‘Tổ chức sự nhận thức, đó là mục đích của nghệ thuật’.
Light Enstein
Nói về hội họa như nói về một ôn ngôn ngữ thì có đúng không?
Chắc chắn là đúng, trong phạm vi mà hội họa là một phương tiện truyền đạt ý tưởng và tình cảm; quả là người nào đã quen với truyền thống và quy lệ trong lãnh vực này đều có thể ‘đọc’ được một bức tranh, theo nghĩa hẹp của từ này.
Những phối hợp của màu sắc, đường nét hay hình thể đánh thức trong chúng ta những tiếng vang của thế giới xung quanh. Vì thế những đường dợn sóng có khuynh hướng gợi ra hình ảnh của nước; những đường gãy, những vách núi hay tia chớp. Mọi người đều nằm dài ra để ngủ và ngồi dậy lúc thức, do đó có những phối hợp tương ứng mà đường nằm ngang và đường thẳng đứng gợi lên. Còn các đường chéo thì gợi ý sự bất ổn định, chuyển động và xu hướng hoạt động. Vòng tròn và hình thuẫn giống với mắt hay nhữ hoa và,trong những bối cảnh khác, mặt trời, mặt trăng hay vũ trụ.
Một bức tranh với màu sắc tươi sáng và tương phản và hình thể góc cạnh, sẽ tạo một không khí khác hẳn với một bức tranh có sắc độ phơn phớt và những đường cong mềm mại. Sự tương tác của màu, của hình thể và của đường nét còn tạo ra những hiệu ứng quang học mà không ai là không cảm thấy.
Bất kỳ bức tranh nào cũng có những nét đặc trưng của một thời đại, một địa phương hay một người, mà ta có thể gọi bằng từ ‘bút pháp’ hay ‘phong cách’. phong cách (sẽ được nghiên cứu chi tiết sau) chủ yếu là sự lựa chọn những phương tiện, có ý thức hay không, cách thức sử dụng riêng biệt những yếu tố khác nhau như màu, màu đặc sệt, hình thể, trong các khả năng có thể lựa chọn.
Màu thường là yếu tố gây ấn tương mạnh nhất, nhưng so với hình thể nó có vẻ thứ yếu. Thật vậy, một bức ảnh đen trắng chụp lại một bức tranh màu sắc phong phú vẫn có thể cho ta một khái niệm về phẩm chất của bức tranh gốc, trong khi bảng mẫu chi tiết của màu đã được dùng sẽ không có ý nghĩa gì nếu bị tách khỏi hình thể, dù cho nó rất đẹp mắt.
Trong hội họa biểu hình, các phương tiện hình thể được dùng có thể thấy rõ trong sự thực hiện chủ đề của bức tranh; ngược lại, trong hội họa trừu tượng, các phương tiện đó cấu thành chủ đề trong chính chúng. Cũng như cách thức nhà soạn nhạc sử dụng tùy ý các hòa âm để tổ chức chúng không phụ thuộc bất kỳ bối cảnh có ý nghĩa nào, họa sĩ trừu tượng thực hiện sự sắp xếp các hình thể, màu sắc và kết cấu. Có thể nói rằng đây là cái cốt yếu của bức tranh, cái ngôn ngữ phổ biến ẩn dưới mọi sự biểu thị bằng hội họa.
Trong tất cả các tranh của các danh họa cổ đại, từ thời Phục Hưng Sơ kỳ cho tới củ nghĩa tân – cổ điển, sự phân bố bóng và ánh sáng phần nhiều độc lập với đường viền của đối tượng, do việc này mà đối tượng phải xác định rõ ràng nhiều hay ít. Trong bức Bacchua và Ariane, bóng và ánh sáng tan loãng vào nhau khó phân biệt, nhưng trên hình chụp được đơn giản hóa này, chỉ có năm giá trị sắc độ được dùng tới; tác dụng của bóng và ánh sáng do đó được nổi bật lên, góp phần vào sự sinh động của bức tranh và làm nổi bật sự cân bằng tinh tế của toàn sắc chung, đó là sự thống nhất trong cái đa dạng đặc trưng của Le Titien.
Chúng ta có cơ sở chắc chắn là Le Titien đã dựa vào hình học và số học để phân chia không gian; quả là vào thời ông, các môn toán học là một phần công việc học tập của các họa sĩ và kiến trúc sư. Ở đây Le Titien đã chia bề rộng và bề cao thành chín đơn vị và đã đặt những điểm chính ở khoảng 4 và 6 ở mỗi chiều. Cách làm này có thể coi như yếu tố tương đương trong không gian của quãng năm âm trong âm nhạc. Cấu trúc hình học của bố cục còn đượng củng cố bằng các đường chéo thêm vào khung ô vuông cơ bản.
Họa sĩ đã biểu thị sự ham muốn của Bacchus đối với Ariane và phản ứng vì kinh ngạc của cô này bằng những cử chỉ mạnh mẽ và nhiều vẻ, các trục chính của những cử động này được tượng trưng bằng những đường trắng đậm. Mũi tên chỉ hướng có thể có của chuyển động, dầu rằng trục nào cũng có thể đi theo hai chiều xuôi ngược; nhưng một số nhất định xung động là rõ ràng: thí dụ như thân mình của Bacchus quay về phía Ariane theo đường xoắn ốc từ bàn chân phải tới bàn tay phải, trong một cử chỉ chống đỡ trước sự tấn công sắp xảy ra.
Khi khảo sát từng điểm một những nét cấu tạo một bức tranh, chúng ta sẽ thấy rõ làm thế nào và trong mức độ nào chúng ta có thể phân tích ngôn ngữ phổ biến đó. Khi làm thế, ta cần phải ý thức rằng một chiếc xe đạp gồm những chi tiết rời rạc không tạo thành một phương tiện vận chuyển. Và nếu một bức tranh làm ta xúc động là không phải vì nó chưa đựng những yếu tố riêng rẽ mà do sự tương tác đồng thời của chính những yếu tố đó được tổ chức để tạo ra một mạng lưới phức tạp gồm các quan hệ tâm lý.
Người ta có thể bắt bẻ rằng phân tích một tác phẩm nghệ thuật là tước của nó cái bí mật làm cho nó tồn tại. Nhà phê bình âm nhạc Hans Keller đã bẻ lại rằng sự thích thú phụ thuộc sự hiểu biết và càng ý thức về cái ảnh hưởng tới sự thích thú của chúng ta thì chúng ta càng dễ thông cảm với tác phẩm hơn. Đồng ý với quan điểm đó, chúng ta sẽ xem xét từng nhân tố một có ảnh hưởng tới người yêu thích hội họa. Chúng ta sẽ lấy bức tranh Bacchus và Ariane của Le Titien làm điển hình, phân tích ba khía cạnh khác nhau. Tuyệt tác thời niên thiếu của một trong các danh họa châu Âu ày toát ra sự hài hòa có vẻ tự nhiên, nhưng đó là kết quả của sự cấu trúc không gian chặt chẽ, đạt được sự cân bằng tuyệt diệu cho trạng thái chuyển động.
Có vẻ là sự hiểu biết ngôn ngữ của hình thể có thể giúp ta xác định một cách rõ ràng hơn các ý định của họa sĩ và kết quả đạt được.