Nay thử hỏi người đứng đầu công buổi tiên khởi là ai?

Bài viết trích trong sách ”50 năm Cải lương” của Vương Hồng Sển.


Khó nói cho đúng. Hay là muốn nói ít sai thì phải dài dòng. Sơ khởi nên kể công cho ông Tống Hữu Định. Kế đó người có gan đưa lên sân khấu thiệt thọ, gầy dựng thành hình hát cải lương như ngày nay lại là thầy André Lê Văn Thận, quê ở Sa Đéc.

Tống Hữu Định

Ăn chơi bực nhứt đất Vĩnh Long vào năm 1915-1920, thì có thầy Phó Mười Hai, mỹ danh Tống Hữu Định, gọi thầy Phó, vì từng làm phó tổng đất Vãng (Vĩnh Long) v2 gọi Mười Hai là theo thứ hạng trong gia đình. Lúc sanh tiền, thầy hay tổ chức đờn ca tiệc tùng, đá gà, bài bạc, làm thi, đủ thứ. Kịp năm có giặc 1914-1918, thầy tổ chức hát dạo quyên tiền giúp quốc trái, nhưng chưa bao giờ lên hát tại Sài Gòn. Họa chăng thầy là người ham dạo chơi khắp đó đây, nên thầy từng ghé Mỹ Tho ngủ đêm tại đây để chờ sáng đáp tàu hỏa lên Sài Gòn, nhơn dịp đó có lẽ thầy đã từng xem hát bóng có đờn tài tử tại Mỹ, cũng như thầy từng lên ngồi uống rượu nhà hàng như nhà Cửu Long Giang góc d’Espagne – Aviateur Garros, nay là góc Lê Thánh Tôn – Thủ Khoa Huân, và như tại nhà hàng Thầy Bảy Phương gọi Lương Hữu khách sạn đường Carabelli, nay là đường Nguyễn Thiếp, thầy thấy dàn đờn tài tử, thầy chíp để bụng bận về nhà bày đơn ca ngồi trên ván ngựa v.v…

Kinh lịch Quờn hay Hườn

Cùng một lúc tại Vĩnh Long, thuở ấy có ông kinh lịch Quờn hay Hườn. Ông gọi kinh lịch hay gọi tắt là ‘ông kinh’. Sở trường đặt bài ca, thịnh hành nhứt là bản Tứ Đại Oán, thanh âm đúng điệu, lựa chữ ăn đờn. Ông kinh lịch (tên đúng phải chăng là Trần Quan Quờn?) từng có sáng kiến vào thời ấy, nghĩ chế ra một cây đờn kìm thế cho cây nguyệt cầm cổ điển. Ý ông muốn cho cây đờn của ông kêu hơn, có âm thinh nhiều hơn cây nguyệt sẵn có. Tiếc thay đờn của ông chế ra, kềnh càng không quen mắt nên lâu ngày bị bỏ quên vì không đúng như quan điểm công chúng quen nhìn và quen xài. Cũng tiếc thay nay cây đờn ông kinh lịch Quờn sáng chế đã thất lạc và kiểu vở cũng không còn để lại. Chớ chi còn thì cây đờn ấy đáng nhập vào viện bảo tàng âm nhạc. Đến đây mới thấy nước ta còn thiếu m65t âm nhạc quốc gia học hiệu (conservatoire national de musique) vậy. Và đến bao giờ mới có?

Phạm Đăng Đàng

Cũng tại Vĩnh Long, thuở ấy, còn có ông Phạm Đăng Đàng, một thầy đờn kỳ cựu đất Vãng, có thực danh cũng như có thực tài, thiện nghệ cây đờn bầu (độc huyền). Ông gốc gác ở Miền Trung vào, sanh được hai trai, lấy tên xứ đặt tên, một người tên Càn, một người nữa tên Long, vì ông ngụ tại quận Càn Long. Một bài ca tứ đại điển hình, trong bài c1o câu: ‘nên tôi danh sĩ Đăng Đàng …’ đủ chứng minh và đánh dấu bước đầu nghề đờn ca tài tử. Bài Tứ Đại nầy có in trong bộ ‘Thập tài tử’ xuất bản ngày 15-6-1915 tại nhà in de L’Union, Sài Gòn, và như vậy, đây là một tài liệu quí chỉ cho ta biết có lẽ nguồn gốc nghệ thuật cải lương bắt đầu từ những bài ca sản xuất tại đất Vĩnh Long nầy. Năm 1952, tôi có đem bài nầy lên ca trên đài Phát thanh Sài Gòn. Sáng bữa sau, chúng tôi nhận được của một vị phu nhơn ‘gởi tặng 1.000 đồng để uống trà’. Sau rõ lại phu nhơn là ái nữ ông Tống Hữu Định. Nguyên văn bài Tứ Đại ấy như sau:

65. Tặng thầy Phó tổng TỐNG HỮU ĐỊNH (Vĩnh Long) sùng tu văn miếu (Tứ Đại)

Vĩnh Long tỉnh xưa Thánh miếu quan thờ,

Từ khi thất thủ đến giờ

Hư tệ mà không người sửa sang.

