Điều 37 – Đừng để thành công của người khác làm bạn buồn

”Schadenfreude” là một từ mượn của Đức, có nghĩa là ”sung sướng trên sự đau khổ của người khác”.

Luôn luôn có những người cảm thấy buồn cho bản thân khi thấy người khác quá may mắn. Ghen tỵ là tính xấu. Bạn có thể cố gắng tự huyễn hoặc rằng ghen tỵ là một cảm giác về tính công bằng. Thật không may, đó là cảm giác chung của tất cả mọi người, đôi khi chỉ là sự thèm muốn có một con lừa đẹp như người hàng xóm.

Gần đây, một người quen của tôi đã cho xuất bản cuốn sách rất hay, mang tính thời sự và được công luận quan tâm nên bán rất chạy. Cuốn sách của tôi cùng chủ đề nhưng không thành công như vậy. Khi biết thành công của tác giả đó, tôi cảm thấy trong lòng mình kém vui, buồn bã, xấu hổ, lặng thinh, ngờ vực rồi bực bội, căm ghét, thấy mình bị xúc phạm, … Tôi không thành công là do độc giả không chú ý tới cuốn sách và sự thành công của người quen kia không ảnh hưởng gì đến tôi nhưng tôi vẫn bị phân tâm và suy nghĩ nhiều về điều đó.

Anh ta đã tổ chức một bữa tiệc lớn khao bạn bè và ký tặng sách trong một cửa hàng sách. Tôi không biết có nên đi không? Tôi muốn đi để trong lòng không còn cảm giác ghen tỵ với anh ta.

Tuổi trẻ luôn mang trong mình đầy nhiệt huyết nhưng có lúc tôi cảm thấy một chút cay đắng khi mình không đạt được thành công mà mình nghĩ mình được hưởng. Nó làm tôi buồn vì nghĩ mình có nên thất vọng hay ghen tỵ về thành công của người nào đó hay không? Đôi khi, mình thất vọng vì chính những điều làm mình thất vọng hoặc nghĩ rằng liệu khi mình làm giống người ta thì có đạt được thành công như họ không? Tôi buồn khi thấy sách của người kia bán chạy thì có giúp lượng sách của tôi bán được nhiều hơn không? Tất nhiên là không, mà điều đó lại ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật và khiến tôi có thêm những ý nghĩ tiêu cực, dễ chùn bước trước những kế hoạch tiếp theo.

Nếu bạn luôn cảm thấy ghen tỵ với thành công của người khác, nó sẽ trở thành thói quen xấu vì trong cuộc sống, chúng ta luôn phải gặp những người thành công hơn, tài năng hơn mình. Vì vậy, để có được thành công như tác giả cuốn sách kia, tôi sẽ phải phấn đấu hơn, sống tích cực và mừng cho thành công của người đó, đó là câu trả lời tốt nhất.

Trong mỗi cuộc thi, sẽ luôn có người cao điểm hơn, có người quán quân, có á quân. Bạn của bạn sẽ yêu được cô gái xinh hơn, giỏi giang hơn, học ở ngôi trường tốt hơn, có gia đình giàu có hơn, sống trong một ngôi nhà đẹp hơn, có công việc tốt hơn và có những đứa con ngoan ngoãn hơn, xinh xắn hơn. Những điều may mắn đó của họ chắc chắn sẽ tác động đến bạn nhưng đừng vì thế mà tỏ ra ghen tỵ hay đố kỵ vì nếu thế, bạn sẽ luôn bị dày vò với những suy nghĩ tiêu cực. Nhà văn Pháp, De Balzac, đã nói: ”Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu”.

Cuối cùng, tôi đã quyết định đến buổi tiệc ký tặng sách. Tôi thấy đó là quyết định đúng đắn, tôi sẽ đến với tư cách một độc giả bình thường, chia vui với thành công của người khác. Bắt tay chúc mừng tác giả, tôi thấy thật nhẹ nhàng. Rõ ràng, tôi không thể kiểm soát doanh thu của mình hay của người khác nhưng tôi có thể kiểm soát được phản ứng của mình với điều đó. Và tôi cố gắng vượt qua nó. Nhiều lần sau đó, khi nghe một tin tốt của ai đó khiến tôi dấy lên cảm giác ghen tỵ, tôi lại nghĩ lại nghĩ đến lần tôi đến buổi tiệc ký tặng sách.

Mặc dù hơi khó thực hiện nhưng bạn hãy rèn luyện cảm giác được chia vui với người khác.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!