Ngôn ngữ hội họa: Họa tiết trang trí

‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.

                                                                                     Light Enstein

Ngay khi có thì giờ rãnh và tài năng, các dân tộc trên thế giới đã mong muốn tô điểm các bề mặt: thân thể mình, quần áo, chén bát, thảm, tường, binh khí, … Và những bức tranh trang trí đó thường rất đẹp và tài tình. Nghệ thuật và sự giả tạo không bắt buộc phải đi đôi với nhau; trái lại người có khiếu thưởng ngoạn tinh tế thấy có những bức tranh quá nhiều chi tiết và rắc rối, trong khi đó những bức tranh khác có giá trị vì sự đơn giản thanh nhã của nó; đồ gốm Trung Hoa đời Tống là một thí dụ.

Trong hội họa, họa tiết trang trí là kết quả của một loạt lặp đi lặp lại các đường, ình thể, sắc độ, màu hay nét bút. Sự phân biệt/ hình diện có thể trở thành mập mờ trong các họa tiết trừu tượng; một trường hợp đơn giản là cái bàn cờ: những hình vuông trắng trên nền đen hay ngược lại? Nhưng, trong nghệ thuật biểu hình, họa tiết trang trí thường không có hai nghĩa. Được các họa sĩ vẽ những thể loại rất khác nhau sử dụng, người ta thấy họa tiết trên quần áo trong tranh mộc bản Nhật, trên vải vóc và dinh thự thu nhỏ của người Ba Tư và Ấn Độ; trên màn trướng bằng lụa dày ở Crivelli và Véronèse; trên giấy màu và vải in hoa vreton của Vuillard và matisse; và cuối cùng, ở các họa sĩ lập thể, nhất là Picaao và Braque, và nhiều người khác nữa.

Vậy, cái gì làm động cơ cho sự cuồng nhiệt như vậy, và những họa tiết trang trí tượng trưng cái gì trong hội họa? Chúng ta đã nhận thấy rằng, cũng như kết cấu, các họa tiết làm chậm sự tri giác bề mặt lại, phần nào giống như đường đất mu rùa buộc xe phải chạy chậm lại vậy. Nhưng, chúng ta đã thấy, nếu kết cấu đánh dấu sự hao mòn vì thời gian thì họa tiết trang trí dù tự nhiên hay nhân tạo được gắn liền với ý tưởng về mục đích kiến tạo, và thường là với niểm vui sống, với sự dồi dào, với năng lực sáng tạo.

Ở đầu thế kỷ XX, họa tiết trang trí với tính cách để tô điểm đơn thuần đã bị các nhà phê bình nghệ thuật làm mất tín nhiệm để phản ứng lại sự lạm dụng của những nhà giàu mới ở cuối thế kỷ 19, họ chất đầy phòng những đồ trang trí tạp nhạp và ít nhiều ngoại lai. Dưới sự thúc đẩy của kiến trúc sư Áo Adolf Loos (1870 – 1933), và những nhà sáng lập trường nghệ thuật Bauhaus (Đức) đã xuất hiện một nền đạo đức nghiêm nhặt về kiến trúc và thiết kế, dứt khoát gạt bỏ mọi yếu tố không có chức năng trong một cấu trúc nào đó, như vậy đã loại bỏ yếu tố trang trí thừa. Nhưng khẩu hiện khắc khổ và tiết kiệm phương tiện đó không dập tắt được say mê của nghệ sĩ đối với ấn tượng đối xứng cố hữu ở họa tiết trang trí, như tác phẩm của Mondrian cho thấy. Ở thời chúng ta, hai khuynh hướng đã được khẳng định: khuynh hướng nghệ thuật tối thiểu mà họa sĩ tiêu biểu nhất là Frank Stella, chú ý tới hiệu quả trang trí trước hết mọi thứ và nghệ thuật mẫu chuẩn hay hàng loạt đặt cơ sở trên sự đều đặn và sự lặp lại, nó ca tụng tính khách quan toán học trong lòng một hệ thống kín.

Tuy nhiên, họa tiết không phải bao giờ cũng kéo theo một mục đích trang trí. Nó cũng có thể là sự mua vui vô hại như một phương tiện truyền đạt tượng trưng, nhất là trong nghệ thuật cách điệu hóa của Hồi giáo hay Đông phương. Đó cũng là một phương cách dùng hình thể nhằm tạo một sự điều hòa thị giác, hoặc khi họa tiết chỉ có một mình, thì trái lại nhằm góp phần cho sự đa dạng hơn của bức tranh. Lạc thú thẩm mỹ thường sinh ra từ sự tương phản mà ta có thể thấy được ở Matisse, Hillard và Braque chẳng hạn. Sự thiếu vắng họa tiết trang trí làm nghèo nàn tranh của Matisse tới mức độ làm ta phải sửng sốt, và dù chức năng của nó là gì đi nữa thì chắc chắn là họa tiết trang trí thường làm cho bức tranh phong phú hơn.

Khi chúng ta xem xét gần một họa tiết, tấm chăn sọc phủ giường mà nàng cung phi của Matisse nằm trên đó chẳng hạn, hay những tấm nệm của Stanley Spencer, chúng ta gặp một kinh nghiệm kép: chúng ta nhận thức vừa sự đều đặn của bề mặt vừa sự đổi hướng trong không gian ở chỗ mà sự đều đặn bị phá vỡ, thí dụ như trong đường cong của các lằn sọc ở tranh Matisse. Thế là chúng ta thấy trong họa tiết một trợ thủ để giải thích, chính xác và quý giá.

Tranh khắc Cá chép nhảy dưới ao, cuối thế kỷ 18.

Tác giả: Hokusai, họa sĩ tranh khắc Nhật Bản

Không làm hỏng tính tự nhiên của hình ảnh, họa sĩ dùng dợn sóng, thảo mộc, vây và vảy cá làm họa tiết trang trí. Thế giới thật và sự cách điệu hóa, đặc biệt là tượng trưng cho nước trong những vòng tròn đồng tâm, gặp nhau một cách kỳ diệu trong cái khoảnh khắc tự nhiên như thực mà đồng thời được tổ chức kỹ lưỡng.

Tranh Marilyn Monroe, 1962

Tác giả: Andy Warhol

Khác với Braque hay Spencer, ở đây sự lặp lại có vẻ ám ảnh, vì một vài ”dị bản” trong loạt hình có vẻ do sai sót là cố ý. Trong chuỗi hình ảnh theo hệ thống này, trong cái nghịch biện của nghệ thuật trí thức nầy, sự đơn điệu của đời sống một người nổi danh đã được làm tỏ rõ hơn là được ca tụng. Trong việc lặp lại cứng nhắc nầy, họa sĩ là phương tiện trug gian không thể thiếu, nhưng ta có thể tự hỏi Warhol có nhìn nhận cho nó một giá trị trang trí như các họa sĩ khác không.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!