mình để không gì có thể ngăn cản bạn được.

Nên nhớ rằng, mọi chướng ngại vật chỉ là những gì bạn tự đặt ra cho chính mình. Hãy cố gắng vượt qua chúng và bạn sẽ thấy không gì có thể ngăn được bước tiến của bạn.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!