0017 – 0043: Bát Nàn công chúa

Thân thế của Bát Nàn công chúa

Bát Nàn, có nơi gọi là Bát Nạn hay Bát Não (17-43 Sau Công Nguyên) là một nữ tướng thời Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam. Bà được xem là một trong những tướng lĩnh có đóng góp lớn cho cuộc khởi nghĩa.

Theo dân gian, Bát Nàn tướng quân tên là Thục, tục gọi Thục Nương, khởi nghĩa ở vùng Tiên La (nay thuộc Thái Bình). Đến thời nhà Lê thì thần phả làng Tiên La được sửa chữa, tên bà được ghi chép là Vũ Thị Thục hay Vũ Thục Nương.

Hành trạng Bát Nàn công chúa

Theo thần phả, Vũ Thị Thục xuất thân trong một gia đình nhà Nho, bố là Vũ Công Chất làm nghề thầy thuốc, thầy giáo, mẹ là Hoàng Thị Màu. Sinh thời, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân.

Năm 18 tuổi, bà đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Châu. Thái thú Tô Ðịnh háo sắc, bạo tàn đã ép bà làm vợ, bị bà từ chối. Tô Định bèn trả thù bằng cách giết cha và chồng chưa cưới của bà và cho quân lùng bắt. Không để rơi vào tay Tô Ðịnh, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân, về sau dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân” (Tướng quân phá nạn).

Một thuyết khác kể rằng bà là con của hào trưởng vùng Phượng Lâu. Sau bà lấy Lạc hầu Trương Quán, một tướng lĩnh dưới quyền Thi Sách. Bấy giờ có tên hào mục là Trần căm tức vì không cưới được Thục Nương có ý “làm phản”, nên bắt giết đi. Năm 39, Thi Sách bị sát hại, chồng bà cũng bị giết. Quân Tô Định vây dinh trại, bà bèn mở đường máu chạy đến làng Tiên La, đến khi Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa thì bà hưởng ứng.

Bà được Trưng Vương phong làm Bát Nàn tướng quân, Trinh Thục công chúa. Về sau bà tham gia chống quân xâm lược nhà Hán của Mã Viện, cuối cùng tử tiết năm 43.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!