Chất liệu và kỹ thuật hội họa: Sơn dầu vẽ trực tiếp

”Cái bất hạnh đối với một họa sĩ là để cho lý thuyết lấn bước thực hành”.

Léonard De Vinci.

Trong thế kỷ 19, truyền thống vẽ trên nền tô màu sẵn dần dần mất đi, và bút pháp của họa sĩ tỏ ra mạnh bạo hơn. Các tiến bộ khoa học đã cho phép hoàn chỉnh các màu bền có độ mạnh cao, và nhờ vậy họa sĩ có thể chỉ trong một lần qua màu có được những sắc độ mà cho tới lúc đó anh ta phải rất khó nhọc mới đạt được hiệu quả thị giác của những lớp màu liên tiếp và sự tương phản của những màu bổ túc. Một vật liệu dễ mang theo và việc thương mại hóa những ống màu ngay từ khoảng 1840 đã giải phóng họ khỏi những bó buộc của việc vẽ trong xưởng. Cùng lúc đó, sự phát minh kỹ thuật nhiếp ảnh đe dọa soán đoạt những chức năng truyền thống của hội họa đã kích thích các họa sĩ thăm dò những con đường mới và xác định lại vai trò của họ trong chiều hướng của sự diễn đạt có tính cá nhân lớn hơn, vượt xa sự minh họa đơn thuần.

Bằng sự mạnh mẽ và tự nhiên của bút pháp, Constable và Declaroix là những người đầu tiên dự cảm được cái lợi mà người ta có thể rút ra từ kết cấu đặc thù của sơn dầu; Whistler cũng khai thác khía cạnh đó bằng cách nhấn mạnh trong tranh của mình các giá trị hình thể và trang trí, của tranh in tay và đồ họa Nhật Bản dựa theo kỹ thuật và bố cục mình. Khuynh hướng lánh xa ngày càng tăng việc làm trau chuốt của các họa sĩ hàn lâm để có tự nhiên hơn đã đạt tới cực điểm với các họa sĩ ấn tượng, họ cảm thấy nhiếp ảnh kích thích họ hơn là đe dọa. Những điểm nhìn tùy tiện của các bức ảnh chụp chớp nhoáng làm họ say mê, cũng như khả năng năm bắt những hiệu ứng ánh sáng thoáng qua mà họ cố thể hiện bằng ngọn bút.

Các họa sĩ ấn tượng ”vẽ ngoài trời” như Pissaro đã khai thác cường độ của các sắc tố mới bằng cách vẽ trực tiếp lên vải phủ một lớp lót trắng. Bỏ ảo tưởng hình khối và cách thể hiện theo lối tự nhiên các bề mặt, họ chú ý tới những rung động của ánh sáng được gợi lên bằng cách đặt kề nhau những nét màu tươi. Kỹ thuật ấn tượng đòi hỏi sự hội giác nhanh và đúng những màu sắc đang thay đổi của một phong cảnh dưới một ánh sáng nào đó.

Cézanne và Seurat đã nỗ lực hệ thống hóa phần nào những kinh nghiệm của các họa sĩ ấn tượng. Seurat đã phân tích màu sắc một cách khoa học trong khi Cézanne đã xây dựng bằng trực giác và có tính tiệm tiến hơn, một kỹ thuật để thể hiện hình thể bằng cách dùng bút lông gần như nó là chiếc đục của nhà điêu khắc. Van Gogh say mê sự mềm dẻo của sơn dầu, nó cho phép ông thể hiện không gian, hình khối, kết cấu và ánh sáng bằng những nét mạnh mẽ với màu thuần túy; Munch và các họa sĩ ấn tượng cũng theo chân ông về mặt nầy. Ở thế kỷ 20, sự quan tâm tới khả năng thể hiện đó của sơn dầu chỉ lớn mạnh thêm, để đạt tới cực đỉnh trong chủ nghĩa biểu tượng trừu tượng, chủ nghĩa nầy thường biến thành sự ca tụng ồn ào chính cái hành vi của người vẽ: nó trở thành một cuộc vui thật sự cho mắt nhìn.

Tranh Phối hợp màu trắng số 3, hoàn thành năm 1867

Tác giả: James Abbott McNeill Whistler, họa sĩ Mỹ.

Ảnh hưởng của mỹ thuật phương Đông đã mang tới những thay đổi quan trọng trong thái độ của các nghệ sĩ châu Âu về phương diện hình họa và kỹ thuật hội họa. Đặc biệt là bức tranh của Whistler: ông khai thác triệt để tính mềm dẻo của sơn dầu – sự tinh tế và nhẹ nhàng của bút pháp ”màu nước đơn sắc” là do ảnh hưởng của thư pháp Nhật Bản.

Tranh Một góc rừng

Tác giả: Paul Cézanne, họa sĩ Pháp

Mỗi nét bút tham gia việc xây dựng hình khối, cấu trúc, kết cấu, không gian và ánh sáng mà vẫn dựa vào khung màu thiết lập trước. Trong giai đoạn thuầ thục, Cézanne phác họa phần chủ yếu của đường viền và chỉ thị các bình diện xa bằng màu lam. Dành màu trắng lớp lót cho các bình diện trực diện, sau đó ông tiến hành vẽ những vệt màu lan rộng để tạo các khoảng chuyển tiếp giữa bóng và ánh sáng trên các mặt khác nhau của các khối, bằng cách điều biến sắc độ và nhiệt độ. Để những chỗ chuyển tiến tinh vi hơn, và phóng các hình thể về phía người xem bằng cách cho người xem một cảm giác về một điểm nhìn thay đổi, ông vạch những đường viền khô và mạnh mẽ mà ông sửa đổi, xóa bỏ và trau chuốt một cách kiên nhẫn theo dòng tiến triển của công việc. Các tác phẩm của ông mang dấu vết của những cố gắng đó.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!