Điều 39 – Học cách đối phó với thói đạo đức giả

Nhà văn Pháp Francois Duc de La Rochefoucauld (1613 – 1680) nhận xét: Đạo đức giả không làm mất uy tín và đạo đức của bạn. Nó đơn giản cỉ như một bộ quần áo đạp để chúng ta mượn và diện chúng. Một người đạo đức giả là người luôn nói một đằng, làm một nẻo nhưng ít nhất anh ta biết điều đó nghe có vẻ như anh ta đang làm đúng.

Đa số chúng ta, dù có thừa nhận hay không, đều có những mặt đạo đức giả. Chúng ta đánh giá người khác khắt khe hơn nhiều so với đánh giá bản thân. Bạn kêu ca đồng nghiệp làm việc vô kỷ luật, chơi game, chát chít trong giờ làm việc, trong khi bạn tán gẫu suốt buổi chiều mà bỏ cả đống tài liệu chưa hoàn thiện. Bạn lên lớp rằng giới trẻ 9X bây giờ sống buông thả, quan hệ yêu đương nhăng nhít nhưng sự thật là bạn cũng yêu dăm bảy anh chàng đó thôi.

Thông thường, rất dễ nhận diện những kẻ đạo đức giả. Đó là vị linh mục thuyết giảng về sự trinh bạch nhưng cũng quấy rối các cô lễ sinh hát trong giáo đường. Những người đi đầu trong phong trào chống tham những cuối cùng bị bắt vì nhận quá nhiều tiền hối lộ. Mẹ của ngôi sao tuổi teen Jamie Lynn Spears tỏ ra bất bình khi con gái bà mang bầu ở tuổi 16 với bạn trai là một học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông và bị dư luận lên án kịch liệt trong khi thế giới lại chúc mừng con gái của chính trị gia Sarah Palin khi cô bé này có thai lúc 17 tuổi. Sự kiện Jamie Lynn Spears mang bầu đã gây sốc không chỉ cho những fan nhỏ tuổi của cô mà còn khiến nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ tức giận vì họ cho rằng, Jamie Lynn Spears đã làm xấu đi hình ảnh của cô trong mắt con trẻ và cô có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu với những học sinh ở Mỹ. Trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek, bà Lynne Spears nói: “Sarah Palin dường như càng nổi tiếng hơn sau khi thông tin con gái bà ta mang bầu, bà ấy được chúc mừng, (…) Còn Jamie Lynn khốn khổ của tôi thì bị đối xử rất nghiệt ngã và nhiều khi tôi nghĩ, dư luận quá đạo đức giả …”

Chúng ta cũng thường gặp những kẻ đạo đức giả ở công sở. Đồng nghiệp kiểu này rất nguy hiểm, họ có thể khiến công việc của bạn trở nên tồi tệ. Bề ngoài, họ luôn tỏ ra thân thiện và nhiệt tình với bạn nhưng sau lưng lại tìm mọi cách hủy hoại hình ảnh của bạn. Cùng làm chung một dự án nhưng họ có thể khoác lác về thành tích của họ mà phủ nhận sự đóng góp của bạn, thậm chí ‘chơi’ xấu bạn. Hãy tránh xa loại người này hoặc bạn phải biết khéo léo “chung sống hòa bình” với họ.

Nhưng có phải là đạo đức giả không khi một số người nghiện rượu nhưng lại cảnh báo bạn không được quá chén? Hay với cha mẹ bạn – người vào độ tuổi của bạn đã quan hệ tình dục trước hôn nhân – nhưng lại dạy bạn không được “ăn cơm trước kẻng”? Chẳng có cha mẹ nào dại gì khoe khoang với con về “thành tích yêu đương” hay “thành tích rượu chè” của mình. Bạn biết là họ nói dối và bạn chấp nhận những lời nói dối đó vì suy cho cùng, họ muốn tốt cho bạn. Những lời nói dối “chân thật” như thế có ý nghĩa hơn nhiều so với sự thật phũ phàng.

Trong cuộc sống, thói đạo đức giả thường bị coi là một trong những điều tồi tệ nhất mà bạn có thể buộc tội cho ai đó, khiến họ mất uy tín trong một cuộc tranh cãi nào đó. Thật không may khi những lời khuyên chân thành đôi lúc cũng bị cho là “những lời giả dối” đáng bỏ ngoài tai – một cách để người ta loại bạn ra khỏi cuộc chơi.

Nhà báo Mỹ, Judith Martin, cho rằng, đạo đức giả không hoàn toàn là một điều tội lỗi trong xã hội mà đôi khi nó có giá trị tích cựa. Nên hiểu điều này như thế nào? Phong thái tốt là lịch sự với những người gây phiền phức cho bạn; cười và bắt tay với những người bạn nghĩ là họ ngu đần; giả bộ cảm kích dù nhận được món quà không thích; giả bộ thú vị dù nghe bác bạn kể một câu chuyện nhàm chán chẳng có tình huống nào hài hước cả. Đó không phải là đạo đức giả. Đó là sự văn minh và bạn nên thử làm như thế.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!