Bà Tú Ý

Cũng như nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan, tên thiệt của bà, tới nay chưa ai rõ. Theo các tài liệu mà chúng tôi tham khảo được, cũng như do lời truyền khẩu của đồng bào địa phương thì người ta chỉ gọi bà là Bà Tú Ý, vì chồng bà là ông Tú tài Mai Đình Ý. Thông lệ “bỏ tên mình để gọi theo tên chồng” của phụ nữ Việt có lẽ trong chúng ta ai cũng rõ.

Bà là con gái út của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Trung Việt). Lúc còn thanh xuân, tuy chưa phải là sắc nước hương trời, nhưng tên tuổi của bà cũng đã lẫy lừng trong cuốn sổ “những đóa hoa khôi” ở nơi Hồng Sơn Lam Thủy. Tính tình điềm đạm, ít nói nhưng không vì thế mà kém dịu dàng hòa nhã, đặc tính của con nhà khuê các Việt thời xưa. Tư chất thông minh lại ham học, bà được cụ Uy Viễn đêm ngày săn sóc dậy bảo tại ngôi nhà bên sườn núi Cấm Sơn là nơi cụ nhàn hưởng tuổi già (70 tuổi).

Người ta còn truyền tụng rằng: để thử sức thông minh của con gái, một hôm Uy Viễn tướng công bắt con gái học thuộc lòng cuốn “Đại học chính văn”. Dụng ý của Tướng công là muốn xem trí thông minh của con đến mức nào, chứ ngài không hề nghĩ rằng có thể có sự thực như thế được. Ấy thế mà, sáng ra vừa mới mở mắt, trong lúc ngài còn ngồi dùng “trà bình minh” (1) thì đứa con gái út yêu quí của ngài đã vào chắp tay thi lễ “thần tỉnh” và xin đọc bài. Ngài cười vui vẻ khẽ gật đầu cho phép rồi chờ đợi.

Nhưng niềm vui của ngài dần dần lại biến thành kinh ngạc, khi đứa con đã đọc tới hai phần ba cuốn sách rồi mà chưa phải dừng lại chỗ nào. Cuối cùng khi con đọc hết sách thì ngài cũng nguồi ngơ đi một chặp sau mới tỉnh lại. Ngồi vuốt đầu con rồi nói: “Cha biết con rồi! …”

Câu chuyện được truyền đi khắp vùng, nên từ đó bà lại nổi danh là một nữ thần đồng. Cũng từ đó Uy Viễn tướng công càng đem lòng quý mến và gia công dạy dỗ.

Tới tuần cập kê, với tài ấy, sắc ấy, lại là con nhà thi thư thế phiệt như Uy Viễn tướng công, bà rất có thể chọn được một trong số biết bao tao nhân mặc khách hay mã thượng anh hùng thường lui tới quyền môn, lòng những rắp ranh gieo tên bắn sẻ. Nhưng không! Mọi dự tính khách quan hay chủ quan đều lầm! … Và người ta ngạc nhiên xiết bao khi được tin bà thuận kết duyên với một thư sinh nghèo ở làng bên cạnh là Mai Đình ý.

Thật ra, người học trò nghèo này, chính Uy Viễn tướng công cũng đã nhiều lần nhắc tới và cho là kẻ tài đức kiêm toàn. Ngài rất mến thương, nhưng ngài không thể nghĩ rằng con gái ngài lại vượt ra ngoài mọi nhi nữ thường tình “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” để có thể kết duyên cùng gã bạch diện thư sinh này được. Tuy nhiên, vốn trọng tài đức hơn phú quý. Ông Mai D)ình Ý về sau cũng thi đỗ Tú tài, nhưng về đường danh vọng cũng không có hiển đạt cho lắm.

