Ngôn ngữ hội họa: Kết cấu và bề mặt

‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.

                                                                                     Light Enstein

Sự nhạy cảm của chúng ta đối với kết cấu của một bức tranh tùy thuộc nhiều vào sự liên hệ giữa nhận thức và xúc giác của chúng ta. Sự sần sùi của vỏ cây hay trơn láng của thủy tinh được chúng ta nhận biết bằng thị giác ít hơn bằng xúc giác và chính sự ghi nhớ những kinh nghiệm xúc giác đó cho phép ta đánh giá kết cấu một bức tranh. Nhưng phải hết sức tránh sự lẫn lộn: bề mặt của bức tranh có thể láng nhưng với sự diễn đạt đúng và tỉ mỉ những nét gồ ghề và khúc khuỷu hoặc bằng đường nét, như nếp nhăn của gương mặt hay thớ gỗ, hoặc bằng cách chuyển sắc tinh vi, phương cách tạo ảo ảnh ở mức cao nhất. Kỹ thuật nầy đòi hỏi một nguồn ánh sáng định hướng, nó phát hiện những bất bình thường của bề mặt khi mắt nhìn dần dần đi ra xa.

Bức Arnofini và vợ của Van Eyck minh họa tuyệt vời cách thể hiện kết cấu nầy: gỗ, kim loại, thủy tinh, vải, da lông, tóc, ren, tất cả được mô tả với sự tỉ mỉ cực độ rất thích đáng để gợi những cảm xúc xúc giác dưới tác dụng của ánh sáng xuyên qua cửa sổ. Cũng thành công tuyệt vời như vậy là các họa sĩ Hà Lan thế kỷ XVII chuyên vẽ hoa, cảnh sinh hoạt và tĩnh vật. Thế kỷ XVII coi trọng kỹ thuật ảo ảnh, đánh lừa mắt và phong trào Tiền – Raphael lại dẫn đường với chút kiểu cách. Chủ nghĩa hiện thực thái quá là biểu hiện mới nhất của sự say mê khả năng ngụy trang của động vật và chi tiết, như bức tranh Cái xe của Ralph Going cho thấy, trong đó không thiếu một con đinh ốc hay một ánh phản chiếu nào của kim loại.

Trong một truyền thống như vậy, việc xử lý lớp sơn có khuynh hướng đồng đều và vô tính, vì tinh thần hiện thực tỉ mỉ đòi hỏi phải dùng sơn linh động và bút lông thật tốt. Một số tranh trừu tượng cho thấy bề mặt tương đối trơn láng làm nổi giá trị của kết cấu; nhất là trong tranh của Tobey, các nét bút vừa nhuyễn vừa dày đặc nên không thể phân biệt với nhau, và cách quãng không đều đặn nên không tạo thành họa ý. Trong thể loại tranh tác động (Action Painting) thì khác hẳn: chẳng hạn như ở Jackson Pollock, màu sắc tự kể chuyện mình; ở đây chính thực chất của vật liệu và quá trình sáng tạo được ca tụng trong kết cấu: những chỗ đắp màu, những giọt màu lóng lánh hay đường chằng chịt, đường rãnh, vết xước hay hỗn hợp màu. Mục đích của Pollock không phải là làm cho chúng ta cảm nhận chính kết cấu mà là, bằng sự vận dụng màu sắc, làm nổi bật hành vi thực tế của họa sĩ và những chuyển biến phức tạp của cái bị kịch sáng tạo.

Tuy thế, chủ nghĩa biểu tượng trừu tượng không nắm giữ độc quyền cuộc vận động nầy, vì sự vận động đó cũng được khẳng định trong hội họa biểu hình như tranh của Constable, Van Gogh và Cézanne cho thấy. Phẩm chất của bề mặt tranh, nghĩa là kết cấu thật sự, củng cố kết cấu các đối tượng được mô tả mà đôi khi nó còn làm cho phong phú hơn. Bằng cách vận dụng màu sắc, mỗi họa sĩ cũng làm cho ta cảm thấy được sự hao mòn vì thời gian, sự xói mòn, sự suy sụp, sự nứt, sự thối rã. Vì, nếu sự đều đặn của bề mặt gợi ý sự tươi mát, bền bỉ, chắc chắn hơn, thì những chỗ lồi lõm của bề mặt cũng dễ dàng được liên kết với sự hao mòn, lão hóa, mỏng manh mà người ta mặc nhiên gọi là sự suy tàn. Trong đời mình, tất cả chúng ta đều đã biết qua sự giày vò của thứ tình cảm luyến tiếc dịu dàng mà sự tàn phá của thời gian gây ra. Nếu không thì tại sao chúng ta lại thích ngắm những bức tường gần sụp đổ, một nắm rong giạt vào bờ, những đền đài hoang phế, những bộ khung trơ trọi dưới ánh nắng, tất cả những cái mà thế kỷ XVIII gọi chung là ”đẹp như tranh”?

Có một sự thông đồng khác, có tính kỹ thuật hơn, giữa kết cấu và thời gian: quả là những cái bất bình thường của bề mặt và của cả họa ý nữa, làm chậm sự tiếp xúc bằng mắt của chúng ta với bức họa. Ngược lại, các bề mặt trơn láng và đường cong uốn lượn mà Ingres trình bày với chúng ta như là những biểu hiện tuyệt vời của tuổi thanh xuân trong bức Nguồn suối, cho phép ánh mắt chúng ta lướt nhanh dọc theo thân thể của thiếu nữ. Còn Cézanne thì bằng vô số nét bút bắt buộc chúng ta theo ông trên mặt địa hình lồi lõm mang dấu tích của thời gian mà ông đã kiên nhẫn nghiên cứu rất lâu.

Tranh Con ngựa nhảy, 1825

Tác giả: Constable John, họa sĩ Anh

Kết cấu và sự hao mòn vì thời gian đối với Constable là những đề tài có sức quyến rũ thường xuyên. Ông nói: ”Những cây liễu, những tấm ván cũ mục, những cây cộc lấm bùn, những bức tường gạch, tôi yêu tất cả, … Khi mà tôi còn phải vẽ, tôi không bao giờ từ chối vẽ những nơi đó, … Đối với tôi, vẽ đồng nghĩa với cảm xúc, … Tất cả sự vô tư thời thơ ấu của tôi gắn liền với hai bờ sông Stour. Tôi phải vẽ là vì chúng”.

Tranh Chiếc xe kéo, 1970

Tác giả: Going, Ralph

Thể hiện toàn sắc và bóng ngả vừa tinh vi vừa có phương pháp, Going vẽ được kết cấu của mặt nhẵn bóng giống đến mức ta phải ngạc nhiên. Cái bóng hơi méo mó chạy suốt phần dưới vỏ xe làm cho ta thấy rõ những móp hay lồi lõm rất nhỏ của vỏ nhôm.  Cái bóng rõ nét của hai chiếc bình bằng sắt tây và hiệu ứng ánh sáng chóa mắt phía đầu xe làm ta cảm thấy như sờ được sức nóng của kim loại. Bức tranh vẽ theo một bức ảnh chụp vẫn giữ được tính chính xác và rõ nét của nó.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!