Điều 26 – Hãy nhìn vào mắt khi nói chuyện với nhau

Ánh mắt sẽ nói lên tất cả. Khi nhìn vào mắt người đối diện, bạn có thể biết được họ nghĩ gì, muốn gì, buồn hay vui, nói thật hay nói dối, …. Trong giao tiếp, dám nhìn thẳng vào mắt đối phương còn chứng tỏ bản lĩnh và sự tự tin của bạn.

Tôi đã thấy rất nhiều người, những người mà khi nói chuyện với người khác, thay vì nhìn vào mắt người đối diện và lắng nghe,lại nhìn lên trần nhà hoặc nhìn vu vơ vào đâu đó hoặc tay gõ gõ, xoay xoay một vật gì đó, thậm chí đưa tay sờ mũi. Đó là một thói quen xấu, là cách nhanh nhất để kết thúc câu chuyện hoặc biểu hiện thái độ thiếu thiện chí, khó chịu với người đối diện. Bạn có thể dễ dàng gặp những người như vậy xung quanh bạn, thậm chí khi bạn chìa tay ra để bắt tay, mắt họ vẫn nhìn quanh phòng để tìm kiếm xem có ai quan trọng hoặc thú vị hơn bạn không.

Khi nói chuyện với người khác, bạn đừng nên làm những việc khác như nhắn tin trên điện thoại, mở cặp hay ngăn kéo tìm tài liệu hoặc nói chuyện với người thứ ba, …. Điều đó sẽ biến bạn thành một kẻ thiếu lịch sự. Hãy để đôi mắt được giao tiếp “điều độ”. Không nên liếc nhìn hoặc nhướn mày sang hướng khác khi đang nói chuyện. Đôi mắt nhìn láo liên, quá linh hoạt của bạn có thể khiến người đối diện mất tập trung, thậm chí, họ có thể cho rằng bạn đang thiếu nghiêm túc, không trung thực.

Tuy nhiên, đa số mọi người đều không thích bị ai nhìn quá lâu. Nhìn thẳng vào mắt người đối diện là điều cần thiết nhưng chỉ cần 5 giây là đủ, đừng nhìn chằm chằm, không chớp mắt vào họ. Thậm chí, họ có thể nghĩ rằng bạn đang phát hiện ra điểm nào đó không hay trên khuôn mặt họ. Cũng thật bất lịch sự khi bạn tiếp xúc ai đó mà cứ nhìn trân trân vào bộ phận nào đó trên cơ thể của họ.

Nếu trong lúc trò chuyện, điện thoại của đối phương đổ chuông hay có một người nào đó xuất hiện để trao đổi với người kia điều gì đó, khi đó bạn nên để mắt “lang thang” ngoài cửa sổ hay trên bầu trời, … Sự không tập trung đúng lúc của bạn sẽ khiến đối phương đánh giá bạn không phải là người ưa tọc mạch chuyện riêng của người khác và chắc chắn họ thích sự tế nhị đúng lúc của bạn.

Việc lờ đi hoặc có thái độ không thiện chí với người nói chuyện với mình là điều Chesterfield, quý tộc người Anh (1694 – 1773), đã suy nghĩ nhiều và sau đó viết thư răn dạy con trai của mình rằng: “Một vết thương còn dễ lành hơn một hành động thiếu văn hóa. Đừng bao giờ có thái độ thiếu thiện chí hoặc tỏ ra khinh khi người đối diện nếu họ kém mình và  đừng bao giờ tỏ ra mình hơn người ta và thể hiện bằng cách nói chuyện với người khác kiểu “ông chẳng bà chuộc”. Và cũng đừng nghĩ mình kém người ta mà tỏ ra thiếu tự tin trong giao tiếp bằng những hành động nhìn quanh hay vò đầu bứt tai”.

Hãy nhớ một điều rằng, bạn nói về bản thân thú vị như thế nào thì người nghe lại thường thấy nhàm chán thế ấy. Câu chuyện nhàm chán nhất là chỉ có một người nói một mạch từ đầu đến cuối hay một người chỉ mải nói về bản thân mà không quan tâm đến người nghe nghĩ gì, cần nói gì. Vì vậy, hãy học cách lắng nghe, chú ý đến người khác và cư xử lịch sự, tôn trọng họ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!