Vợ chồng lấy nhau vừa được ba năm, mới sinh một lần nhưng lại hữu sinh vô dưỡng. Kế đó chẳng may ông T1u lại bị bịnh mất sớm. Bà đành ở vậy thờ chồng, cam chịu thảm cảnh hiu hắt “phòng không chiếc bóng”, thực hiện câu “phụ nhân chi đạo tòng nhất nhi nhung” (người đàn bà chỉ có lấy chồng một lần).

Sau ngày hết tang mãn khó, biết bao nơi xứng đáng khác tới cầu hôn, nhưng bà vẫn một mực chối từ và thủ tiết thờ chồng cho mãi đến lúc mãn chiều bóng xế! … Phải chăng quan niệm “trung thần bật sựnhị quân, trinh nữ bất canh nhị phu” (tôi trung không thờ hai chúa, gái ngay chẳng lấy hai chồng) đã in sâu vào tâm khảm của bà, cũng như của phụ nữ Việt thời xưa không gì lay chuyển nổi, bất kỳ ở trong một hoàn cảnh éo le nào!

Bà Tú Ý không những là một người đàn bà tiết hạnh gương mẫu, mà còn là một nữ thi sĩ nữa. Xem bài văn tế phu quân, ông Tú Ý, tới nay người ta còn truyền tụng mấy câu sau này thì đủ rõ:

” … Núi Hồng Lĩnh mấy từng xanh ngắt ngắt;

Nét rêu in lờ cả chữ minh sơn.

Sông Lam Giang một dải trắng lăng lăng;

Giòng nước chảy trôi xuôi câu thệ hải, …”

” … Cắt mái tóc nối thêm lời nguyện ước;

Họa may đất trời xoay lại cho vẹn ba sinh.

Xé buồng gan gói lại mảnh tình chung;

Dám nhờ non nước đưa đi; gởi về chín suối …”

Năm 1885, khi Tây vào chiếm đóng tỉnh Nghệ An, trước cảnh dân tộc điêu linh, non sông nhỏ lệ, bà khái viết:

“Sang làm chi đó lũ Tây ôi!

Giảng đạc châu Hoan có kẻ rồi.

Há lẽ sông Thù không nước Thánh,

Mà nơi đất Thục cũng nhà trời,

Kim Thang bốn mặt nào phô dễ,

Văn hiến ngàn năm há phải chơi.

Liệu liệu bảo nhau về Phú Lãng,

Không thì máu chảy với đầu rơi.”

Bài thơ trên thiệt là cả một tâm trạng, một bầu nhiệt huyết đang sôi lên vì quân thực dân xâm lược của một mẫu người khí tiết tinh hoa truyền thống bất khuất của giống người Việt nói chung, của người dân Nghệ Tĩnh nói riêng.

Phong trào Cần Vương ở Nghệ Tĩnh hồi đó được bà tán trợ rất nhiều về phương diện vận động tổ chức … Cuối cùng, bà cũng chết vì quốc nạn như hầu hết các cụ Cần Vương ở Nghệ Tĩnh.

Bà Tú Ý thiệt là một gương trong cho nữ giới Việt về tinh thần ái quốc cũng như về đạo đức cương thường vậy.

Một nhà thơ đã tưởng niệm bà:

Gương bạn gái soi chung,

Nhớ xưa bà Tú Ý.

Chí khí cực hiên ngang;

Tình tình càng cao quý.

Yêu nước thề quyên khu,

Thờ chồng nêu tiết nghĩa.

Tiếng thơm để muôn đời,

Việt Nam nữ liệt sĩ.


(1): Dạ ngọc tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà (ban đêm lúc đi ngủ thì uống ba chén rượu để cho dễ ngủ; sáng dậy lúc thì uống ba chén trà nóng để cho tỉnh người): Không hẳn là uống đủ trà rượu ba chén, nhưng đây là lề lối sinh hoạt hàng ngày của những gia đình quyền quý Việt xưa, một lối sống có vẻ trầm lặng nhưng cũng dồi dào ý vị.

error: Content is protected !!