Tý niên xui có một chàng,

Tổng đương bàn chánh hành Bình Long

Quán làng Long Châu

Tống gia lương ba đời.

Hiệu Tịnh Trai

Quyết danh là Hữu Định,

Thi ân ra tài,

Tu cổ miếu hơn xưa

Thêm song đường ưa.

Tống gia cảm thánh xưa

Lo hết lòng sớm trưa

Bốn dân mừng câu nhơn nghĩa

Thánh minh đà nay đã vững

Hương quê rực rỡ

Tứ linh tam tòa

Bởi cám ngỡi trước nước nhà

Đạo Nho chẳng hòa

Miếu môn tàn bởi tại ai

Đâu không ngờ ngày nay

Có Tống gia ra sức mạnh

Tưởng chữ ngũ thường

Báo bổ nghĩa tam cang

Tu miếu vấn an

Bá quan hỡi ai ai

Xin thương người đứng làm trai

Cho sum vầy trong bốn vể

Chớ buông lời câu thắng kỷ

Năm kinh dầu mất lễ nay tục còn

Nay Thánh miếu đã rồi

Xuân tế còn noi dấu hòng theo người trên

Sĩ, nông, công, thương,

Khuyến bốn dân nay rõ mặt

Hiệu Tịnh Trai nầy

Cám nghĩa trước đứng đương

Mạch nước quân vương.

Bốn bên mãn mắt xem

Cung viện tường không thua xưa

Anh hung, Tam hao

Rộng thương lang hoàng thiên cao

Nỡ nào phụ sao

Cũng giúp phước như sau

Tống táng có công phu

Hỡi ai ai,

Bắt chước người hơn là tu

Đam vàng, vô chùa

Trời Phật đâu hầu ton lon

Chẳng bằng khuyên con

Báo nghĩa thắng vi tiên.

Nay Tống gia lập chói văn màn

Nên tôi danh sĩ Đăng Đàng

Mới phổ ca truyền thiên hạ

Đặng tụng người đại danh

Nghĩa ấy lưu sau người Nho đạo

Noi theo chước nầy

Sau suy đó nền văn

Cám ngũ thường răng.

Phẩm quan chí lê dân

Cá nước vui hội một nhà

Vĩnh Long Tống gia Thái Thúc tân trào

Tịnh Trai hiệu, danh thành ngàn năm.

***

Nhưng theo ý riêng tôi, ba ông Định, Quờn, Đàng cũng chưa phải là hậu tổ ngành cải lương. Tuy tuổi tác lớn, kinh nghiệm nhiều, nhưng ba ông chưa có công chánh thức đem nghề đờn ca lên sân khấu Sài Gòn. Đồng thời lúc ấy, trong Nam đang có một luồng gió huyền bí: ‘lòng ái quốc trỗi dậy’. Không chống đối nữa, vì đánh vẫn không lại, không làm nhà kháng chiến được nữa, thì ngấm ngầm nấu nung lòng sôi thương nước. Ba ông Định, Quờn, Đàng có công người đặt soạn bài ca ý nghĩa, người lại đưa các buổi đờn ca như vậy đi khắp miệt sông Tiền sông Hậu, từ đất Mỹ Tho qua Sa Đéc, Vĩnh Long. Và nhơn đây là bài sưu tầm về nguyên thủy ngành cải lương, tôi xin dẹp một bên cái chuyện bề goài giả giúp Tây quyên tiền đánh giặc Đức, và chỉ mượn vài gương kín kể như sau làm cái mốc chỉ rõ sự biến chuyển của ngành hát bội qua cải lương.

1 – Hồ Văn Trung

Gương thứ nhứt là gương ông Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh cùng các bạn đồng liêu làm việc các ty soái phủ và tư sở Sài Gòn cầm đầu là ông Lê Quang Liêm, gọi đốc phủ Bảy, lập ra gánh hát hát dạo từ nhà Hát Tây Sài Gòn xuống các chợ Lục Tỉnh, hát tuồng “Gia Long tẩu quốc”, Pháp Việt nhứt gia (thuở ấy phải vậy mới được vì không nói chuyện nhứt gia thì Tây không cho hát). Gánh nầy diễn nửa hát bội nửa kịch, xiêm y áo giáp thì mượn theo xưa, nhưng diễn tả đã theo tân thời, nói lối suôn rõ ràng cho dễ nghe chớ không hát Nam hát khách. Cũng trong gánh nầy có các ký giả gia nhập, tôi còn nhớ tên, như Nguyễn Viên Kiều, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Thành Phương, thầy Hoài, v.v… (ông Tống Hữu Định có lẽ cũng có theo trong gánh). Và đây là một bằng cớ khác:

2 – Đặng Thúc Liêng

“Đêm 16 tháng 11 năm 1919, ông Đặng Thúc Liêng, nhơn đi ngang nhà Hát Tây đường Catinat, nhớ đến năm ngoái, vưng ý toàn quyền A. Sarraut, anh em văn hữu lập hội hát kuyến cung quốc trái lần thứ tư, khởi thủ hát tại rạp nầy trong đêm 16 Novembre 1918, mà năm nay đêm nầy lại vắng tanh, nên cảm xúc việc cũ mà làm bài thi như sau:

“QUÁ SÀI GÒN HÝ VIỆN CẢM TÁC

Năm ngoái đêm nầy hát rạp Tây,

Năm nay hiu quạnh nghĩ buồn thay,

Bổn tuồng Pháp Việt còn roi dấu,

Bạn kép cầm ca đã lạc bầy.

