Sáng 3/1/2019, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức khai mạc triển lãm “Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn”.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng bút tích bằng mực son của 10 vua nhà Nguyễn qua 100 châu phê trên châu bản (tài liệu duy nhất tại Việt Nam và cũng là số ít trên thế giới lưu giữ được bút tích trực tiếp của các vị vua về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản).
Theo ban tổ chức, mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp, nhưng châu phê của các vua nhà Nguyễn trên châu bản đã phần nào thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao. Những nét bút son còn ghi dấu lại này đã tạo nên sự độc đáo hiếm có của một loại hình văn bản hành chính đẹp mắt như những tác phẩm nghệ thuật. Bút tích của các vua nhà Nguyễn trên châu bản ngoài giá trị nội dung, thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước với những quan điểm trị quốc, an dân; còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc như những bức thư pháp sống động.
Bút tích của vua Gia Long, vị vua sáng lập ra nhà Nguyễn trên châu bản hiện còn không nhiều. Tuy nhiên, qua các nét bút của vua, có thể thấy, dù với quá nửa cuộc đời bôn ba chinh chiến nhưng chữ của ông vẫn thể hiện sự hàm dưỡng cao. Trong ảnh là bút phê của vua trên văn bản của Thái Y viện, cơ quan chữa bệnh cho vua và hoàng gia.
Bút tích phê duyệt của vua Minh Mạng, vị vua thứ 2 triều Nguyễn trên Châu bản thể hiện sự năng động, quyết đoán của vua trong việc củng cố chế độ quân chủ tập quyền. Lời phê của vua trên những bản tấu của địa phương báo cáo tình hình thu hoạch mùa màng và giảm thuế cho dân còn thể hiện sự quan tâm của ông đối với nền nông nghiệp của nước nhà cũng như đời sống nhân dân lao động. Qua bút tích hiện còn, có thể thấy chữ của ông có căn cốt, cân xứng, kỹ thuật bài bản, uyển chuyển. Trong ảnh là châu phê của nhà vua về việc chẩn cấp cho dân phu tu bổ đường và nạo vét sông.
Là người siêng năng việc nước, mọi công việc nội trị và ngoại giao, vua Thiệu Trị đều noi theo đời trước, mong giữ gìn những thành quả đạt được. Lời phê của Hoàng đế Thiệu Trị trên Châu bản rất dung hòa, nhẹ nhàng. Ở góc độ thư pháp, ông chú trọng việc nhấn nhá ở đầu các nét và sử dụng liên bút nhiều.
Trong ảnh là châu phê của vua về việc đúc tiền và châu phê về việc vua đi ngự giá ra Bắc, đoạn từ Hà Tĩnh qua Nghệ An bằng thuyền.
Tự Đức là người đặc biệt yêu thích thơ văn, vì thế trên rất nhiều văn bản, lời phê của ua còn dài hơn tấu trình của quan. Qua nội dung lời phê của Tự Đức có thể thấy rõ bối cảnh lịch sử, kinh tế – xã hội, chính trị, ngoại giao của Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ 19. Đây là thời kỳ đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam. Trong ảnh là lời châu phê thể hiện sự quan tâm của nhà vua đối với giáo dục, đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Vua Khải Định là người thích cuộc sống xa hoa, chuộng sự yên ổn hưởng thụ. Trong thời gian ông tại vị, mọi quyền hành đều do người Pháp nắm, ông chẳng có chút quyền hạn nào. Bởi vậy, nội dung châu phê của vua Khải Định trên châu bản chủ yếu về các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại. Trong ảnh là lời phê của vua liên quan đến việc cầu đản; việc nhận lễ mừng, dâng biểu khánh chúc…
Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, được sang Pháp du học từ nhỏ. Nét đặc sắc trong bút phê của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn – Hoàng đế Bảo Đại là ông phê bằng cả chữ Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Nội dung bút phê của vua Bảo Đại trên châu bản, chỉ là những việc có liên quan đến tế lễ, ban phát sắc bằng huy chương cho quan lại, còn mọi công việc cai trị khác do người Pháp quyết định. Trong ảnh là lời châu phê của vua về việc dự trù ngân sách cho Nam triều và bổ dụng một viên quan lại.
Triển lãm còn giới thiệu bút tích còn lưu lại trên châu bản của các vua Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái và Duy Tân. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan tự do các ngày trong tuần (trong giờ hành chính), tại tòa nhà Triển lãm – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.