Điều 33 – Hãy có tham vọng nhưng đừng vội thất vọng

Bạn có thể buồn khi không có được mức lương như mong muốn chỉ sau một năm tốt nghiệp đại học? Bạn sẽ không trở thành Phó chủ tịch tập đoàn, không là Giám đốc cấp cao của một công ty nước ngoài hoặc không mua được một chiếc xe hơi riêng? Có thể bạn không được sếp thừa nhận rằng ông ta tuyển dụng bạn vì bạn giỏi giang. Như thế nghĩa là những kiến thức bạn học trong trường, sự cố gắng nỗ lực của bạn chỉ là con số 0. Người ta tuyển dụng bạn nhờ sự may mắn khi đúng lúc cần người thì bạn xuất hiện. Họ tuyển chọn bạn cũng như tuyển chọn vô số người khác và bạn cũng chỉ như hàng chục, hàng trăm ứng viên khác. Lòng tự trọng khiến bạn cảm thấy ấm ức và khó chịu vì người ta cố tình không thừa nhận năng lực của bạn. bạn đành phải kiềm chế và chờ cơ hội thể hiện bản thân.

Tại một hội thảo tư vấn về kỹ năng sống, một thanh niên bức xúc nói rằng anh rất thất vọng về cách cư xử của sếp, rằng ông ta không giữ đúng lời hứa. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế với tấm bằng hạng ưu, anh được mời về làm chuyên viên phát triển thị trường cho một hãng điện tử nổi tiếng với lời hứa sau 6 tháng sẽ được đề bạt lên chức Phó phòng kinh doanh. Thiếu kinh nghiệm quản lý, mối quan hệ ít nên công việc tiến triển chậm không như mong đợi. Dù cuối cùng anh cũng hoàn thành kế hoạch nhưng không được ông chủ thăng chức. Cảm giác bị coi thường khiến anh không thể chấp nhận được việc đó. Anh đã tìm đến hội thảo trên để học cách đối phó, giải quyết những ối quan hệ xã hội, công việc và để xả stress.

Thực tế, những sinh viên khi mới vào đời rất dễ bị sốc trước áp lực của cuộc sống. Điều họ cần nhất khi ra trường là được tư vấn tâm lý và việc làm. Huấn luyện kỹ năng sống cho sinh viên, tuy không phải là một môn học nhưng là một trong những hoạt động ngoại khóa rất quan trọng. Trong công việc, họ phải biết xử lý mâu  thuẫn, giải quyết xung đột, tiếp nhận và xử lý khủng hoảng tâm lý.

Trước đây, các bạn trẻ chỉ được ba mẹ, thầy cô dạy ”kỹ năng sống” trong gia đình và trường phổ thông. Họ chưa được trực tiếp tham gia công việc ngoài xã hội đòi hỏi tự mình phải giảu quyết mọi vấn đề. Nhiều bạn không chịu nổi sức ép công việc, va chạm xã hội thường rơi vào cảm giác chán nả, suy sụp tinh thần khi ”công việc không đơn giản như mình tưởng”. Có bạn thắc mắc, từ trước tới nay mình chưa bao giờ bị điểm kém, chưa bao giờ thất bại, vậy mà khi đi làm, có nhiều việc mình không hoàn thành tốt mà không hiểu vì sao?

Điều mà các bạn trả cần là kinh nghiệm. Hãy thử tưởng tượng, cùng một công việc nhưng một người thâm niên 20 – 30 năm trong nghề chỉ mất vài giờ để hoàn thành trong khi bạn loay hoay cả tháng mà chưa giải quyết được. Hiện tượng đi học trễ, vô kỷ luật hay nói chuyện riêng trong lớp, không hoàn thành công việc đúng kế hoạch, khả năng làm việc theo nhóm kém, … là những tật xấu không dễ thay đổi của sinh viên. Chúng khiến nhiều bạn trẻ bị sa thải khi làm việc trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy không công bằng khi người chủ hay phàn nàn rằng họ thiếu ”kỹ năng làm việc căn bản”, hay chểnh mảng, thiếu tập trung trong công việc, đi làm trễ, … Những người này quen được sống trong sự tán tụng của ba mẹ, bạn bè khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong đầu họ chỉ có một ý nghĩ khi ra trường sẽ kiếm được một công việc tốt,lương cao nất ngưỡng và có một vị trí ”xứng tầm”. Lời chê bai trong những ngày đầu đi làm khiến họ như người rơi từ chín tầng mây xuống. Các cảm xúc phức tạp thường xảy ra trong trường hợp này là: buồn, tự ái, hụt hẫng, hoài nghi về người khác và về gía trị của bản thân.

Tất cả chúng ta đều được khuyến khích có ước mơ. Bạn không sai khi tưởng tượng ra viễn cảnh tốt đẹp cho cuộc sống hậu sinh viên. Tôi chỉ muốn nhắc để bạn đừng quên rằng chỉ trừ những người quá may mắn, còn bình thường, tất cả chúng ta đều phải nỗ lực và phải biết chờ đợi thì mới mong đạt được sở nguyện. Bạn đừng dập tắt ước mơ của mình và cũng đừng vội thất vọng nếu sau 5 năm đi làm, bạn vẫn đứng ở vị trí thấp nhất trong công ty. Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đăng tải chuyện các cụ già 70, 80 tuổi cắp sách đi học. Cơ hội đối với những người ở tuổi ”xưa nay hiếm” rõ ràng quá ít so với các bạn, những người ở độ tuổi 20, nhưng họ vẫn không từ bỏ ước mơ của mình, nên không có lý do gì bạn sớm thất vọng cả.

Bạn hãy nỗ lực hết mình, tự kiểm soát và làm chủ cuộc sống của mình. Cuộc sống sẽ luôn mở rộng vòng tay chào đón những ai biết làm chủ nó.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!