Tại khu tập thể nhà tôi, một người phụ nữ từng sống ở nước ngoài nảy ra ý định tổ chức một hội chợ cho các con tập kiếm tiền và tiêu tiền. “Chúng ta chỉ là người tổ chức và quan sát, hãy xem con của chúng ta làm gì với số tiền mà các cháu kiếm được!”., chị thông báo tinh thần của hội chợ. Đây là cách mà chị học được ở một người bạn. Quan điểm của người bạn này là “dạy cho bọn trẻ biết cách tiêu tiền”.
Bạn có từng bị bố mẹ phàn nàn về chuyện tiền điện thoại, tiền điện, tiền internet lên quá cao không? Tôi thấy nhiều bạn trẻ đã có phản ứng gay gắt trước những lời phàn nàn này. Họ cho rằng sau này họ sẽ làm ra tiền để “trả nợ” bba mẹ, còn bây giờ, khi ba mẹ thừa khả năng chu cấp thì hãy cho họ được quyền chi tiêu thoải mái. “Tiền làm ra cũng chỉ để tiêu, chết có mang theo được đâu!”, nhiều bạn tuyên bố như vậy.
Đúng là người chết thì không tiêu được tiền. Vấn đề là hầu hết chúng ta, những người bình thường, không biết chính xác lúc nào tim mình ngừng đập. Một khi chúng ta còn sống, điều khó chịu nhất, đáng xấu hổ nhất là lệ thuộc vào những đồng tiền không phải do công sức của mình bỏ ra. Điều tồi tệ nhất là để xảy ra tình trạng không một xu dính túi.
Tiết kiệm, đó là cách đối xử cổ điển đối với đồng tiền, cách này hầu như luôn luôn đúng. Ai cũng biết tiết kiệm để làm gì. Nhịn một bữa ngon ở khách sạn 5 sao, bỏ qua một cái váy hàng hiệu, tháng sau bạn có thể tậu được cái tivi như mong ước. Tiết kiệm cho tương lai của bạn, ba mẹ, con cái và người thân. Tiết kiệm để dùng vào những khó khăn và nhu cầu cấp thiết.
Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng bạn chỉ trở nên bất khả chiến bại nếu bạn biết sử dụng đồng tiền kiếm được vào những mục đích ngắn hạn và dài hạn phù hợp. Đừng vội vàng “nướng” những đồng tiền mình kiếm được vào những trò đỏ đen. Cũng đừng phấn khích tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Bạn không phải là thánh để có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra với mình.
Kể cả khi bạn có ngồi trên một núi tiền thì bạn vẫn phải luôn học cách sử dụng chúng. Truyện cổ tích Việt Nam có rất nhiều dị bản liên quan đến một nội dung: vợ dạy chồng ngốc cách tiêu tiền. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng chỉ có kẻ đại ngốc mới cầm tiền đi rồi cầm tiền về như vậy. Sợ không có tiền để tiêu chứ ai lại sợ không biết tiêu vào việc gì. Vậy mà thực ra nhiều người trong số chúng ta, những kẻ được coi là tỉnh táo và khôn khéo, đã không ít lần phải hối hận vì cách tiêu tiền của mình.
Bạn có bao giờ bị dằn vặt vì chuyện hoang phí một cách vô ích vào những trò chơi game thâu đêm suốt sáng? Hối hận ví trút hết hầu bao vào những trò đỏ đen? Thích thú ngắm những hình ảnh bắt mắt trên mạng, bạn lao vào trò mua sắm online, vơ về những thứ chả biết bao giờ thì dùng đến. Lúc bạn cần tiền để giúp đỡ người thân đang nằm viện, bạn mới giật mình, tiền bay theo gió mất rồi!
Có những người nhiều tiền vẫn chẳng được nể vì bởi cách tiêu tiền của họ khiến người ta nghĩ đến các trọc phú.
Bạn thấy đó, cách tiêu tiền cũng khó không kém gì cách kiếm tiền. Bởi vì nhiều khi nó phản ánh cả giá trị của chính bạn.
Sử dụng đồng tiền cũng giống như một nghệ thuật. Đã có nhiều khóa học dành cho các bậc cha mẹ trẻ về chủ đề chi tiêu trong gia đình. bạn đừng vội cười. Sẽ có lúc cuộc sống khó khăn đến mức bạn thầm ước giá thời gian quay trở lại, để bạn được tiêu tiền theo một cách hoàn toàn khác. Bạn còn nhiều cơ hội để quan sát và tự rút ra những bài học cho riêng mình về cách chi tiêu. Người thầy tốt nhất ở đây chính là ý thức của bạn.