Điều 32 – Hãy học cách tự chịu trách nhiệm

Ngày mai là hạn cuối cùng nộp hồ sơ vậy mà tối hôm ấy, chị dâu tôi vẫn phải gọi đến vài chục cuộc điện thoại để nhờ tư vấn cho con trai thi vào trường nào. Cháu tôi học đến lớp 12 vẫn phải có ba mẹ đưa đón, dường như sự phụ thuộc thái quá vào người thân đã khiến cháu không còn khả năng tự chịu trách nhiệm nữa. Tôi biết cháu tôi thích trường Ngoại Thương nhưng cháu sẵn sàng nghe theo quyết định cuối cùng của mẹ thay vì tự chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Tôi đã gặp nhiều người như cháu tôi, lúc không thành đạt, họ đổ hết “tội lỗi” lên đầu ba mẹ. Họ cho rằng ba mạ đã chọn sai con đường khiến họ trở nên mất phương hướng và không phát huy được năng lực của mình. Trong chuyện này, cái sai duy nhất của các bậc phụ huynh là đã không để cho con cái có cơ hội tự chịu trách nhiệm đối với suy nghĩ, quyết định và hành động của mình. Những người sống phụ thuộc vào người khác luôn đổ lỗi cho người khác thay vì chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Tôi cảm thấy họ thật đáng thương vì họ khiến người nghe cảm thấy như thể họ là những đứa trẻ không thể trưởng thành.

Nếu không thể làm theo kế hoạch của lớp hay giải quyết được mọi chuyện với người quản lý ký túc xá, bạn vẫn chỉ là ”một đứa con nít”. Khi trưởng thành, bạn phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Tất nhiên, trước đó, ba mẹ bạn đã tác động rất lớn đến nhân cách của bạn nhưng từ giờ trở đi, bạn phải tự đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời mình.

Ở Nhật Bản, một nhóm cha mẹ được gọi là ”cha mẹ trực thăng”, những người này luôn ”bay lượn” ngay trên đầu các con, giám sát chặt chẽ các con để nhanh chóng hỗ trợ mỗi khi chúng gặp khủng hoảng. Họ nhất định phải luôn quanh quẩn để mắt đến những đứa con đã lớn của họ, kiểm tra, kiểm soát từ những cái nhỏ nhất và luôn thay con quyết định tất cả những việc liên quan đến chúng.

Ở Việt Nam cũng vậy, đa số giảng viên các trường đại học cho rằng, ngày càng có nhiều bậc cha mẹ nuông chiều con vì họ có ít con. Kể cả khi con đã trưởng thành, họ cũng không muốn để chúng va chạm với cuộc đời. Vô hình trung, họ đang tạo ra một thế hệ trẻ ” chỉ đợi ba mẹ ra chỉ dẫn” và không biết dự tính cho bản thân.

David Anderegg, giáo sư Tâm lý trường Cao đẳng Bennington (Mỹ), cho biết: ”Nếu bạn có một đứa con nhỏ vô tình uống phải dầu ăn thì việc vỗ vào lưng cho em bé trớ hết ra chứng tỏ bạn là một người mẹ tốt.  Nhưng nếu con bạn 10 tuổi và uống nhầm phải dầu ăn, bạn không phải vỗ lưng nó. Hãy để con bạn ngồi xuống và cố gắng giải thích cho con nên làm gì. Con bạn sẽ học được cách đối phó, xử lý tình huống và biết rằng đó không phải là điều khó xử cuối cùng trong cuộc sống”. Bạn đã lớn hơn nhiều so với tuổi lên mười và tôi tin là bạn tự làm được nhiều việc hơn là phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Bạn có thể tham khảo ý kiến của người lớn và bạn bè nhưng hãy là người đưa ra quyết định cuối cùng. Hãy coi thất bại là điều tất yếu của cuộc sống, đừng đổ lỗi cho người khác mà nên học cách tự chịu trách nhiệm.

Theo nhận định của tờ Asashi (Nhật Bản), những sinh viên được ba mẹ “”bao bọc”” có thể sẽ làm việc tại các vị trí tốt trong công ty uy tín nhưng họ sẽ không bao giờ trở thành những vị lãnh đạo cao cấp bởi vì họ vẫn là các cậu con trai, cô con gái bé bỏng của ba mẹ họ.

”Tôi không thể tin được một người mẹ của đứa con 22 tuổi lại đại diện cho con trai gọi điện đến công ty xin việc”, một giám đốc phát biểu trên tờ Tạp chí phố Wall như vậy. Nhiều ứng viên dự cuộc phỏng vấn xin việc nói với những người có thể trở thành sếp của họ rằng: ”hãy để tôi hỏi ý kiến ba mẹ tôi, tôi sẽ liên lạc lại với ông sau”.

Có lẽ, con của những ”cha mẹ trực thăng” sẽ khó trở thành … người lớn!

Viết một bình luận

error: Content is protected !!