Chất liệu và kỹ thuật hội họa: Mực tàu

”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.

Léonard De Vinci.

Mực là phương tiện có ưu thế trong nền hội họa Viễn Đông. Các nghệ sĩ phương Đông trước hết tìm cách bắt gặp sự đồng nhất với vũ trụ bằng cách nỗ lực giao cảm với linh hồn của tạo vật, tức là Đạo. Vì vậy việc vẽ tự thân là một sự đào luyện tinh thần và từ đó người ta hiểu rằng việc vận dụng cây bút đòi hỏi sự họa tập cũng nghiêm ngặt như một vũ công hay một nhạc sĩ dương cầm vậy.

Chủ đề trong nền hội họa Trung Hoa và Nhật Bản rất đa dạng; nhưng thiên nhiên và các mùa được ưa chuộng hơn tranh lịch sử, cảnh sinh hoạt và chân dung nhiều. Có những khác biệt quan trọng giữa hai truyền thống: tranh Trung Hoa chủ yếu theo đường nét, nghiêm ngặt và khắc khổ; nghệ thuật Nhật Bản thì nhiều hình diện hơn, nhiều cảm xúc hơn, và đôi khi hài hước. Ngược lại, kỹ thuật được dùng ở cả hai dân tộc thực tế cũng như nhau. Mực được gọi là ”mực tàu” được chế từ than củi và mồ hóng mà ngưởi ta trộn với keo động vật để có một thứ bột nhão được đổ khuôn thành những thỏi hình chữ nhật hay hình ống rồi phơi khô. Họa sĩ tự chuẩn bị mực để dùng bằng cách mài thỏi mực trên một cái nghiên và châm nước vào để có độ lỏng như ý muốn. Độ đen thay đổi tùy theo mực được pha loãng nhiều hay ít, và vì vậy người ta có thể chuẩn bị cả một phổ màu xám. Người ta dùng một thứ giấy hút nước chế tạo bằng tre nghiền thành bột để làm mặt nền, hoặc bằng cây gai, sậy, bông vải hay vỏ cây dâu, và cả lụa được hồ bằng một dung dịch phèn và keo nữa. Theo truyền thống, giấy hay lụa được trải lên mặt đất hoặc trên bàn và họa sĩ cầm cây bút thẳng đứng trên mặt bức tranh. Sau một lúc trầm ngâm, trong đầu họa sĩ đã có hình ảnh rõ ràng cái mình sẽ vẽ; được ”cái hồn của chủ đề thức đẩy”, họa sĩ bắt đầu ”viết” bằng cử động nhanh nhẹn và nhịp nhàng của bàn tay và cánh tay. Họa sĩ phải có đủ tự chủ để lòng bàn tay không chạm mặt giấy, việc đó sẽ làm bức tranh ”không có thần” bởi vì tinh thần của chủ đề truyền qu nét bút. Một bài thơ hay một truyện ngắn thường đi kèm theo bức tranh, thư pháp thanh nhã bổ túc sự hài hòa của nét vẽ.

Trong nền mỹ thuật Tây phương, màu nước và màu bột thường được kết hợp trong một bức vẽ nét bằng ngòi bút, nhưng mực ít khi được dùng một mình. Một vài bức họa hiềm hoi vẽ bằng mực là những bức vẽ nét của Rembrandt, Van Gogh, Picasso, Matisse, Klee, Henri Michaux và Wols, hay những tranh minh họa sách như của Aubrey Beardsley, không kể những người khác. Ngược lại, nhiều họa sĩ dùng mực vẽ các bức khảo họa mà một số trong đó thuyết phục và hoàn chỉnh đến nỗi được sắp chung với các tác phẩm nghệ thuật không thể chối cãi.

Các phẩm chất khác của mực cũng đã được sử dụng ở phương Tây. Mực được dùng vẽ hình trang trí sách viết tay thời Trung cổ được chiết từ hạt ngũ bội, để lâu sẽ ngả màu nâu. Mực tàu, đầu tiên được nhập từng thỏi từ phương Đông, bắt đầu được chế tạo ở châu Âu dưới dạng lỏng vào thế kỷ 15. Mặc dầu màu đen của mực tàu luôn luôn được các họa sĩ yêu chuộng, mực nâu cũng được dùng, một mình hay kết hợp với mực tàu. Chẳng hạn như Rembrandt đãvẽ bằng mực màu nâu sậm, chế bằng mồ hóng than củi; ở thế kỷ 19, Goya, Constable và nhiều họa sĩ khác đã vẽ bằng mực sépia, mực của con mực màu nâu. Cuối cùng, màu trắng Tàu, vẽ trên giấy màu với một đầu bút thật mịn và phối hợp với mực nâu và đen, cho phép tạo ảo ảnh về không gian và hình khối.

Ngòi bút là dụng cụ truyền thống của các họa sĩ phương Tây để vr4 bằng mực. Tất cả ngòi bút tiên đều bằng cọng sậy, và những họa sĩ như Rembrandt, Van Gogh đã biết cách khai thác và đứt đoạn. Lông ngỗng được những người trang trí sách thời Trung cổ sử dụng thì mềm dẻo và dễ vận dụng hơn. Ngày nay lông ngỗng đã được thay bằng ngòi bút thép đủ cỡ, lớn hoặc nhỏ hơn và mềm hay cứng hơn.

Tranh Đêm trắng

Tác giả: Han Gan, họa sĩ Trung Hoa

Bút lông của họa sĩ Trung Hoa thời kỳ này được làm bằng lông sói, dê hay huo7u, cột lại thành chùm nhọn và cắm vào cán trúc. Sự căng thẳng của dây cương được thể hiện bằng bút pháp miêu tả rất tinh vi; để tả các bắp thịt và nhấn mạnh trạng thái bị kích thích ở đầu và chân ngựa, họa sĩ làm nổi bóng một cách tinh tế những điểm trọng yếu với rất ít nét.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!