Dịp tốt khiến nên nhiều sự lạ,

Lòng thành vẫn có mấy ai hay.

Xin đừng bỡn trợn chào Nhưng cũ,

Mở mắt ngàn thu cuộc hát nầy.’

Đặng Thúc Liêng

(Trích quyển “Việt Trung tiểu lục” của Nguyễn Thành Phương soạn, nhà in Nguyễn Văn Của, Sài Gòn xuất bản năm 1920, tr. 53)

Tác giả có ý xem dịp hát nầy quan trọng nhiều trong việc chấn hưng nghệ thuật nước nhà, nên đã viết câu kết bài thi: “Mở mắt ngàn thu cuộc hát nầy”.

Tôi lặp lại nữa: căn cứ theo bài thơ trên đây, vậy thì nhờ giúp quốc trái, nên toàn quyền A. Sarraut cho phép lập gánh hát, và thừa dịp từ đó ta bèn bành trướng “nghề cầm ca”.

3 – Nguyễn Thành Phương

Một cộng sự viên khác nữa của gánh ấy là ông Nguyễn Thành Phương, thi gia, ký giả, nghiệp chủ lớn ở Nguyệt Lãng (Trà Vinh), còn để lại bài thi như sau, cũng đánh dấu buổi phát huy nghệ thuật cầm ca buổi ấy:

1 – TÙNG KHUYẾN QUYÊN KỊCH XÃ.

QUI LAI THUẬT;

Trót tháng trời đeo cửa hý trường,

Nước non lặn lội khắp quê hương.

Bày trò bán dạng người thiên cổ,

Góp của mua vui khách tứ phương

Tấm mẳn chung đền ơn Đại Pháp

Bùn than riêng chạnh buổi Tiên Vương.

Ai ôi có biết cho chăng ẻ?

Trầu lộn cùng tiêu chịu tiếng thường.

(Nguyễn Thành Phương. – Việt Trung tiểu lục, 1920, tr.54)

2 – VỊNH HÁT BỘI

Gương đời trôm thấy cửa ca công,

Nghĩ kiếp hư du ngán ngẩm lòng.

Son phấn lả lơi đào kép cũ,

Nước non trà trộn Tống Phiên chung;

Nống hơi đua thửa tài cao thấp

Bôi mặt ghình nhau phía nịnh trung.

Oai thế lẫy lừng cơ nghiệp tạm,

Bá vương rồi cũng phủi tay không.

(Nguyễn Thành Phương. – Việt Trung tiểu lục, 1920, tr.48)

4 – Thầy Hoài

Cũng trong gánh hát “quốc trái” hát tuồng Pháp Việt nhứt gia nầy, có một công chức tên Nguyễn Văn Hoài làm sở tạo tác Sài Gòn, lúc đi hát đóng vai chúa Nguyễn Ánh, đang hát kế người nội trợ từ trần, hội báo chương Nam kỳ cậy Nguyễn Thành Phương soạn câu điếu văn, câu ấy như vầy:

Nhẹ cái bước trần, rạng tiết tùng phu.

Thính mạng:

Lỡ vai tuồng chánh, vị quốc vong gia.

(Việt Trung tiểu lục, 1920, tr.55)

Tiện đây tôi xin mách về tài liệu cũ, trong tập Nam Phong số 19 tháng Giêng 1919 có hai ảnh:

a) Một ảnh Phạm Quỳnh chụp chung với Lê Quang Liêm, chủ hội Khuyến học Long Xuyên và chung với Nguyễn Văn Cư, quản lý Đại Việt tạp chí Long Xuyên;

b) Một ảnh nữa chụp chung các người có chơn trong gánh hát nhắc trên đây, dưới ảnh đề: “Phường tuồng của hội các nhà báo Nam kỳ đi diễn các nơi để cổ động về việc quốc trái năm 1918. Gánh nầy khi xuống diễn tại chợ Sóc Trăng, tôi có được Ba tôi dắt đi xem. Có người đã khuyên tôi nên lược bỏ đoạn nầy, vì có ý tán dương một buổi “nịnh Tây”; nhưng đứng về mặt nghiên cứu, tìm hiểu buổi đầu của hát cải lương, tôi lại cho tài liệu nầy là quan trọng nhứt, vì đây là then chốt cho ta thấy nghệ thuật nhờ che ia61u dưới “quốc trái, lạc quyên”; nhờ làm thế đó Tây kông nói gì, nên sau bành trướng mạnh, càng ngày càng mạnh thêm nữa mà trở nên nghề hát cải lương ngày nay vậy.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!