Ngôn ngữ hội họa: Các mẫu không gian hội họa

‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.

                                                                                     Light Enstein

Có nhiều cách khác nhau để tổ chức không gian trong một bức tranh, và có thể được phân thành ba dạng thức chính. Vì những lý do đã nêu, việc xử lý không gian hội họa ít nhiều phản ánh những cách nắm bắt thực tại khác nhau.

Mẫu không gian cơ bản nhất thấy có trong nền nghệ thuật bộ tộc hay khoa huy hiệu thời Trung cổ; hình ành là những mẫu gốc hơn là sự thể hiện thật sự các đối tượng đặc thù. Trong những bức vẽ như vậy, không gian hội họa, có thể nói là ‘thần diệu’, được rút lại còn hai chiều. Tất nhiên là hình diện, như một con sư tử trên huy hiệu chẳng hạn, được đặt trước một cái nền, nhưng không có một ám chỉ nào về chiều sâu, phối cảnh lại càng ít có hơn. Các hình thể đè lên nhau và thực tế là không phải gối lên nhau, và các vật được biểu thị dưới dạng tiêu biểu nhất, thậm chí như tài liệu tham khảo, nhìn thẳng hoặc nhìn nghiêng hoặc giả nhìn theo cả hai mặt cùng một lúc. Tất cả những hình thể có đường viền hoàn toàn rõ nét và chính xác được phủ đầy màu nguyên chất đều sắc và được chọn lựa theo tinh thần tự nhiên vì ý nghĩa tượng trưng của chúng.

Một mẫu không gian phức tạp hơn, có thể nói là có ‘trí tuệ’ hơn, được minh họa trong các tranh khảm hay thánh tượng thời kỳ Byzance. Sự thể hiện cử chỉ và nếp áo trở thành khuynh hướng tự nhiên đã xuất hiện một chiều sâu nhất định cũng như các hình thể lấn chồng lên nhau chút ít; các giá trị khác nhau của màu đã được dùng, trừ cái nền thì lóng lánh ánh vàng, nó không thể hiện không gian vật chất mà được dùng làm chỗ ghi lời của Thượng đế. Trong những tác phẩm như vậy, nghệ sĩ không quan tâm tới diện mạo của các đối tượng nhiều bằng mối quan hệ của chúng với chủ đề tư tưởng mà anh ta muốn chúng ta chia sẻ. Nói cách khác, đó là mục lục các khái niệm được thể hiện bằng hình thể theo một thứ bậc nào đó.

Không gian ‘tự nhiên’ hay ‘thị gian’ không bắt nguồn từ một điểm nhìn chọn lọc nữa mà được đặt trên bình diện miêu tả: các đối tượng được trình bày ít nhiều giống như chúng ta có thể nhận ra chúng trong cuộc sống hàng ngày. Trong nghệ thuật La Mã đã có những bước bắt đầu của mẫu không gian nầy, nhưng nó chỉ xuất hiện lại ở châu Âu trong nền nghệ thuật gothic. Giotto và Duccio đã có trực giác về nó, thế nhưng không luận bàn về nó một cách triệt để được. Chính các họa sĩ Phục Hưng sơ kỳ say mê luật phối cảnh đã nâng nó lên thành chuẩn mực cho tới khi Cézanne tu chỉnh nó và tới phiên các họa sĩ lập thể chối bỏ nó hoàn toàn. Mẫu không gian nầy, kết hợp chặt chẽ với sự làm chủ luật phối cảnh, thường được gọi một cách chính đáng là không gian của thời kỳ Phụ Hưng.

