Hồi xửa hồi xưa – ở Sài Gòn người ta gọi cà phê là “cà phe”, đi uống cà phê là đi uống cà phe với giọng điệu rất là ngộ nghĩnh. Tiếng Tây gọi cà phê là Café, tiếng Anh là Coffee nhưng mấy “xì thẩu” Chợ Lớn thì gọi “cá phé”. Và ai cũng hiểu đó là món thức uống màu đen có hương vị thơm ngon, uống vào có thể tỉnh người, nếu uống quá đậm có thể thức trắng một đêm không nhắm mắt … và cái món có nhiều cách gọi theo Ta, Tây, Tàu đó đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực thời hiên đại.
Trở về thập kỷ 50: “Cà phê vợt”
Năm một ngàn chín trăm … hồi đó, người Sài Gòn chưa ai biết kinh doanh với nghề bán cà phê cả. “Xếp sòng” của ngành kinh doanh .. có khói khói này là do các xếnh xáng a Hoành, a Coón, chú Xường, chú Cảo .. chủ các tiệm hủ tíu, bánh bao, há cảo, xíu mại. Vô bất cứ tiệm hủ tíu nào vào buổi sáng cũng có bán món cá phé, cà phê, cà phe đi kèm để khách có thể ngồi đó hàng giờ nhâm nhi bàn chuyện trên trời dưới đất.
Hồi đó chẳng ai biết món cà phê phin là gì đâu. Các chú Xường, chú Cảo .. chỉ pha độc một loại cà phê vợt. Một chiếc túi vải hình phểu được may cặp với một cọng kẽm làm vành túi và cán. Cà phê bột đổ vào túi vải (cái vợt) được nhúng vào nồi nước đang sôi, lấy đũa khuấy khuấy vài dạo, xong đậy nắp nồi lại rồi … “kho” độ năm mười phút mới có thể rót ra ly mang ra cho khách. Chính cái “quy trình” pha chế thủ công này mà dân ghiền cà phê còn gọi nó là cà phê kho bởi chỉ ngon lúc mới vừa kho nước đầu. Nếu ai đến chậm bị kho một hồi thì cà phê sẽ đắng như thuốc Bắc.
Có mây khu vực và trên những con đường qui tụ rất nhiều tiệm cà phê hủ tíu. Ở Chợ Cũ có đường Mac Mahon (đọc là đường Mạc Má Hồng, nay là Nguyễn Công Trứ) có rất nhiều tiệm cà phê kho từ sáng đến khuya. Khu Verdun – Chợ Đũi (nay là Cách Mạng Tháng 8) cũng đáng nể bởi cà phê cà pháo huyên náo suốt ngày.
Ở bùng binh Ngã Bảy (góc Điên Biên Phủ và Lê Hồng Phong bây giờ) có một tiệm cà phê hủ tíu đỏ lửa từ 4 giờ sáng cho đến tận 12 giờ đêm.
Cà phê ở thập kỷ 60
Vào thập niên 60, Nhà hàng Kim Sơn (nằm trên góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực) mở cú đột phá ngoạn mục bằng cách bày bàn ghế ra hàng hiên dành cho các văn nghệ sĩ trẻ chiều chiều ra đó bàn chuyện văn chương và .. rửa con mắt. Hồi đó cà phê Kim Sơn chỉ có một đồng một cốc bằng giá vé xe buýt dành cho học sinh.
Theo lý thuyết, những giờ uống cà phê là những giờ thư giãn hoàn toàn, vừa nhâm nhi từng ngụm nhỏ cà phê đặc sánh vừa ngắm quang cảnh sôi động đông vui của đường phố. Thuở ấy con đường Lê Lợi vẫn còn những hàng me. Vào những ngày me thay lá, dưới ánh nắng chiều phớt nhẹ, lá me vàng khô rơi tản mạn như hoa com-phét-ti lấp lánh làm cho đường phố trở nên mộng mị như thơ.
Kim Sơn biết tận dụng ưu thế ở góc đường để khai thác dịch vụ cà phê đường phố. Cái phin pha cà phê dần trở nên quen thuộc và thể hiện khác biệt với cái vợt của cà phê kho ngày trước.
Thời điểm này những nhà văn, nhà báo, các nhà doanh nghiệp tên tuổi cũng có những quán cà phê sang trọng xứng tầm với địa vị của họ. Những La Pagode, Brodard, Givral, Continental là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới thượng lưu Sài Gòn.
Cà phê Tây
Ở cà phê La Pagode, khách không ngồi ghế sắt ghế gỗ mà ngồi trên những salon bọc da. Họ có thể phóng tầm mắt nhìn ra con đường Catinat (nay là Đồng Khởi) đẹp và sang nhất của Sài Gòn.
Tiệm cà phê Givral là nơi nổi tiếng với những món bánh ngọt tuyệt hảo. Tiệm tràn ngập ánh sáng mởi những khung cửa kính nhìn ra Nhà hát lớn (nay là nhà hát Tp.) với một bầu trời khoáng đãng. Những nhà báo, văn nghệ sĩ thường ghé đây uống cà phê trước khi tỏa đi khắp nơi trong thành phố.
Cà phê Việt
Có thể nói từ những năm 60, người Việt ở Sài Gòn mới “thức tỉnh” trước thị trường buôn bán cà phê mà từ lâu họ đã bỏ quên.
Khi qua tay người Việt, quán cà phê không còn luộm thuộm bán chung với hủ tíu, hoành thánh, … như xưa nữa. Quán cà phê người Việt thuần túy chỉ có cà phê, được chăm chút một cách tỉ mỉ hơn, biết tạo ra một không gian tao nhã hơn, thu hút hơn.
Mời các bạn xem tiếp các bài viết tiếp theo.