Ngôn ngữ hội họa: Sự chiếu hình

‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.

                                                                                     Light Enstein

Khác với nhà điêu khắc, để thể hiện vật thể trong không gian ba chiều, họa sĩ phải vượt qua nghịch lý đầu tiên: vì chỉ có trong tay một bề mặt hai chiều, anh ta phải nhờ tới những phương chước khác nhau để tạo ra ảo ảnh về chiều thứ ba.

Các phương chước đó được gọi là các phép chiếu vì đây đúng là chiếu các thể khối lên một bề mặt phẳng bằng cách làm bẹt chúng ra. Phương pháp chiếu quen thuộc với chúng ta tức phối cảnh thị giác đã được đề cập ở chương trước. Đó là một kỹ thuật tương đối mới vì nó chỉ được áp dụng một cách hệ thống từ đầu thời Phục Hưng ở Ý. Thế thì chúng ta sẽ khảo sát phương pháp chiếu được dùng từ trước cho tới lúc đó và ngày nay được các họa sĩ hiện đại dùng trở lại trên đường tìm kiếm cái mẫu chuẩn, cái có tính khái niệm và cái trường cửu, những thứ đã sinh ra sự tinh tế mà vĩ đại của nghệ thuật thời nguyên thủy.

Người ta đã sơ đồ hóa các kiểu chiếu hình chính không dựa vào luật phối cảnh. Đối tượng được chọn có dạng khối và ít nhiều có vẻ gần với một cái ghế trên đó có đặt một quả cầu và một ống tròn. Bảy hình chiếu có thể quan niệm được trình bày; chỉ có kiểu cuối cùng là hoàn toàn tùy tiện.

Giá trị của mỗi phương pháp chiếu khác nhau đó dựa trên hai tiêu chuẩn: trước tiên là tiêu chuẩn thông tin: sự thể hiện hình thể đó có đủ rõ ràng không? Thành phần nào không có mặt, bị biến dạng hay mập mờ? Kế đó là tiêu chuẩn thẩm mỹ: phương pháp chiếu có làm cho các hình thể xấu đi hay chỉ khó giải thích thôi? Tuy nhiên, loại nhận xét nầy không thể áp dụng cho việc xem xét giản đồ mà có tầm quan trọng thật sự khi có liên quan tới một tác phẩm nghệ thuật.

Thực tế là hiếm có họa sĩ nào chỉ dùng duy nhất một phương pháp cho một bức tranh. Bức tiểu họa Ba Tư được in lại sau đây cho thấy có nhiều phương pháp được dùng. Tấm thảm được dùng làm tán nghiêng xéo đi để chỉ rằng nó được dùng để che cái ngai, nhưng nó lại được vẽ theo bình đồ. Bản thân cái ngai được nhìn một phần theo phối cảnh đảo ngược và theo phép chiếu đẳng cự, hay gần như vậy. Gạch lát và tấm thảm trên sàn được thể hiện theo bình đồ trong khi các nhân vật theo hình chiếu thẳng đứng. Bức tranh của Chagall (Sinh nhật) cũng tập hợp nhiều hệ thống chiếu, còn bức tranh của Braque (Vĩ cầm và vại) phối hợp trong một hình ảnh của một ciếc vĩ cầm nhiều cách nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Tranh tường Ai Cập chỉ cần tới hai phép chiếu: chiếu thẳng đứng cho cây cối, cá, người, và bình đồ cho cái ao. Đồ họa Trung Hoa làm nổi bật tính song song của các đường, nhưng hệ thống nầy không hoàn toàn chặt chẽ vì có sự phân kỳ giữa các đường gạch lát và mái nhà.

Từ các kiểu chiếu nầy ta rút ra được một nguyên tắc chung: vị trí hàng đầu không được ban cho sự tri giác thị giác về vật được thể hiện mà cho toàn bộ thông tin người ta có về nó, không chỉ bằng cách nhìn nó mà còn và nhất là bằng cách sờ nó, đo nó và nghe nói về nó bằng cách đi vòng quanh nó theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Sự thể hiện tri thức vừa có tính cảm giác lẫn trí tuệ nầy đã sa sút ở đầu thế kỷ XV khi các họa sĩ Florence bắt đầu quan sát và thể hiện thế giới một cách khoa học hơn. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, các kỹ thuật cũ đã lại dần dần nổi lên do tác động của các khám phá trong lãnh vực vật lý và vũ trụ học, những khám phá đã làm đảo lộn tất cả những tin tưởng chắc chắn có từ trước về bản chất của vũ trụ, người ta đã cảm thấy những bước bắt đầu quay về nguồn đó trong những phong trào hậu ấn tượng, nhất là ở Cézanne. Các họa sĩ lập thể đã tiếp sức và tạo ra thêm thể thức tự do cho các họa sĩ đồng thời, trong đó có Chagall.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!