Trong các bức tranh của thời kỳ Phục Hưng, không gian được tổ chức thành những bình diện song song, tạo thành ba phần riêng biệt: tiền cảnh, cảnh trung gian, hậu cảnh; nhưng trong thế kỷ 16, sự nối kết rõ ràng và chặt chẽ đó đã từng chút bị bỏ rơi để theo các cấu trúc nghiêng và xoay trong đó các thể khối được đặt chéo góc đối với mặt phẳng của bức tranh và thị trường của người xem. Vì những mục tiêu khác nhau, mẫu không gian nầy được các họa sĩ kiểu cách và dị điển sử dụng. Đó là sự chiến thắng của nghệ thuật ảo ảnh, so với không gian thời kỳ Byzance sự gợi ý xâm nhập chiều sâu bề ngoài của không gian và để bị lôi cuốn vào những vòng xoáy mãnh liệt nhưng có kiểm soát của các hình diện hoạt động.

Người ta thường thấy trong nghệ thuật Nhật Bản có một hình thức giảm thiểu của mẫu không gian nghiêng và xoay đó; hiệu quả mong muốn là làm cho người xem có cảm giác bắt gặp một cảnh riêng tư thầm kín trong gia đình. Đó là cái trái ngược hẳn với sự kiện ly kỳ, đó là một khoảnh khắc thường ngày, vừa tầm thường vừa cảm động.

Ngoài sự chằng chịt của các hình thể và đường chéo, họa sĩ còn c1o sẵn những phương tiện khác để thể hiện chiều sâu của không gian hội họa, nhất là cách dùng luật phối cảnh ‘không trung’ hay khí quyển’. Rút ra từ sự quan sát một hiện tương vật lý, thuật ngữ nầy do Léonard de Vinci đặt ra; nhưng ngay từ thế kỷ II của kỷ nguyên nầy, Ptolémée đã chú ý tới hiệu ứng quang học do sự đậm đặc của ‘khí quyển’ sinh ra, đó là đối tượng càng ở xa người quan sát thì chúng càng có vẻ mờ nhạt và có màu phơn phớt xanh. Nếu Léonard de Vinci đã biết khai thác một cách tuyệt vời những khả năng của một hiện tượng như vậy thì một số môn đệ của ông đã lạm dụng phương pháp đó. Nhưng sau họ thì các họa sị Bắc Âu, nơi không khí có nhiều sương mù hơn và tác động của ánh sáng đa dạng hơn, đã sử dụng phối cảnh không khí với óc quan sát và tài năng thể hiện tinh tế. Trong số những tác phẩm sau cùng của Turner – cũng là những tác phẩm táo bạo nhất – chính không khí trở thành đề tài của bức tranh và là nhân tố duy nhất của cấu trúc không gian.

Tranh ba tấm Porinari – Mục đồng chiêm ngưỡng chúa Hài đồng

Tác giả: Vander Goes, Hugo.

Bức tranh nầy là thời kỳ chuyển tiếp giữa thời kỳ Gothic và Phục Hưng. Không gian được thể hiện theo chiều sâu, nhưng sự sai biệt tỷ lệ giữa Đức Mẹ Đồng Trinh và các thiên thần là nét đặc trưng của hội họa thời Trung cổ.

Tranh: Mặt nạ gấu

Tác giả: Bộ tộc Tlingit, Bắc Mỹ

Hơn cả hình ảnh của loài gấu, khúc gỗ sơn này gợi ý sự có mặt của muông thú. Cách thể hiện hai chiều là đặc trưng của nghệ thuật vật tổ.

Tranh: Le Tintoret (Bacchus và Ariane), 1578

Tác giả: Jacopo Robusti

Động tác phóng người quay theo đường xoắn ốc và những cử động cầu kỳ là điển hình của trường phái kiểu cách, chẳng khác nào sự dễ dàng mà các hình diện chiếm không gian bề mặt và chiều sâu.

Tranh: Chuông chiều, 1766

Tác giả: Harunobu Suzuki, họa sĩ tranh khắc gỗ Nhật Bản

Ở đây, không gian được diễn đạt theo đường chéo, không có điểm tụ như trong trong phối cảnh hình học và hai hình dáng thanh tú có vẻ như bềnh bồng với khung cảnh quanh họ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!