Ngôn ngữ hội họa: Đường – hình thể – đường viền và chỗ kết nối

‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.

                                                                                     Light Enstein

Lịch sử hội họa bộc lộ sự phân rẽ giữa các họa sĩ xây dựng tranh của mình chủ yếu bằng đường nét và các họa sĩ dự kiến bố cục theo mảng. Nhà lý thuyết nghệ thuật nổi tiếng Heinrich Wolfflin lần lượt gọi hai quan niệm đó là “đường nét” và “hình thể”. Không thể chối cãi là Botticelli thuộc nhóm thứ nhất và Vélasquez thuộc nhóm thứ hai, cũng như nhiều họa sĩ vĩ đại châu Âu khác, như Rembrandt và Titien, nhất là trong thời kỳ thuần thục của họ. Nhưng không phải vì thế mà đường nét không có khả năng miêu tả mạnh mẽ và sức quyến rũ nhất định do khía cạnh nguyên thủy và tự nhiên ban cho nó. Vậy nên ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng chính của nó trong bất kỳ bộ môn nghệ thuật thị giác nào.

Đường nét có quan hệ chặt chẽ với chuyển động, vì trong khi theo dõi đường nét, cái nhìn của ta làm cho nó trở thành hoạt động. Chúng ta cũng thấy đường nét tùy thuộc các quy luật trọng lực, nghĩa là chúng ta nhận thấy chúng khi thì thăng bằng, khi thì mất thăng bằng, như các đường chéo chẳng hạn. Đường đơn giản nhất, hoặc sự xếp đặt sơ đẳng nhất, tùy theo nét vạch yếu hay mạnh, sẽ gợi lên sự uể oải mơ màng hay trái lại mạnh bạo gay gắt.

Một đường có thể tạo ra những hình thể, một mặt phẳng hai chiều chư quân “rô” của cỗ bài chẳng hạn, hoặc giả hình chiếu phẳng của một thể khối, như bảng tín hiệu giao thông chỉ rõ công trường đang hoạt động. Đường viền là cái giới hạn hình thể hay mép ngoài của một vật có ba chiều nhìn dưới một góc nào đó. Ta có thể nói khái quát rằng bất kỳ bức tranh nào, dù được diễn đạt bằng mảng, cũng phải cần tới một đường viền tối thiểu để giúp chúng ta ghi nhận hình thể. Quan niệm”hình thể” thực tế là không có trong hội họa Tiền Phục Hưng hay hiện tại, cũng như trong mỹ thuật ngoài châu Âu. Cho nên, có vẻ như nó chỉ là thứ yếu so với quan niệm “đường nét”, điều này không làm nó mất sức biểu hiện chút nào. Bức bích họa diễm tuyệt ở Stabies thời kỳ La Mã, Thiếu nữ hái hoa là một trường hợp đặc biệt: trong một chừng mực nào đó, cái bóng người là một mảng tô màu, nhưng được cô lại ở đường viền, nhưng vẫn rất thanh tú. Một số hình thức hội họa nhất định, như tranh trên bình gốm Hy Lạp chẳng hạn, hoàn toàn dựa trên đường viền và người khỏa thân của Modigliani minh họa một cách hùng hồn năng lực khêu gợi của đường nét trong bóng nổi điều độ của các khối tròn.

“Chỗ tiếp nối” chỉ cái cách những hình thể kế cận nối vào nhau, mà mỗi hoa sĩ thể hiện rất khác nhau. Buffet thể hiện một thế giới cứng và giòn mà dường như một va chạm nhẹ cũng có thể làm vỡ vụn tất cả; trái lại, Michel Ange tập hợp các hình thể lại với nhau chắc chắn đến nỗi không gì có thể lay chuyển được. Thực tế là, nếu có sự phân rẽ, đó là sự phân rẽ giữa một bên là thế giới vô cơ, thí dụ như thế giới cơ khí của thời đại chúng ta, với một bên là tế giới hữu cơ. Vì vậy, sự lựa chọn của họa sĩ giữa hai thái cực đó thường cho thấy quan niệm nhân sinh của anh ta và quan hệ của con người, và lúc đó sẽ dễ xác định vị trí của anh ta hơn.

Botticelli tạo hình thể bằng đường rõ nét và chính xác, và chỉ chuyển bóng rất nhẹ để gợi lên nét tròn trịa của gương mặt. Trong phương pháp thể hiện nặng tính hình thể của Vélasquez thì ngược lại, không có đường viền nào rõ nét; các hình thể tan hòa vào nhau, không nhận rõ. Sóng mũi mạnh mẽ chỉ được thể hiện bằng sự chuyển biến sắc độ tinh tế mà họa sĩ nắm kỹ thuật rất vững vàng.

Hình tượng khổng lồ của Adam do Michel Ange vẽ và những nhân vật góc cạnh và mỏng manh như sợ chỉ do Buffet vẽ tượng trưng hai quan niệm đối chọi về chỗ tiếp nối. Tính chất linh động nhịp nhàng của thân mình Adam gợi lên sức mạnh tiềm tàng đang thức giấc, sự mềm dẻo của bắp thịt người trẻ. Ngược lại, Buffet tự thể hiện như một con rối sắp vỡ tung và chẳng ổn định hơn cái giá vẽ là mấy. Tính trong sáng của hình ảnh thứ nhất và tính thống thiết khắc khoải của hình ảnh thứ hai có liên quan trực tiếp tới cách thức “tiếp nối” của chúng.

Trong thiên nhiên, các hình thể ít khi nối với nhau theo góc nhọn: luôn luôn có sự sát nhập từ từ các đường viền, như trong sự ra lá của cây. Bộ chữ Roman với nét bạnh ở đầu bắt chước kiểu nối kết sinh học đó, khác với chữ in hiện đại.

Bức bích họa tìm được gần Pompéi nầy, tiêu bản quý giá của nền hội họa cổ đại, là một minh họa tuyệt vời của hình vẽ nét. Đường viền của hình diện đôi khi được gọi là Thần hoa hay Mùa xuân đó kết hợp hết sức thanh tao những đường cong của cánh tay và vai với các nếp áo, tạo một ấn tượng chuyển động hết sức gợi cảm.

Bóng nổi vừa đủ để tránh cảm giác của hình vẽ phẳng bẹt, nhưng vẻ mềm mại của chỗ kết nối làm cho hình thể có vẻ chắc chắn và mềm dẻo.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!