Cha ông ta đã tạo nên nhiều chiến tích kỳ diệu như băng qua eo biển Bering lạnh lẽo, đi vòng quanh mũi Hảo Vọng và khám phá ra thế giới mới, đi lu lịch tới miền Viễn Tây, leo lên đỉnh Everest, khám phá Bắc Cực và đặt chân lên mặt trăng. Những thành tựu ấy không chỉ ghi dấu những bứt phá của loài người mà ở khía cạnh nào đó, nó còn thể hiện sức trẻ, sự trưởng thành của một con người – biết tự vươn ra thế giới bên ngoài để khám phá và học hỏi.
Nhưng theo một cuộc điều tra tại Mỹ, có tới 43% thanh thiếu niên tuổi từ 18 đến 24 vẫn sống phụ thuộc vào cha mẹ, trong khi đáng lẽ ở độ tuổi đó, họ phải tự kiếm tiền và chi trả cho bản thân. Còn ở Việt Nam, tư tưởng ‘ăn bám’ mà người ta gọi là hội chứng NEET cũng đang theo chân một số bạn trẻ. Không phấn đầu, không mơ ước, không đào tạo, họ thành người “tàng hình”, tự loại bản thân ra khỏi guồng quay của xã hội. NEET là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Not in Education, Employment or Training” (không học, không việc làm, không đào tạo). Nói cách khác là lông bông trong sự bao bọc của gia đình.
Hội chứng “không làm gì” bùng phát ở các nước phát triển như Anh, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở Việt Nam, NEET đang khá phổ biến ở độ tuổi từ 18 – 25, mối quan tâm duy nhất của họ chỉ là ba mẹ có chu cấp được cho họ mãi không. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có một thực tế là không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung học đã phó mặc số phận cho ba mẹ mà không quan tâm đến những cơ hội kiếm tiền tự lập; hoặc vì một lý do bi quan nào đó, họ đã tự loại mình ra khỏi guồng quay của xã hội.
Một bộ phận thanh niên cứ nấn ná giữa hai ranh giới “mới lớn” và “tự lập”, khiến nhiều nhà nghiên cứu phải thay đổi cách định nghĩa từ “trưởng thành”. Trong một ấn phẩm của Hiệp hội Xã hội học Mỹ năm 2004, một nhóm nhà khoa học xã hội nghiên cứu sự kéo dài tuổi trưởng thành đã kết luận: “Ngày nay, tuổi trưởng thành mất nhiều thời gian hơn để vượt qua các bước trong cuộc đời mình so với một thập niên trước đây”.
So sánh hai cuộc điều tra dân số Mỹ năm 1960 và 2000, các nhà khoa học xã hội cho biết có sự giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên ở độ tuổi 20 – 30 “hoàn thành những việc lớn trong đời” như: dọn ra ngoài ở, kết thúc chuyện học hành, độc lập tài chính, lập gia đình và có con. Nếu năm 1960 có 77% phụ nữ và 65% nam giới hoàn thành 5 chỉ tiêu của cuộc đời khi 30 tuổi, thì năm 2000 con số đã giảm xuống 46% phụ nữ và chưa đến 31% nam giới. Các nhà xã hội học kết luận: “Xã hội Mỹ sẽ phải xem lại chính xác độ tuổi trung bình của một người trưởng thành hoàn toàn” là bao nhiêu và phát triển theo cách giúp những thanh niên này vượt qua các mốc quan trọng của đời mình (lập gia đình, có con cái, học hành, …)
Ý kiến khác lại cho rằng, khi những người đến tuổi trưởng thành từ chối “không muốn lớn” thì bắt buộc các bậc cha mẹ nên xem lại mình đã chuẩn bị cho con bước vào thế giới người lớn đúng cách chưa. Một số người lại ủng hộ việc “kéo dài tuổi chưa lớn” này trong nền kinh tế khủng hoảng như hiện nay vì để tìm được một công việc phù hợp cho con sau khi chúng ra trường quả là vấn đề nan giải.
Lật ngược vấn đề, nếu bạn được nuôi nấng chu đáo, tại sao bạn phải ra ngoài sống chỉ vì bạn đã đến tuổi trưởng thành? Không có ai trong gia đình bạn đưa ra bất cứ yêu cầu, điều kiện gì mà bạn cần có để ở cùng nhà với mọi người. Ngôi nhà là nơi che chở mỗi khi chúng ta gặp sóng gió, hoạn nạn trong cuộc đời. Nơi đó có ông bà, cha mẹ bạn – những người sẽ giúp bạn bất cứ khi nào bạn muốn. Nếu bạn thuê nhà bên ngoài để ở, ai sẽ chuẩn bị bữa sáng, gấp những đôi tất phẳng phiu và rửa chén bát cho bạn? Vậy bạn có nhất thiết phải đi tìm một nơi ở khác không?
Vấn đề ở đây chính là bạn biết dung hòa giữa hai vế: bạn đã trưởng thành, có thể tự nuôi sống bản thân, thậm chí là phụng dưỡng được cha mẹ mà không nhất thiết phải dọn ra ở riêng.